Nữ doanh nhân làm gì để vượt qua dịch cúm Covid-19?

21:09 | 17/03/2020;
Dịch cúm Covid-19 không những tàn phá sức khỏe của con người mà tác động rất lớn đến nền kinh tế các quốc gia. Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam phải tìm cách để cầm cự, vượt qua đợt dịch bệnh này.

Thay đổi thói quen từ mùa dịch

Tân Hiệp Phát – Tập đoàn nước giải khát có hơn 4.000 nhân viên cũng phải chịu vạ lây từ mùa dịch Covid-19. Chị Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - luôn đặt niềm tin đất nước vượt qua được cơn đại dịch Covid-19. Để ngăn ngừa và hạn chế lây bệnh từ cộng đồng, chị đã xây dựng thói quen mới cho các nhân viên trong tập toàn. Điều đầu tiên là "không bắt tay" với người đối diện. Để từ bỏ thói quen này cần phải tập dần. Chị Phương chia sẻ: "Nói thì dễ chứ gặp mà không bắt tay nó cứ thiếu thiếu thế nào ấy".

Nữ doanh nhân làm gì để vượt qua dịch cúm Covid-19? - Ảnh 1.

Chị Trần Uyên Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Chị Phương khuyên nhân viên hạn chế tối đa đi ra ngoài và sử dụng các dịch vụ công cộng. Thông tin về dịch bệnh luôn được chị cập nhật, nhắc nhở cho gia đình, người thân và nhân viên nắm bắt kịp thời để tránh chủ quan. Chị Phương khơi dậy cho nhân viên ý thức theo dõi bản thân để nhắc nhở việc đi lại, giao tiếp của nhân viên. Đặc biệt, đối với những tài xế là người phải di chuyển nhiều và tiếp xúc với nhiều người. Chị Trần Uyên Phương lưu ý mọi người về việc tăng cường bổ sung vitamin C, nhất là đối với người lớn tuổi.

Không ai đoán trước được việc gì có thể xảy đến với bản thân. Hoạt động của doanh nghiệp cũng vậy. Ngay ở tầm quốc gia, Mỹ đã cấm du khách từ châu Âu nhập cảnh, Singapore ra quyết định cách ly 14 ngày đối với du khách nhập cảnh từ các nước châu Á, Ấn Độ ngừng cấp visa cho người nước ngoài, ...

Tân Hiệp Phát đang tái cơ cấu để doanh nghiêp duy trì hoạt động trong cơn đại dịch Covid-19. Chị Trần Uyên Phương đưa ra quan điểm, cần phải bình tĩnh xử lý mọi tình huống vì một quyết định hay phản ứng tiêu cực sẽ làm cho mọi thứ rối hơn. Tất cả các biến động trong những ngày qua sẽ bắt đầu ảnh hưởng chung trên toàn thế giới. Tân Hiệp Phát đang tìm giải pháp tối ưu để hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp.

Ổn định sức khỏe công nhân để hoạt động Hợp tác xã không gián đoạn

Chị Trần Thị Lê A - Phó Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng Thanh Bình (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) mong mọi người tỉnh táo, tinh thần đừng hoang mang và có ý thức bảo vệ bản thân cũng như người xung quanh thật tốt. Chị Lê A tin tưởng đó là cách chống dịch tốt nhất. Mùa dịch, hoạt động kinh doanh của Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn, chị Lê A luôn giữ vững lòng tin tuyệt đối vào nền y học của nước nhà.

Chị làm công tác tuyên truyền, trấn an nhân viên không xao động từ các thông tin không đúng trên mạng xã hội. Gần 100 nhân viên đều an tâm trong công việc nên bước đầu có được những thuận lợi và đạt kết quả tốt, tính đến thời điểm này.

Nữ doanh nhân làm gì để vượt qua dịch cúm Covid-19? - Ảnh 2.

Chị Trần Thị Lê A – Phó Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng Thanh Bình.

Những lúc rảnh rỗi, chị Lê A thường tranh luận với các nhân viên về những triệu chứng, cách lây truyền và phòng bệnh, như: Đeo khẩu trang che kín mũi miệng, rửa tay, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng hoặc nghi ngờ… Chị khuyến khích nhân viên tự giác khai báo khi có các dấu hiệu, hạn chế tiếp xúc nhiều người.

Do tính chất công viêc mua bán nhà đất, phần lớn là tiếp xúc qua điện thoại và khi rất cần thiết mới gặp khách hàng trực tiếp. Những nhân viên trực tiếp gặp khách hàng, chị Lê A bắt buộc nhân viên phải trang bị vật dụng chống dịch kỹ lưỡng và ngồi cách xa khách hàng trên 1 mét. Đối với công nhân ngoài công trường, chị luôn theo dõi sát tình hình dịch để có cách quản lý công nhân tốt hơn.

Dịch bệnh kéo dài hơn 2 tháng, ít nhiều có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Hợp tác xã. Chị Lê A cùng ban lãnh đạo cố gắng chăm lo sức khỏe cho nhân viên và không để một cá nhân nào có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh. Nhờ vậy, sức khỏe của công nhân ổn định đã tạo tiền đề để hoạt động Hợp tác xã không bị gián đoạn. Các công nhân lại cảm thấy yên tâm như được bảo bọc, chở che trong mùa dịch Covid-19.

Khó tiếp cận gói vay ưu đãi

Du lịch là một trong những ngành được đánh giá chịu tác động trực tiếp bởi dịch cúm Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước bờ vực phá sản hoặc phải chịu cảnh hoạt động cầm chừng để chờ hết dịch. Chị Nguyễn Thị Nụ - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sò Xanh – Bluehsellresort (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã lên kế hoạch để cầm cự trong cơn đại dịch Covid-19 toàn cầu. 

Bluehsellresort có quy mô gần 100 phòng nghỉ dưỡng, hệ thống resort chuẩn 5 sao đang phải đóng cửa do dịch bệnh Covid-19. Chị Nụ buộc lòng phải cắt giảm các chi phí có thể phát sinh trong vòng 6 tháng. Nhân viên của công ty được sắp xếp lại thời gian làm việc, chỉ phân nửa so với trước đây.

Nữ doanh nhân làm gì để vượt qua dịch cúm Covid-19? - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Nụ - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sò Xanh – Bluehsellresort.

Chị Nụ lý giải, do số lượng công việc giảm đi một nữa, số lượng nhân viên vẫn như cũ mà trả mức lương như lúc vào mùa du lịch là không hợp lý. Đang trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, nhiều công ty đóng cửa, phá sản và tìm kiếm việc mới rất khó khăn. Chị Nụ không dám nghĩ đến chuyện sa thải hàng chục nhân viên vì đằng sau công việc, thân phận của mỗi lao động luôn gánh trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Chị Nụ quyết định vẫn giữ lại nhân viên, chia đều công việc và chi trả một nửa lương. Các nhân viên đồng thuận với quyết định của lãnh đạo công ty và đặt quyết tâm đoàn kết cùng vượt qua khó khăn. Một số nhân viên đủ điều kiện kiinh tế gia đình để sống trong mùa dịch Covid-19 đã nhường công việc lại cho những nhân viên có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Trong cái khó của doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Nụ cũng tìm đến các gói vay ưu đãi của Chính phủ để cầm cự cho hoạt động của công ty. Thế nhưng, các ngân hàng không có chính sách giảm lãi cho gói đã vay để đầu tư xây dựng và không hỗ trợ thay đổi cơ cấu trả nợ gốc. Nếu hồ sơ của doanh nghiệp may mắn được duyệt sẽ là  những gói vay ngắn để trả cho gói vay dài.

Chị Nụ thở dài: "Đến thời điểm đáo hạn, doanh nghiệp lại rơi vào vòng luẩn quẩn vì không thể xoay được vốn trả cho gói vay ngắn hạn. Ngành du lịch đang đứng trước khó khăn là vậy".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn