Số lượng nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam ngày càng tăng, từ Quốc hội khóa I (1946-1960) chỉ có 10 đại biểu là nữ, chiếm 3% đến Quốc hội khóa XIV số đại biểu nữ được nâng lên 133 người, chiếm 26,8%. Trong tổng số 496 đại biểu Quốc hội được bầu ngày 22/5/2016, các đại biểu nữ (133 người) đã phát huy tốt vai trò của mình dù là lần đầu tham gia nghị trường hay đang đảm nhận nhiệm kỳ thứ hai, thứ ba, thậm chí là thứ năm. Điều đặc biệt, tại Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên nước ta có một vị Chủ tịch Quốc hội là nữ - bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Thực tiễn cho thấy, có thêm phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam. Các chuyên gia khuyến nghị cần tạo mọi cơ hội cho nữ đại biểu Quốc hội tham gia vào tất cả các lĩnh vực thông qua việc thúc đẩy cân bằng giới trong các Ủy ban của Quốc hội. Khi trở thành đại biểu Quốc hội, phụ nữ có điều kiện tham gia xây dựng chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến nữ giới nhằm bảo đảm cho những phụ nữ khác có đủ điều kiện được bảo vệ quyền lợi và cơ hội tham gia hoạt động chính trị. Điều này sẽ tạo đà cho việc tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của nữ giới, góp phần vào thành công của chiến lược bình đẳng giới về thực chất.
Bà Đỗ Thùy Dương - Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 - chia sẻ, chính việc thay đổi lần đầu tiên có một nữ Chủ tịch Quốc hội đã tạo nên một không khí mới tại nghị trường. Từ một nghị trường rất nhiều báo cáo sang một nghị trường tranh luận từ các góc nhìn khác nhau. Số lượng nữ đại biểu tham gia nghị trường, chủ động đặt câu hỏi trong suốt kỳ họp tăng và rất đa dạng. Dẫn chứng về sự thành công của nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021, bà Đỗ Thùy Dương cho biết, tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nơi đóng vai trò lập pháp quan trọng và chỉ có hơn 20% đại biểu là nữ trong nhiệm kỳ 2016-2021 lại có nữ Chủ nhiệm Ủy ban.
Kết quả nghiên cứu vai trò của nữ đại biểu Quốc hội trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021 do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ cao nam và nữ đại biểu Quốc hội và HĐND đồng tình với nhận định "Có thêm phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo cơ quan Nhà nước sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam".
Trong kế hoạch hành động, nữ đại biểu quan tâm hơn so với nam giới về các lĩnh vực về giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, dân tộc, lao động-thương binh và xã hội, tôn giáo và tín ngưỡng. Về phẩm chất và năng lực thực hiện nhiệm vụ, tỷ lệ nữ đại biểu coi trọng phẩm chất "phát ngôn đúng mực" và "có khả năng thuyết phục" cao hơn so với nam đại biểu. Lợi ích của cử tri tại địa phương họ ứng cử là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định khi đại biểu tham gia ý kiến về một vấn đề cụ thể và việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Cả nam và nữ đại biểu Quốc hội đồng tình rằng, nữ đại biểu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động và việc làm.
Chính đại biểu Đỗ Thùy Dương đã theo đuổi việc đề xuất xây dựng Luật An toàn trường học. Bà đã hoàn thành sổ tay tổng hợp kỹ năng của nữ đại biểu và các vấn đề nghiên cứu liên quan đến an toàn trường học. "Ở cương vị mình, tôi có trách nhiệm phải nói lên kỳ vọng và mong đợi của người dân mà tôi đại diện. Tôi có điều kiện tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội có cùng mối quan tâm tới giáo dục, trẻ em, y tế và sức khỏe. Tôi tin tất cả đại biểu Quốc hội đều quan tâm tới an toàn của tương lai Việt Nam", bà nói.
Còn bà Phạm Thị Minh Hiền - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV - chia sẻ: "Tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi, tin nhắn của người dân. Họ bày tỏ sự tin tưởng vào đại biểu nữ, đại biểu trẻ. Có những mạnh thường quân, nhà hảo tâm khi biết tôi làm công việc trợ giúp cho người yếu thế, họ đã tin tưởng và ủng hộ nguồn lực khi tôi làm các dự án kết nối... Đó là thực sự là một nguồn động lực tiếp thêm cho tôi rất nhiều sức mạnh để vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được nhiều sự trợ giúp từ các vị lãnh đạo cấp cao ở Trung ương và nhiều đại biểu kỳ cựu. Chính sự tin tưởng của cử tri, sự giúp đỡ, hỗ trợ đó khiến tôi có thêm tự tin và động lực. Tôi hiểu rằng: Phải kiên định đi hết con đường mình đã chọn".
Bà Minh Hiền cho biết, nữ đại biểu phải cần trang bị cho mình hiểu biết, nắm vững cơ sở pháp lý, kỹ năng tương tác báo chí, truyền thông, đặc biệt là chuẩn bị bản lĩnh, tâm lý thật vững vàng để đón nhận phản hồi từ dư luận.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn