Cách đây hơn chục năm, một người bạn là họa sĩ sống ở Seoul (Hàn Quốc) nói với tôi rằng chị thấy ghen tị với phụ nữ Việt Nam vì sự bình đẳng giới của họ, vì phụ nữ Việt có thể làm được mọi thứ. Lúc ấy tôi không hiểu lắm, vì trước nay vẫn thấy giới nữ nhà ta than phiền về nỗi bất bình đẳng với "cánh mày râu", nay cũng được người ghen tị là cớ làm sao.
Sau này đi nhiều và bỏ công nghiên cứu mới thấy rằng, chúng ta vẫn còn phải nỗ lực nhiều để san bằng bức tường bình đẳng giới, nhưng ở châu Á, bao gồm cả Nam Á, Đông Á, Đông Nam Á và các nước Hồi giáo thì có nhẽ đàn bà nước Nam rõ ràng vẫn chiếm ưu thế.
Đàn ông ngoại quốc, hễ nhắc đến phụ nữ Việt đều không khỏi kính nể và ngưỡng mộ. Ông Jamal Chouaibi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền vương quốc Ma rốc, luôn nhắc đi nhắc lại rằng: "Khi đến đây, phụ nữ luôn khiến tôi phải ngả mũ chào. Họ không những xinh đẹp, dịu dàng mà còn giỏi giang, năng động, chăm chỉ. Họ hầu như làm được tất cả những việc mà đàn ông có thể làm. Tôi kính nể lắm".
Ông Haldun Tekneci, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng luôn khen ngợi: "Phụ nữ Việt thật đáng kính phục, họ biết yêu thương, ngọt ngào, hy sinh, nhường nhịn nhưng cũng mạnh mẽ, quyết liệt, bền bỉ và làm được tất cả mọi thứ. Họ thông minh và sắc sảo. Đàn ông Việt Nam thật may mắn khi có được họ".
Còn ông G.B. Harisha, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Swami Vivekananda, thì nhận xét: "Việt Nam có một điều đặc biệt khác với các quốc gia khác đấy là đất nước này có rất nhiều nữ anh hùng". Đó hoàn toàn không phải những lời khen ngoại giao sáo rỗng, bởi tôi cũng từng nghe và đọc hàng trăm lần những điều tương tự khi người nước ngoài nhận xét về phụ nữ Việt. Trên đấu trường sắc đẹp quốc tế, nhan sắc Việt luôn lọt vào top cao nhất; trên thương trường, chính trường và cả chốn hậu trường để làm chỗ dựa vững chãi cho những người đàn ông của gia đình, phụ nữ Việt luôn đặt mình ở vị thế xuất sắc. Có lẽ chính vì những năng lực đặc biệt ấy mà suốt hàng ngàn năm phong kiến của chế độ phụ quyền, phụ nữ Việt vẫn giành được tiếng nói trong gia đình và xã hội.
Song hành cùng vận nước với nỗi khổ của chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, dịch bệnh… không thể vắng bóng hình ảnh người phụ nữ Việt. Trên cánh đồng, họ trực tiếp tham gia vào sản xuất nông nghiệp như nam giới, khi mà "chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa". Trên thương trường, họ đảm đang, tháo vát. Trong "Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài - 1688", William Dampier cho biết: "Nhiều thương nhân ngoại quốc đã kiếm được bộn tiền bằng cách giao cho những bà vợ Đàng Ngoài tiền và hàng hóa. Ở một xứ nghèo như Đàng Ngoài, việc có tiền để chạy chợ quả thật là một lợi thế lớn và các bà vợ này khi đã có vốn trong tay thì sẽ tìm cách để sinh lời". Trong gia đình, họ nắm vai trò "tay hòm chìa khóa", quản lý tài sản, chăm lo con cái và việc lễ nghĩa nhà chồng. Chưa kể mỗi khi đất nước biến động, người phụ nữ không chỉ là hậu phương vững chắc mà còn sẵn sàng có mặt ở tiền tuyến. Nên khi nghe tiến sĩ Harisha bình luận điều này, tôi không khỏi giật mình. Hiếm quốc gia nào có nhiều nữ anh hùng như xứ Việt, từ thuở Bà Trưng, Bà Triệu đến nay.
Khi đất nước rơi vào cảnh dịch dã, sự khó khăn cũng nào khác chiến tranh. Một lần nữa thử thách lại xuất hiện. Những người phụ nữ vẫn bình tĩnh trong nguy biến, bởi có lẽ trong dòng máu họ đã quá quen với khó khăn, chông gai và trở ngại mà từ đời mẹ, đời bà truyền lại. Nơi tiền tuyến hiểm nghèo, nơi ranh giới của sự sống và cái chết vẫn cần chỗ dựa của những nữ bác sĩ và y tá. Một lần nữa gánh nặng lại đặt trên hai vai của họ, một gia đình cần được chăm sóc, được an toàn trong dịch bệnh và những bệnh nhân cũng cần đến sự hỗ trợ chuyên môn. Hơn 7 vạn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong đại dịch là con số ám ảnh mà ở đó có những nữ doanh nhân và cả những người làm công ăn lương đã phải tạm thời rời khỏi lực lượng lao động. Ấy vậy mà vẫn hiếm thấy những lời than phiền. Than vãn không phải đặc tính của dân tộc này, càng không phải của phụ nữ Việt. Họ không khoanh tay ngồi yên mà cùng nhau tìm mọi cách để hỗ trợ những đồng bào vùng dịch, những người kém may mắn hơn, bằng nhu yếu phẩm, bằng hoạt động tình nguyện, và bằng những lời động viên.
Người nước ngoài vẫn nhận xét người Việt thân thiện, vui vẻ và lạc quan. Xét về điều này, chính trong cơn bĩ cực, nụ cười của những người phụ nữ trong gia đình thậm chí còn có giá trị hơn mọi quyền năng khác của họ. Tại sao không, họ đã làm được tất cả mọi điều trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, thì lần này, thêm một khó khăn mới, cũng vẫn là nụ cười kiên nhẫn chờ đợi một bình minh của năm mới sắp đến mà thôi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn