Nữ doanh nhân vượt qua rào cản khởi nghiệp thành công

10:06 | 17/11/2019;
Theo tạp chí Forbes (Mỹ), 90% doanh nhân khởi nghiệp gặp thất bại. Sự thật đau lòng đó nói lên rằng khởi nghiệp không bao giờ là dễ dàng. Với phụ nữ, họ gặp nhiều rào cản hơn nam giới khi dấn thân vào thương trường.
Ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ thường bị xem thường
 
Lakshmi Balachandra - Phó Giáo sư chuyên ngành Khởi nghiệp kinh doanh tại Đại học Babson (Mỹ) đã dành phần lớn cuộc đời của mình để nghiên cứu những điều giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công. Bà nhận ra rằng, trong thương trường vẫn còn rất nhiều sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
 
 
Doanh nhân nữ khởi nghiệp ở Mỹ vẫn còn chiếm số lượng hạn chế (17%) vì những định kiến vô hình và rào cản về giới

  

Balachandra đã phỏng vấn 30 nữ doanh nhân khởi nghiệp thành công, kiếm được ít nhất 5 triệu USD/năm (nhiều người trong số họ kiếm trung bình là 43 triệu USD/năm). Doanh thu 5 triệu USD/năm được xem là tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô. Hầu hết đều cho rằng, họ bị nghi ngờ về khả năng lãnh đạo, ngay cả khi họ có quyết tâm và hoài bão rất lớn. Trong khi những người đàn ông trẻ tuổi thường được coi là có bản lĩnh, tuổi trẻ tài cao khi khởi nghiệp thì các cô gái trẻ lại bị coi thường vì quá non trẻ. Các bà mẹ bị đánh giá là sẽ không làm nên trò trống gì vì bận rộn chăm sóc gia đình. Raegan Moya-Jones - Đồng sáng lập và cựu giám đốc điều hành của thương hiệu trẻ em Aden Anais bày tỏ sự thất vọng: “Tôi kinh doanh sản phẩm dành cho trẻ em. Là một bà mẹ bốn con, tôi nghĩ mình có đủ kinh nghiệm để mang lại sự tin cậy cho khách hàng. Song ngay cả khi công ty tôi đạt doanh thu hàng năm hơn 100 triệu USD thì giới doanh nhân vẫn không nhìn tôi với cái nhìn nghiêm túc”.
 
 
Để thành công trong thương trường, phụ nữ phải vượt qua rất nhiều rào cản về giới, huy động vốn đầu tư và tìm kiếm nguồn hỗ trợ.

  

Stephanie Kaplan Lewis là đồng sáng lập và giám đốc điều hành công ty truyền thông hướng nghiệp cho nữ sinh viên (Her Campus Media). Công ty bà có thuê hơn 10 người làm việc và trang web của công ty đã phục vụ 400 trường đại học trên toàn cầu, trong đó có hơn 30 triệu khách truy cập hàng tháng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người không coi đó là công việc kinh doanh thật sự. Bà nói: “Nhiều người nhìn vào những gì chúng tôi làm coi đó là một trò tiêu khiển và đã không xem đó là một doanh nghiệp bền vững thực sự. Họ hay nói: "Các bạn vẫn đang làm việc trên blog đó phải không?” Trong khi đó, nó đâu chỉ là blog, mà còn là một doanh nghiệp thực sự, với một mô hình kinh doanh thực sự, với các nhân viên và nhiều nguồn doanh thu”.
 
Khó khăn trong tìm kiếm sự hỗ trợ
 
Tìm kiếm vốn đầu tư không chỉ là thách thức cho phụ nữ còn non trẻ mới khởi nghiệp, mà cả các doanh nhân đã kiếm được hàng triệu USD mỗi năm. Do đó, nhiều phụ nữ, bao gồm cả Kaplan Lewis, chọn cách khởi nghiệp bằng cách sử dụng tiền tiết kiệm và lợi nhuận thu được thay vì tìm kiếm tài trợ. Điều đó cũng có cái lợi là sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp. “Dù chúng tôi không có sự tăng trưởng nhanh như khi được tiếp cận một khoản tài trợ khổng lồ. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy thực sự tự tin rằng chúng tôi đã đưa ra quyết định đúng đắn cho kế hoạch dài hạn. Chúng tôi đã đưa ra một con đường bảo thủ hơn nhưng chúng tôi không bao giờ phải sa thải, hoặc cắt giảm biên chế bất cứ ai, hoặc nợ lương nhân viên quá lâu”. Keith Kaplan Lewis nói: “Nhiều người khác có thể đánh giá doanh nghiệp của bạn dựa trên số tiền bạn đã huy động được, nhưng rất nhiều công ty mới thành lập đã gặp sự cố và ý tưởng của họ bị phá sản”.
 
 
Bà Lakshmi Balachandra đã dành phần lớn thời gian cuộc đời mình để nghiên cứu những rào cản mà phụ nữ gặp phải khi khởi nghiệp

 

Balachandra cũng từng thực hiện một phân tích toàn diện về lượng vốn đầu tư ít ỏi cho phụ nữ trong năm 2014. Trong đó cho thấy rằng chỉ có 183 trong số 6.517 công ty nhận được vốn tài trợ. Các nhà đầu tư thường không tin tưởng phụ nữ, họ cho rằng phụ nữ theo đuổi công việc kinh doanh như một sở thích hoặc một việc làm thêm để kiếm tiền cho vui.
 
Thế mạnh của phụ nữ là xây dựng sự kết nối tình cảm trong nhân viên để họ gắn bó với công ty như là gia đình. Đó là điểm mấu chốt trong văn hóa kết nối của nữ doanh nhân. Trên thực tế, họ rất muốn kết nối với cộng đồng doanh nhân, tuy nhiên họ thường không được những đồng sự nam chào đón chân tình. Do vậy, trong những môi trường như thế họ có xu hướng quay về làm bạn với những người đồng giới.
 
 
Các nhà đầu tư thường tỏ ra nghi ngờ các ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ

  

Mashell Carissimi - CEO công ty thiết kế, lắp đặt và bảo trì hệ thống điện JMC ở Michigan đã vượt qua những trở ngại đó bằng cách học chơi golf để duy trì mối quan hệ với các đồng nghiệp, trong đó có cả đồng nghiệp nam. Bà đã học được rằng: không chỉ thân thiết với đồng nghiệp nữ mà phải tạo sự chú ý với các đồng sự nam. Bà nói: “Mối quan hệ rộng có thể mang đến nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp trẻ. Xây dựng mối quan hệ thông qua con đường không chính thức không mấy phụ nữ để ý tới nhưng nó có thể giúp họ thành công”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn