Nữ đại biểu Quốc hội miền Nam khóa đầu

17:41 | 21/05/2016;
Bà Ngô Thị Huệ - người bạn đời, người đồng chí của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một trong 3 nữ đại biểu Quốc hội đại diện cho miền Nam trong số 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I.

Bà Ngô Thị Huệ tên thật là Ngô Thị Ngỡi, sinh năm 1918 tại xã Mỹ Qưới huyện Ngã Năm, tỉnh Kiên Giang (nay là huyện Phước Long, tỉnh Sóc Trăng). Bà là con thứ 7 trong gia đình có 8 anh chị em nên thường được gọi là Bảy Huệ.

Sớm tham gia hoạt động cách mạng, năm 11 tuổi, bà Ngô Thị Huệ đã được người anh rể thứ 5 giác ngộ, thoát ly gia đình đi làm cách mạng với vai trò giao liên. Năm 1936 khi mới 18 tuổi, bà đã được kết nạp vào Đảng. Sau đó bà tham gia hoạt động cách mạng tại nhiều địa bàn, là huyện ủy viên huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (1937), tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh (1938), tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cần Thơ (1939), ủy viên Liên tỉnh ủy Hậu Giang gồm 6 tỉnh miền Tây (1940).

b-ng-th-hu-i-biu-quc-hi-kha-i-1946.jpg
Bà Ngô Thị Huệ - Đại biểu Quốc hội khóa I. 

Năm 22 tuổi, bà Ngô Thị Huệ đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tham gia lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940. Bà đã nhiều lần bị bắt và bị kết án tù chung thân khổ sai. Theo như những gì bà kể lại, khi phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, bà bị bắt giam 12 tháng nhưng sau đó được tuyên trắng án. Tới tháng 6/1942, bà lại bị bắt lần 2 và lần này bị tuyên án tù chung thân, bị giam cầm, tra tấn lần lượt ở các nhà tù Chợ Quán, Chí Hoà rồi Côn Đảo mãi 3 năm sau, đến tháng 6/1945, sau một số lần tổ chức phá khám vượt ngục bà mới được giải thoát về Bạc Liêu. Bà tham gia Tỉnh ủy lâm thời, tổ chức cách mạng tháng Tám và cướp chính quyền ở Bạc Liêu.

Trong ngày tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (6/1/1946), được sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân, bà Ngô Thị Huệ đã trở thành một trong 3 đại biểu nữ thuộc đoàn đại biểu miền Nam của Quốc hội khóa I. Với bà đây là niềm vinh hạnh lớn lao. Trong hồi ức của mình, bà không quên được không khí đi vận động, tuyên truyền bầu cử ngày ấy. “Trong tâm trí tôi lại khắc ghi thêm hình ảnh của những bà mẹ, người chị buôn thúng bán bưng, với những dòng chữ nguệch ngoạc đã viết tên Huệ trên những tấm lá chuối, giấy gói hàng chuyền tay cho nhau đọc, vận động bỏ phiếu cho tôi. Làm sao tôi có thể quên được” bà Huệ sau này nhớ lại. Bà trở thành một trong 3 nữ đại biểu Quốc hội đại diện cho miền Nam trong số 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa I.

Vào tháng 3/1946, bà cùng với những đại biểu các tỉnh Nam Bộ khác được triệu tập ra Thủ đô Hà Nội dự phiên họp Quốc hội đầu tiên ngay thời điểm quân và dân ở các tỉnh, thành Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến gian khổ ác liệt. Phải mất hơn 6 tháng ròng rã theo đường biển qua Thái Lan, Trung Quốc, thay đổi lộ trình nhiều lần, đoàn đại biểu miền Nam mới ra được tới Hà Nội. Bà bắt đầu nhận công tác Quốc hội vào tháng 10/1946.

Trong kỳ họp Quốc hội này, niềm khát khao “được giải phóng giới” mà bà ấp ủ bấy lâu, thúc đẩy bà dấn thân làm cách mạng và bao lần tuyên truyền vận động cho chị em tham gia đấu tranh cho dân chủ, dân sinh đã trở thành hiện thực. “Tôi hạnh phúc nhất là trong kỳ họp Quốc hội năm đó, tôi được phát biểu ý kiến của mình là hoàn toàn nhất trí với điều Hiến pháp công nhận “nam nữ bình quyền” gắn liền với độc lập và thống nhất Tổ quốc”, bà cho biết.

10-n-i-biu-quc-hi-kha-u-tin.jpg
 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên.

Đầu năm 1947, bà Ngô Thị Huệ trở lại miền Nam hoạt động và được cử vào Ban Thường vụ Thành ủy. Bà tiếp tục tham gia các công tác Ban tổ chức Xứ ủy, Ban Phụ vận, Đảng đoàn Phụ nữ Nam Bộ từ năm 1952 đến năm 1954.

Sau hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, bà về Sài Gòn làm Trưởng ban Phụ vận Thành ủy. Năm 1959 bà cùng các con ra Hà Nội học tập và công tác. Bà từng giữ trọng trách Vụ trưởng Vụ Tổ chức Ban cán bộ Trung ương, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình.

Sau khi nghỉ hưu và về Thành phố Hồ Chí Minh, bà Ngô Thị Huệ vẫn tích cực tham gia các phong trào phụ nữ. Bà là một trong những người thuộc nhóm thành lập Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, rồi sau đó phát triển thành Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, ủy viên Hội đồng biên soạn lịch sử Nam bộ Kháng chiến. Bà cũng có mặt và đóng góp công sức của mình trong nhiều chương trình từ thiện, là người đã có công vận động để lập ra Bệnh viện miễn phí An Bình.

Năm 1993, tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bà cùng một số cán bộ đã đề xu uất thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1994, khi Hội được Thành ủy, UBND thành phố cho thành lập, dù ở độ tuổi "xưa nay hiếm", bà Ngô Thị Huệ vẫn là một trong những người đầu tiên tham gia, vận động các nhà hảo tâm cùng góp công sức, tiền bạc, thuốc men, vận động nhiều bác sĩ nổi tiếng đi cùng để chăm lo cho các cụ già nghèo, neo đơn, các trẻ em nghèo bất hạnh của thành phố và trên cả nước. Bà giữ cương vị Phó chủ tịch Hội trong các nhiệm kỳ kéo dài từ 1994-2009 và vẫn tiếp tục là Ủy viên thường vụ của Hội cho đến nay.

Với quá trình hoạt động cách mạng và cống hiến của mình, bà Ngô Thị Huệ đã được Nhà nước Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng nhiều huân chương, huy chương kháng chiến các loại. Bà cùng 5 nữ cán bộ cách mạng lão thành trong Tổ sử phụ nữ Nam Bộ được phong tặng Huân chương lao động hạng nhất vào năm 1997. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 82 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930–3/2/2012), bà được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và Huân chương Hồ Chí Minh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn