Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phần lớn các đại biểu đồng tình quan điểm Quy hoạch tổng thể quốc gia phải mang tính bao trùm tất cả các lĩnh vực, định hướng phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong 30 năm tới. Đây nhiệm vụ mới quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược.
Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, đặc biệt quan tâm vấn đề về khai thác nguồn nước, hệ sinh thái rừng không hiệu quả, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Từ những bất cập nhiều năm qua, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng, cần phải đảm bảo an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước. Theo đó, cần có tầm nhìn quy hoạch về đảm bảo nguồn nước, công trình thủy lợi; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên nước. Bên cạnh đó, cần sớm quy hoạch ngành quốc gia, kiểm soát nguồn nước, đê điều, cung cấp nguồn nước sạch...
Hiến kế về vấn đề này, đại biểu Khang Thị Mào đề xuất: Thứ nhất, sớm hoàn thiện lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành liên quan đến tài nguyên nước theo Kết luận số 36 ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị.
Thứ hai, thực hiện có kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch, trong đó ưu tiên nhiệm vụ cấp bách trữ nước, chuyển nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu.
Trước tiên, bố trí đủ nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp một số hồ, đập hư hỏng nặng, bảo đảm an toàn hồ, đập. Các nguồn nước mưa, lũ bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước cần thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi về giá nước phục vụ sản xuất và đời sống, có lộ trình hỗ trợ hợp lý cho nông dân, cho hộ nghèo, hộ yếu thế theo xu thế giảm dần sự bao cấp của Nhà nước.
Thứ ba, tăng cường công tác bảo vệ và nâng cấp chất lượng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, sớm nghiên cứu nâng cấp mức hỗ trợ vẫn bảo vệ rừng phù hợp với chất lượng từng loại rừng thông qua việc đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy hoạch, quy định của pháp luật để khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, nhất là tại các địa phương miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và là nơi có tỷ lệ che phủ rừng cao.
Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, nhấn mạnh: Vấn đề an ninh nguồn nước tại khu vực Tây Nguyên và các vùng khác trong thời gian tới sẽ là vấn đề nóng và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Trong khi đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp tới năm 2030 đã xác định tại khu vực Tây Nguyên là nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp như là cây cà phê, hồ tiêu, cao su và chè, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu đó, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị cần có định hướng cụ thể để đảm bảo nguồn nước tưới cây cà phê, cây chủ lực của Tây Nguyên, đảm bảo cho việc phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tại phần ba, Chương 7, Chương 8, Mục 4.3, định hướng về phát triển thủy lợi theo các vùng còn chung chung, do đó đề nghị cần có định hướng cụ thể theo vùng, miền trong thời gian tới để có cơ sở cho việc triển khai.
Quan tâm đến vấn đề định hướng sử dụng đất quốc gia, đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, vấn đề giải giải quyết đất sản xuất cho người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện định hướng giảm đất sản xuất nông nghiệp thì phải gắn việc phát triển các ngành công nghiệp để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế xã hội tại khu vực Tây Nguyên.
Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp thì cần có quỹ đất. Tuy nhiên, quỹ đất để phát triển công nghiệp ở Tây Nguyên còn tương đối thấp. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị tăng diện tích của khu công nghiệp tại Tây Nguyên trong giai đoạn tới để tạo nguồn quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp tại khu vực Tây Nguyên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn