Sáng 25/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhiều năm qua đã có sự chuyển mình một cách mạnh mẽ. Dấu ấn rõ nét thể hiện ở kết quả ban hành nghị quyết được ban hành, số lượng các nghị quyết của Hội đồng nhân dân ban hành tăng nhiều, chất lượng các nghị quyết đi vào cuộc sống, phản ánh, bám sát hơi thở cuộc sống. Vai trò của Hội đồng nhân dân thể hiện thực chất. Người dân quan tâm nhiều hơn, đánh giá rõ hơn vai trò trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Công tác giám sát của Hội đồng nhân dân cũng ngày đi vào sát thực tế, sát với nhu cầu nguyện vọng của cử tri, gần dân hơn, hiểu dân hơn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân ở địa phương. Đặc biệt, trong năm 2023, Hội đồng nhân dân có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động. Trong đó, tổ chức luân phiên việc tổng kết hoạt động, tổ chức các phiên họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tại các địa phương trên địa bàn của tỉnh gắn với nội dung khảo sát thực tế phục vụ cho việc ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Với cách làm mới đã mang đến sức sống mới trong hoạt động của Hội đồng nhân dân, không còn khô cứng, khắc phục được tính hình thức. Đồng thời, các đại biểu Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cũng có nhiều tiến bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình theo luật định.
Chia sẻ hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, bà Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang, cho biết: Năm 2023, Bắc Giang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, bước vào quý II, tỉnh Bắc Giang đã chủ động tập trung các nguồn lực, tháo gỡ nhiều "nút thắt", "điểm nghẽn. Do đó, kinh tế Bắc Giang đã có sự phục hồi kỳ diệu kể từ quý II với mức tăng trưởng cả năm đạt 13,45%, đứng đầu cả nước.
Góp phần vào thành công đó, năm 2023, HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ chuyên đề, đã quyết nghị ban hành 88 nghị quyết quan trọng, sát với tình hình thực tiễn của địa phương, giúp khơi thông, giải phóng các nguồn lực. Đặc biệt, việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh; phân công rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chủ trì, phối hợp thực hiện nhằm tăng cường tính chủ động, hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ công tác năm. Chương trình, kế hoạch hoạt động được xây dựng và tổ chức triển khai đổi mới theo hướng rà soát kỹ, chỉ đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn để tránh trùng lắp, dàn trải, thuận lợi cho công tác đôn đốc, kiểm tra và đảm bảo phát huy tính hiệu lực, hiệu quả và thực chất.
Đồng thời HĐND tỉnh luôn xác định đúng vai trò, chức năng và vị thế trong việc quyết định những vấn đề quan trọng tại địa phương; các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh trong thời gian qua được ban hành sát với tình hình thực tiễn, phản ảnh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội...
Cùng với đó đẩy mạnh sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trên mọi mặt công tác. Công tác tổ chức và điều hành kỳ họp có nhiều đổi mới. Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh được tiếp tục đổi mới, nghiêm túc, thực chất, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả.
Trong thời gian tới, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh, phát huy tính chủ động của các Ban HĐND tỉnh trong phản biện, thể hiện quan điểm, chính kiến và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau làm cơ sở để HĐND tỉnh thảo luận và quyết nghị, phát huy hiệu quả của các chính sách, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, tăng cường tiếp xúc cử trỉ theo chuyên đề, tập trung vào các nội dung lớn cần xin ý kiến rộng rãi, trực tiếp đến đối tượng chịu sự tác động để xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp; tăng cường công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, kiến nghị của đại biểu tại kỳ họp, đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường các kênh, hình thức tương tác mới với cử tri...
Chia sẻ về hoạt động phối hợp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung cho biết: Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An có nhiều thuận lợi trong phối hợp hoạt động, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay. Trong năm 2024, để nâng tầm quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của. Đặc biệt, những kinh nghiệm hay, những bài học quý tại Kỳ họp Quốc hội đã được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thông tin trao đổi với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để nghiên cứu, học tập các Kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh. Các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đều có sự tham dự của lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Công tác phối hợp trong hoạt động xây dựng pháp luật trước kỳ họp Quốc hội, trong đó Đoàn Đại biểu Quốc hội đều tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật, mời Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh tham dự.
Cùng với đó, Thường trực Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thống nhất điều hòa hoạt động giám sát để tránh trùng lặp về nội dung và phân bố hợp lý về thời gian địa điểm giám sát. Đối với những vấn đề nổi cộm bức xúc cử tri kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng dân tỉnh phối hợp tổ chức giám sát, khảo sát để nắm bắt thông tin, làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh để xác định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết. Vì vậy một số kiến nghị bức xúc của cử tri kéo dài nhiều năm đến nay đã được quan tâm giải quyết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn