Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2021), PNVN giới thiệu câu chuyện "tự giúp mình, giúp đồng đội" của cựu TNXP Trần Thị Quý.
Năm 1972, khi cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của dân tộc đang bước vào giai đoạn quyết liệt, theo tiếng gọi của Tổ quốc, cô thôn nữ Trần Thị Quý đã làm đơn tình nguyện gia nhập TNXP, bám trụ ở ngã 3 lửa Bến Thủy, cầu Phương Tích, cầu Cấm, rồi Km0 Ở Tân Kỳ. Không ngại hiểm nguy, gian khó, cô gái ấy đã cùng đồng đội ngày đêm san đường, lấp hố bom, vận chuyển lương thực, thuốc, quân tư trang cho các cán bộ, chiến sĩ.
Trò chuyện với chúng tôi, những câu chuyện về một thời hừng hực khí thế cùng đồng đội chiến đấu cứ như dòng chảy không ngừng trong bà Quý. "Ngày đó, cuộc sống rất vất vả nhưng các nữ TNXPluôn ở tâm thế lạc quan và không quản ngại gian khổ, hy sinh", bà xúc động.
Năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bà Quý làm việc tại HTX may mặc rồi HTX Hợp Lực ở phường Trung Đô. Đến năm 1990, bà nghỉ làm ở HTX. Không cam chịu cảnh đói nghèo, bà quyết định mở cửa hàng dịch vụ nấu ăn phục vụ lễ hội, lễ cưới tại gia.
Với cái tâm đáng quý của người làm nghề, cửa hàng của nữ cựu TNXP nhanh chóng được nhiều người biết đến, tin tưởng, ngày nào cũng có người đặt cỗ. "Mặc dù rất vất vả nhưng đổi lại, mình có thu nhập để chăm lo cho con cái và trang trải cuộc sống. Cũng rất may mắn là được sự ủng họ của nhiều người nên tôi mới có đủ nghị lực để vượt qua tất cả", bà Quý nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp gian khó.
Chia sẻ về bí quyết kinh doanh, bà khiếm tốn: "Bản thân tôi luôn đặt chứ "tâm" rồi mới đến chữ "tầm". Cũng chính vì lẽ đó mà cơ sở của bà ngày càng ăn nên làm ra. Thu nhập của cựu TNXP này những năm 2000-2010 có lúc lên đến 100 triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoản chi phí và thuế. Đến năm 2013, cửa hàng tiếp tục mở rộng kinh doanh, tuyển thêm nhân sự, đầu tư, quảng cáo tiếp thị trên môi trường Internet nên doanh thu tăng đều hàng năm. Đến nay, tổng số lao động của cửa hàng là 30 người, thu nhập bình quân mỗi lao động 5-10 triệu đồng/tháng...
Không dừng lại đó, bà còn liên kết, đầu tư thành lập công ty xe khách vận chuyển khách từ TP.\ Vinh đi Hà Nội. Điều đáng nói trong tổng số người lao động tại cửa hàng, công ty của bà thì có đến một nửa lao động là con của các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn.
Dù cuộc sống gia đình còn nhiều nỗi lo toan, buồn phiền nhưng bà Quý vẫn thu xếp mọi việc ổn thỏa, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, đồng thời sẵn sàng sẻ chia với nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Với bà, chăm lo cho những người nghèo là một hạnh phúc lớn.
Hàng ngày, song song với việc lao động sản xuất để nuôi con, bà thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt và kêu gọi hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài phường. Có trường hợp nào ốm đau dài ngày hay khó khăn đặc biệt là bà kêu gọi mọi người chung tay hỗ trợ, không chỉ tiền bạc, mà cả những ngày công, phương tiện sản xuất, những tấm áo, bữa cơm...
Bà Quý tâm sự: "Tôi chưa phải là giàu, anh chị em của tôi hoàn cảnh còn khó khăn. Xuất phát từ sự khó khăn của mọi người, cảm động, nên tôi rất thương họ, thấy cảnh đời của mọi người, của đồng đội nên tôi muốn giúp đỡ họ".
Một thời từng nếm mật nằm gai, hơn ai hết, bà thấm thía sự đùm bọc yêu thương giữa người với người lúc hoạn nạn. Kinh tế hộ gia đình phát triển, cựu TNXP không giữ riêng cho mình mà tích cực hoạt động mạnh công tác từ thiện. Trong nhiều năm qua, bà Quý đã trao tặng nhiều sổ tiết kiệm cho người có hoàn cảnh khó khăn, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, trao hơn 3.600 suất cơm, 290 suất cháo và bánh mì tại Bệnh viên Ung bướu Nghệ An, ủng hộ 1.000 khẩu trang phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, bà cũng thường xuyên giúp đỡ, tặng quà cho các cựu TNXP khó khăn; tặng quà các nạn nhân chất độc da cam; tặng sách vở, quần, áo cho trẻ em vùng cao; phối hợp các ban ngành, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau dài ngày và mắc bệnh hiểm nghèo… Tổng số tiền qua các đợt ủng hộ trong các năm qua của cá nhân là trên 550 triệu đồng.
Nhận xét về bà Trần Thị Quý, bà Nguyễn Thị Thanh - Hội cựu TNXP phường Trung Đô, TP Vinh - nhận xét: "Bà Quý là cựu TNXP gương mẫu, giàu lòng nhân ái, bà luôn chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ đồng đội, giúp đỡ mọi mọi người, nhất là những người yếu thế, kém may mắn trong cộng đồng".
Ông Trần Quang Đại, Chủ tịch UBND phường Trung Đô, nhận xét: "Mặc dù bà Qúy vừa tham gia công tác Hội, vừa là một doanh nghiệp, doanh nhân nhưng với tình cảm trách nhiệm cũng như tấm lòng chia sẻ, tri ân, bà luôn quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi ghi nhận và trân trọng tấm lòng của bà Quý - người đã có những hoạt động thiết thực đối với địa phương trong thời gian qua".
Với những thành tích trong phát triển kinh tế và công tác xã hội, vì nghĩa tình đồng đội, bà Quý đã được các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen. 2 lần là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc các năm 2015, 2020; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn