Nữ điều dưỡng chăm bệnh nhân Covid-19: Lễ kỷ niệm ngày cưới "có 1-0-2" trong khu cách ly

08:26 | 22/05/2020;
Trong gần 2 tháng trực chiến ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) để chăm sóc bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, chị Vũ Thị Thùy Nhinh (30 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm), điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực, vẫn không thể nào quên về kỷ niệm 5 năm ngày cưới của mình trong khu cách ly.

Thổi nến qua video call

Hôm đó là ngày 8/4, sau khi hoàn thành ca trực từ 8h-20h, chị Nhinh về phòng nghỉ ngơi thì như thường lệ chồng chị gọi video call đến từ bên kia sông Hồng (quận Bắc Từ Liêm). Nhưng cuộc gọi này, đặc biệt hơn những lần trước đó, hôm ấy là kỷ niệm 5 năm ngày anh chị về với nhau một nhà.

Chuyện kỷ niệm ngày cưới của điều dưỡng chăm bệnh nhân Covid-19: Nến lung linh giữa hai bờ sông Hồng - Ảnh 1.

Chị Vũ Thị Thùy Nhinh, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Hà Nội. Ảnh Nguyễn Khánh

"Ở đầu điện thoại bên kia có chồng tôi và 2 con. Trước mặt 3 bố con là chiếc bánh gato bên trên có cắm nến. Tôi ở bờ bên này sông Hồng (huyện Đông Anh) chỉ có một mình, rồi anh hướng dẫn tôi thổi nến qua điện thoại và sau đó hai con liền thay tôi làm phần việc còn lại. Những chiếc nến lần lượt tắt và cả nhà cùng nhìn nhau cười", chị Nhinh hồi tưởng lại.

Cuộc đoàn tụ trên mạng ấy chỉ chừng 20 phút, vì các con (cháu đầu 4 tuổi, cháu thứ 2 được 20 tháng tuổi) cần phải ngủ sớm. Chị Nhinh cũng vậy, chị cũng cần nghỉ ngơi để có đủ sức khỏe chăm sóc các bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân 28 (người Anh) và đặc biệt là bệnh nhân 19 (bác gái của bệnh nhân 17) lúc đó đang rất nặng.

Cho nên, khi kết thúc cuộc gọi, vợ chồng chỉ biết hẹn nhau - sau này khi hết dịch cả gia đình sẽ bù lại bằng một chuyến du lịch - chị Nhinh đã mong muốn từ lâu được đến Đà Nẵng ghé thăm cầu Vàng. Được biết, chồng chị Nhinh cũng là nhân viên y tế và hiện tại anh đang công tác tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ.

Chăm sóc từ tâm, nhận từ tấm lòng

Trước đó, ngày 15/3, đang làm việc trong ca trực của mình thì chị Nhinh nhận được thông báo của lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực thông báo: "Khoa tiếp nhận bệnh nhân Covid-19". Nghe vậy, chị Nhinh và những đồng nghiệp đang công tác tại Khoa không ai bảo ai và đều nghĩ rằng mình phải ở lại cách ly để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Những người chưa kịp mang quần áo thì người nhà sẽ hỗ trợ mang đến, còn những người hiện đang ở nhà đã sẵn sàng xách balo lên bệnh viện để thực hiện sứ mệnh của mình. "Mà lúc ấy, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc chăm sóc bệnh nhân, điều trị làm sao được tốt nhất để họ sớm ra viện, vì những ai được đưa vào khoa Hồi sức tích cực thường là nặng nhất và đều có nguy cơ tử vong cao", chị Nhinh chia sẻ.

Chuyện kỷ niệm ngày cưới của điều dưỡng chăm bệnh nhân Covid-19: Nến lung linh giữa hai bờ sông Hồng - Ảnh 2.

Chị Nhinh chăm sóc bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại khoa Hồi sức tích cực. Ảnh Nguyễn Khánh

Tại đây, chị Nhinh là một trong những điều dưỡng ở vòng trong cùng – trực tiếp chăm sóc và tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính với Covid-19. Công việc của chị là thực hiện theo các y lệnh của bác sĩ (tiêm, truyền, cho bệnh nhân uống thuốc, phụ giúp các bác sĩ làm thủ thuật...); theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân, thậm chí cả việc giặt quần áo cho người bệnh...

Với khoảng thời gian gần 2 tháng ở lại bệnh viện trực chiến, chị Nhinh đã trực tiếp chăm sóc cho 8 bệnh nhân. Tính đến ngày 13/5, có 6 bệnh nhân được chị Nhinh chăm sóc đã ra viện. Trong số này có bệnh nhân 28 là ông Dixong John Garth (74 tuổi, quốc tịch Anh). Ông Dixong cùng với vợ đến Việt Nam du lịch ngày 2/3 và bay trên cùng chuyến bay với bệnh nhân 17.

Từ lúc sinh con cho tới nay, tôi chưa từng nghĩ có ngày nào phải xa con gần 60 ngày. Nhưng thật may mắn cho tôi, trong quá trình tôi thực hiện nhiệm vụ tại đây thì ở hậu phương các con nhỏ đã được bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ quan tâm săn sóc. Đặc biệt là chồng tôi, sau khi đi làm về anh thay vợ cho con ăn cơm, hướng dẫn con học tập và đưa các con đi chơi”.

Chị Vũ Thị Thùy Nhinh, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội)

Ông Dixong và vợ có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 13/3, riêng ông Dixong đến ngày 27/3 được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng suy hô hấp nặng, phải đặt nội khí quản và thở máy. Đến ngày 5/4, sau những nỗ lực của chị Nhinh và các y, bác sĩ, bệnh nhân có chuyển biến tốt, bỏ được máy thở, chuyển thở oxy qua mặt nạ.

Tất cả nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân đều phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, vì vậy mà bệnh nhân sẽ không biết được người đã chăm sóc họ là ai và ông Dixong cũng vậy. Tuy nhiên, sau khi điều trị khỏi và được trở về nước (ngày 13/4), vì có chụp được một bức ảnh về chị Nhinh khi đang từ ngoài hành lang vào chăm sóc mình, nên ông Doxing có gửi bức ảnh đó tới bệnh viện và hỏi người chăm sóc mình: "Cho tôi biết tên cô ấy. Cô ấy đã truyền động lực cho tôi".

Khi được một bác sĩ gửi lại câu nói trên, chị Nhinh cho biết mình cảm thấy hạnh phúc vì đã chăm sóc họ không chỉ với trách nhiệm mà bằng cả tấm lòng và khi khỏi bệnh, được ra viện thì họ trao lòng biết ơn tới mình. Tuy vậy, chị Nhinh cũng cảm thấy có phần nuối tiếc. "Tôi hơi tiếc vì đã chăm sóc ông Dixong cả quá trình – từ ngày đầu ông nhập Khoa cho tới khi ông ra viện. Ngày hôm ông Dixong ra viện cũng trùng vào đúng ca trực của tôi và tôi cũng là người hướng dẫn ông bà làm các thủ tục ra viện. Vậy mà, tôi không có một bức hình nào để kỷ niệm với ông bà ấy cả", chị Nhinh tâm sự.

Từ câu chuyện này, chị Nhinh cho biết, tâm lý của bệnh nhân là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình điều trị. Bởi, những bệnh nhân Covid-19 đều không có người nhà ở bên, mà hiện diện bên họ chỉ là những y, bác sĩ. Do đó, khi mà tâm lý của họ xáo trộn. Lúc đó các nhân viên y tế không chỉ làm công việc chuyên môn mà còn thay người nhà động viên họ về tâm lý để họ yên tâm, và truyền cho họ niềm tin căn bệnh của họ sắp được chữa khỏi rồi.

Đây cũng là trường hợp của bệnh nhân 19 - bà Lê Tuyết H. (63 tuổi) với 3 lần ngừng tuần hoàn, tưởng như không thể qua khỏi. Khi sức khỏe đỡ hơn một chút, bà H. vẫn bị trào ngược dạ dày và không muốn ăn. "Khi đó tôi phải động viên bà bình tĩnh để ăn cơm. Và có những lúc bà hôn mê sâu, tôi cũng là người thay bỉm, vệ sinh cho bà", chị Nhinh chia sẻ. Cảm nhận được điều đó, những ngày gần đây khi có thể nói chuyện được, bà H. vẫn thường hỏi đồng nghiệp của chị Nhinh mỗi khi chưa thấy chị đến.

Được biết, chị Nhinh đã công tác tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đến nay được 6 năm. Ngày 15/5 vừa qua, chị Nhinh được trở về nhà sau khi đã hoàn thành thêm việc cách ly 14 ngày.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn