Từ một cô gái trắng trẻo hiền lành, Triệu Thị Thương (tên nhật vật đã thay đổi), một cô gái miền sơn cước quê ở Tuyên Quang, xuống Văn Lâm làm công nhân xây dựng. Nhưng chỉ làm được một thời gian thì Thương bỏ công việc công nhân để trở thành nhân viên quán karaoke ở Văn Giang, Hưng Yên. Từ khi chuyển sang công việc mới, nhìn Thương luôn phờ phạc vì thiếu ngủ. Chị kể: "Do đêm nào cũng phải làm việc ở quán karaoke thâu đêm và uống bia cùng khách, nên ban ngày buồn ngủ rũ ra khiến người luôn trong trạng thái mệt mỏi".
Theo lời của Thương, ban đầu chị xuống làm công nhân, lương tháng 7-8 triệu đồng. Ở trọ, xa nhà, thấy ai cũng sắm điện thoại di động đời mới có thể xem phim, nghe nhạc, trò chơi các loại nên chị cũng bị cuốn theo, mua trả góp chiếc điện thoại hơn 10 triệu đồng. Đến khi công ty ít việc làm, không có tiền trang trải cuộc sống và tiền trả góp, Thương theo bạn vào làm nhân viên quán karaoke. "Khi chồng em biết, mâu thuẫn xảy ra và bọn em chia tay nhau. Đến nay, em vẫn chẳng biết chọn con đường nào khác ngoài việc tiếp tục làm ở quán karaoke. Nghĩ lại em thấy rất hối hận và tiếc cho những gì mình đã mất", Thương tâm sự.
Cũng từ công nhân chuyển sang làm việc ở quán karaoke nhưng ngã rẽ của Lục Thị Hoa (tên nhật vật đã thay đổi) lại theo cách khác. Hoa quê ở Hà Giang, xuống làm công nhân ở Hưng Yên được hơn một năm thì dính vào chuyện yêu đương. Người yêu của Hoa có sở thích ăn chơi và sử dụng chất cấm. Hoa cũng hùa theo người yêu, lao vào các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng với bạn trai. Đến khi không còn tiền, việc làm mất, Hoa bị bạn trai bỏ rơi. Hiện Hoa làm nhân viên tại một quán Karaoke giống như chị Thương. Hoa tâm sự: "Ngày xưa ở nhà em có biết ăn chơi gì đâu, chỉ từ khi về đây làm, dính vào yêu đương rồi chơi bời… thế này".
Huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, là khu vực có nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất nên thu hút lượng lớn lao động nhập cư trong đó có nhiều nữ công nhân. Tại xã Lạc Hồng (Văn Lâm) có nhiều khu nhà trọ cho công nhân thuê ở, nên lượng người ở các tỉnh khác về đây khá đông đúc, cuộc sống trở nên náo nhiệt. Khi có đông dân cư thì cũng có nhiều dịch vụ đi kèm mọc lên, từ hàng quán, chợ búa phục vụ nhu cầu thiết yếu cuộc sống cho đến các dịch vụ ăn chơi, giải trí như quán ăn nhậu, karaoke, bida…
Đêm xuống, những cơ sở này thu hút rất nhiều công nhân, trong đó có cả những nữ công nhân ở tỉnh xa. Họ ăn nhậu, vui chơi, hát hò rất nhộn nhịp. Chị Hoàng (tên đã được thay đổi), một chủ cửa hàng kinh doanh ở Lạc Hồng, Văn Lâm, cho biết: "Công nhân là người từ nơi khác đến đây ở khắp các vùng miền. Nơi nào cũng có người chăm chỉ làm ăn, có người thì ăn chơi, sa ngã, kể cả là nữ công nhân người dân tộc thiểu số. Tôi quan sát, lúc đầu các cô ấy cũng hiền lành lắm. Một thời gian sau thì nhiều cô cũng "hòa nhập", ăn chơi, uống rượu bia, hát hò đủ cả. Có trường hợp xây dựng gia đình ở quê nhà rồi nhưng vẫn bồ bịch yêu đương, nên thường hay xảy ra mâu thuẫn lắm. Nhiều cô thì ăn chơi quá đà, lương không đủ chi tiêu dẫn đến vay nợ lãi cao. Đến khi hết khả năng chi trả còn phải bỏ trốn".
Bà Nguyễn Thị Minh, một người dân ở đây, cho hay: "Các cô gái trẻ vùng cao về đây làm công nhân, nếu không bản lĩnh là rất dễ sa ngã. Nam thanh niên nó cứ rủ rê ăn uống chơi bời, không kiềm chế được là bị dụ "vào đời" ngay. Ăn chơi nhảy múa tưng bừng, thiếu tiền thì khắc có người mời vay tiền, vay vào rồi trở thành con nợ ngay. Nói chung là rất dễ sa ngã. Có thể họ từ môi trường sống đang yên ả, bình lặng, nay về dưới này cuộc sống nhộn nhịp, có phần xô bồ nên họ dễ bị lôi cuốn theo".
Anh Lò Văn Sơn, dân tộc Thái ở Phù Yên, Sơn La, hiện đang làm ăn tại xã Lạc Hồng, Văn Lâm, chia sẻ: "Nhiều cô xuống đây làm, có tiền mua điện thoại thông minh thì còn bị lôi kéo cả vào trò chơi đánh bạc online như tài xỉu. Cứ nạp tiền vào đánh đỏ đen cả đêm mà chả có ai kiểm soát, nhắc nhở. Thế rồi, tiền thua hết mà người mệt mỏi không còn sức làm, công ty họ cho nghỉ việc. Lúc ấy chẳng còn gì nữa".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn