Nữ điệp viên huyền thoại
Virginia Hall sinh năm 1906 ở Baltimore (Mỹ), là người có năng khiếu thiên bẩm về ngoại ngữ, thành thạo tiếng Pháp, Italy và Đức. Bà có ước mơ trở thành nữ đại sứ đầu tiên của Mỹ nhưng mọi thứ đổ vỡ khi làm thư ký tại cơ quan lãnh sự Mỹ ở Smyrna (Thổ Nhĩ Kỳ) thì bị tai nạn: Bà bị mất đi một bên chân năm 27 tuổi và đi bằng chân gỗ giả.
Tháng 8/1940, Virginia sang Anh và trở thành thư ký cho tùy viên quân sự Mỹ tại Anh. Chứng kiến những tội ác ghê sợ mà phát xít Đức gây ra cho nhân dân Pháp cùng sự tan hoang của London dưới làn mưa bom phát xít, Virginia đã nung nấu quyết tâm tiêu diệt chế độ phát xít và quyết định sẽ tham gia cuộc chiến đến cùng.
Với khả năng đặc biệt của mình, bà sớm rơi vào tầm ngắm của SOE (Cục hành động đặc biệt, tiền thân của MI6, do chính Thủ tướng Anh Winston Churchill thành lập với nhiệm vụ tuyển mộ, đào tạo điệp viên và đưa họ thâm nhập vào các quốc gia bị phát xít chiếm đóng). Sau khi trải qua khóa huấn luyện, tháng 4/1941, Virginia chính thức trở thành điệp viên SOE.
Trở thành nữ điệp viên đầu tiên của SOE tại Pháp, bà đóng giả một phóng viên của tờ New York Post với mật danh Marie Monin. Bà đã thiết lập các mạng lưới kháng chiến ở Vichy với nhiệm vụ của SOE là phá hoại du kích và sử dụng chiến thuật để lật đổ lực lượng Đức Quốc xã. Tuy nhiên, trong những năm 1940, nhiệm vụ gián điệp vẫn sử dụng công cụ thủ công, thiếu công nghệ và sự tinh tế nhưng lại thúc đẩy sự sáng tạo.
Bà dành 14 tháng làm nhiệm vụ thu thập tài liệu cho báo chí, cứu hộ nhiều phi công Đồng minh bị bắn hạ, giúp họ rời khỏi nước Pháp, giải cứu tù binh, truyền những thông tin mang ý nghĩa sống còn qua sóng radio cho quân Đồng minh, hỗ trợ việc thả dù cung cấp vũ khí, hàng tiếp tế và tài chính cho phong trào kháng chiến.
Thời đó, nguyên vật liệu làm báo như giấy và mực in bị cấm khiến cho các tờ báo kháng chiến rất khó truyền bá tư tưởng. Nhờ sự giúp đỡ của Virginia và những người giống bà, tới năm 1942, báo chí kháng chiến đã tới tay hơn 2 triệu người đọc ở Pháp. Virginia tiếp tục gửi tài liệu cho tờ New York Post để duy trì vỏ bọc.
Trong quá trình hoạt động, Virginia còn có nhiều tên giả khác như Germaine, Diane, Marie của Lyon, Camille hay Nicolas. Trong thời gian này, người Đức lần đầu tiên biết về Virgnia Hall. Các điệp viên hai mang Pháp đã thông báo với họ về một “quý bà khập khiễng” - người xác định khu vực máy bay thả tiền và vũ khí, thiết lập và củng cố mạng lưới kháng chiến khắp nước Pháp. Danh sách các sứ mệnh thành công của Virginia giúp tăng cường cho phong trào kháng chiến Pháp đã bắt đầu làm quân Đức lo lắng.
Tháng 11/1942, liên quân Anh-Mỹ đánh chiếm Bắc Âu thì chính quyền tay sai Vichy Pháp hoàn toàn sụp đổ, quân Đức nắm quyền kiểm soát toàn bộ nước Pháp. Trùm mật vụ Gestapo khét tiếng tàn ác Klaus Barbie lên nắm quyền chỉ huy lực lượng Gestapo tại Pháp. Ngay lập tức, “Đồ tể thành Lyon” ra lệnh cho Gestapo mở cuộc truy lùng Virginia - “Quý bà một chân” trên toàn nước Pháp. Chúng đã dán poster truy nã Virginia và ra mệnh lệnh rõ ràng: “Virginia Hall là người nguy hiểm nhất trong tất cả điệp viên Đồng minh. Chúng ta phải tìm và giết bà ta”.
Gan dạ, mưu trí
Mang 2 bí danh “Chó sói” và “The Limping Lady” (Quý bà một chân), Virginia hoạt động không mệt mỏi và được đánh giá là một trong những điệp viên hiệu quả nhất. Là một người thông minh, bản lĩnh và đầy kinh nghiệm, nữ tình báo Virginia đã nhiều lần trốn thoát khỏi lưới bủa vây của quân phát xít. Đức chiếm Pháp năm 1942. SOE cho biết nếu Virginia còn ở Anh thì quá nguy hiểm cho bà, đặc biệt là khi Mỹ đã tham chiến và vỏ bọc hiện nay của bà có thể khiến bà bị tra tấn, giết hại. Bà trốn thoát tới Tây Ban Nha bằng cách đi bộ qua dãy núi Pyrenees tháng 11 năm đó trong lạnh giá, tuyết phủ trắng.
Khi tới Tây Ban Nha sau một hành trình gian khổ, bà bị bắt vào tù vì không có giấy tờ hợp pháp. 6 tuần sau, cuối cùng bà cũng tìm được cách gửi ra ngoài một bức thư tới Đại sứ quán Anh ở Barcelona, thông báo về tình hình khó khăn của mình. Bà tiếp tục làm việc cho SOE ở Tây Ban Nha sau khi được thả. Tuy nhiên, 4 tháng sau đó, bà đã yêu cầu được điều chuyển tới nơi khác vì ở Tây Ban Nha quá “nhàn hạ” đối với bà.
Virginia đã được đưa trở lại Pháp bằng một con tàu phóng ngư lôi của Anh. Lần này, bà làm việc cho Văn phòng Cơ quan Chiến lược Mỹ. Nhiệm vụ rất nguy hiểm và người Đức vẫn săn lùng bà. Để đề phòng, Virginia đóng giả làm một bà cụ giao sữa người Pháp.
Bà nhuộm tóc, mặc váy che kín thân người nhỏ bé, đi chậm chạp, xiêu vẹo để che cái chân giả. Bà làm pho mát dê và vào thành phố để bán. Vừa bán bà vừa nghe ngóng binh lính Đức nói chuyện về công việc. Bà buộc phải di chuyển liên tục khi quân Đức nỗ lực tìm cách tìm ra Virginia qua sóng radio. Trong quá trình đó, bà đã chứng tỏ mình là một điệp viên giỏi luồn lách và lẩn trốn.
Khi không nghe ngóng binh sĩ Đức, bà huấn luyện 3 tiểu đoàn binh sĩ kháng chiến Pháp cách phát động chiến tranh du kích chống quân Đức. Trước khi lực lượng Đồng minh tiếp quản nhóm của Virginia, bà cho biết họ đã phá hủy các đường xe lửa, đường điện thoại, cầu, tàu chở hàng cùng các cơ sở hạ tầng cần thiết với quân Đức. Nhóm của bà đã tiêu diệt trên 150 binh sĩ Đức và bắt sống hơn 500 người.
Ngày quân Đồng minh đổ bộ lên Normandy, bắt đầu chiến dịch giải phóng nước Pháp, Virginia và quân kháng chiến Pháp do bà chỉ huy đã sẵn sàng hưởng ứng chiến dịch. Khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, tháng 8/1944, bà dẫn đoàn quân kháng chiến Pháp đến tiếp nhận sự đầu hàng của Bộ chỉ huy phương Nam của quân Đức tại Le Chambon. Ngoài ra, bà cũng từng tới Áo để phá hủy đường dây liên lạc, giao thông của địch. Cùng với các đồng nghiệp, bà đã bắt sống và tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, nữ điệp viên với chiếc chân giả này đã trở về làm việc cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) năm 1951, làm một nhà phân tích tình báo cho đến lúc nghỉ hưu năm 1966. Vì những chiến công xuất sắc, bà được Chính phủ Mỹ tặng thưởng huân chương cho nhà tình báo lỗi lạc. Để ghi nhớ công lao của bà, CIA đã lấy tên bà đặt cho một trung tâm huấn luyện, gọi là Trung tâm Huấn luyện chiến đấu Virginia Hall. Bà Virginia Hall cũng đã nhận được Huân chương cao quý của Chính phủ Pháp và Anh, được coi là nữ anh hùng của phe Đồng minh.