Nữ doanh nhân "xuất khẩu văn hóa" bằng tranh gạo Việt

14:41 | 21/03/2018;
Là nữ doanh nhân tiên phong trong lĩnh vực tranh gạo, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc điều hành Tranh Gạo Quỳnh Vy tâm đắc nhất là đã góp phần giới thiệu văn hóa Việt đến bạn bè khắp nơi trên thế giới thông qua những tác phẩm làm từ “hạt ngọc trời ban”.
Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn
 
Bất kỳ ai khi tiếp xúc với nữ giám đốc này đều bị lôi cuốn bởi cách nói chuyện duyên dáng, nụ cười tỏa nắng cũng như cảm nhận được nguồn năng lượng nồng nhiệt tỏa ra từ chị.

Từ ý tưởng ban đầu “xây dựng một thương hiệu tranh Việt Nam có chất lượng tối ưu và giá thành hợp lý, nhằm đưa nghệ thuật đến tất cả mọi người”, đồng thời giúp các nghệ nhân quảng bá được sản phẩm của họ; Sau đó là giấc mơ và khát vọng “mang văn hóa Việt Nam ra thế giới”, chị Nguyễn Ngọc Quỳnh cùng gia đình đã quyết tâm xây dựng thương hiệu Tranh Nghệ Thuật Quỳnh Vy dù biết sẽ trải qua muôn vàn gian truân, thử thách.
1.jpg
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Quỳnh (đứng giữa) cùng các thành viên trong gia đình – Những người đồng sáng lập Tranh gạo Quỳnh Vy 
Buổi ban đầu, tháng 9/2009, doanh nghiệp tranh Quỳnh Vy khởi điểm với sản phẩm khá quen thuộc là tranh cát. Chỉ sau một thời gian ngắn, Quỳnh Vy đã mở rộng mô hình kinh doanh và trở thành doanh nghiệp đầu tiên giới thiệu nghệ thuật tranh gạo ra thị trường. Chị Ngọc Quỳnh chia sẻ: “Gần 10 năm trước, vì đi tiên phong trong một ngành hoàn toàn mới, không hề có bất kỳ số liệu nào để tham khảo và cũng không biết phải bắt đầu từ đâu, nên cả gia đình Quỳnh Vy phải kiên nhẫn, từng bước thuyết phục khách hàng tin tưởng vào sản phẩm rất mới của mình, bởi có mấy ai nghĩ gạo lại có thể tạo thành tranh, và cũng không ai tin là quá trình tạo ra một tác phẩm lại kỳ công, tốn nhiều thời gian và tâm sức đến vậy”.

Để có được những tác phẩm tranh gạo “hút hồn” khách hàng, điều quan trọng đầu tiên của người nghệ nhân là phải chọn được những loại gạo có màu hoàn toàn tự nhiên và không sử dụng bất cứ một loại hóa chất nhuộm màu nào. Một số loại gạo như nếp than, huyết rồng có thể sử dụng được ngay. Còn gạo tám, gạo tẻ… thì phải sấy và gia nhiệt để tạo nên các tông màu từ trắng, vàng đến nâu nhạt, nâu sậm, đen…

Việc xử lý để bảo quản gạo cũng đòi hỏi sự công phu và cẩn trọng. Nhưng cái khó nhất vẫn là sự kiên nhẫn và tỉ mỉ xếp gạo lên tranh, phối màu sáng tối để tạo nên “cái thần” cho tác phẩm. Có nhiều bức tranh, các nghệ nhân phải tập làm đi làm lại nhiều lần thì tác phẩm cuối cùng mới đạt được độ hoàn hảo nhất định và sự ưng ý về thẩm mỹ.

“Đó là chưa kể những khi gặp các khách hàng hoài nghi về chất lượng tranh vào thời gian đầu mới tung sản phẩm ra thị trường, hoặc những lúc chúng tôi chưa tìm ra phương cách tối ưu để xử lý nhiệt, khiến hạt gạo bị nổ và không đều màu. Hoặc khi các thành viên trong gia đình bất đồng ý kiến trong việc điều hành doanh nghiệp cũng có thể khiến cho tất cả dễ nản lòng. Tuy nhiên, tôi và gia đình chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Càng khó khăn chúng tôi càng cố gắng. Càng vất vả chúng tôi càng quyết tâm làm cho bằng được”, chị Quỳnh nhớ lại những ngày tháng gian nan trước đây.

Khi vượt qua hết những khó khăn thì cũng là lúc Quỳnh Vy nhận được những thành quả ngọt ngào trong công việc. Với chị Ngọc Quỳnh, niềm vui có thể là số tiền bán đấu giá tranh rất lớn để đóng góp vào một quỹ từ thiện, hay những lời khen ngợi, động viên của khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới, rồi những lần được tiếp đón các khách hàng cũ quay trở lại mua tranh, hoặc có nhiều vị khách luôn lựa chọn tranh gạo Quỳnh Vy mỗi khi có nhu cầu quà tặng, cũng như sẵn lòng giới thiệu cho người thân, đồng nghiệp hoặc bạn bè của họ.
2.JPG Gia đình nhỏ trong một chuyến du xuân

Tâm huyết trong từng tác phẩm

Vào từng thời điểm khác nhau trong năm, Tranh Quỳnh Vy luôn có những đợt hàng chuyên biệt, ví dụ như những bức tranh mang chủ đề tình yêu dành cho ngày 14/2, hay những mẫu tranh sinh động và vui tươi cho ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8/3, những tác phẩm tri ân thầy cô vào ngày Nhà Giáo Việt Nam, hoặc các mẫu tranh dành cho Ngày của Cha, Ngày của Mẹ. Đặc biệt, những tác phẩm tranh dành cho ngày Tết luôn được chăm chút và sáng tạo liên tục… không năm nào giống năm nào và không mẫu nào giống mẫu nào.

Với sản phẩm tranh cát, sau một thời gian nghiên cứu và tìm hiểu, Quỳnh Vy đã mạnh dạn giới thiệu ra thị trường dịch vụ tranh cát dành cho ngày cưới. Tranh cát dành cho ngày cưới là bức tranh cát có hai mặt. Một mặt thực hiện chân dung tranh cát của cô dâu và chú rể, mặt còn lại sẽ được thực hiện bởi chính những khách mời tham dự lễ cưới. Những nghệ nhân của Tranh Cát Quỳnh Vy sẽ trực tiếp hướng dẫn và hỗ trợ quan khách để hoàn tất tác phẩm tranh cát ngay tại địa điểm tổ chức tiệc cưới.
3.jpg
Cùng chồng và 2 thiên thần nhỏ tạo nên bức tranh gạo
Sau những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình phát triển tranh gạo, tranh cát, hiện nay chị Quỳnh và các cộng sự của mình đang tiếp tục phát triển thêm dòng tranh đá quý thiên nhiên. Cũng với kỹ thuật sắp xếp thủ công, phát huy và tận dụng tối đa sự tỉ mỉ và sáng tạo của người nghệ nhân, nguyên liệu đá quý đã mang đến cho khách hàng thêm một dòng tranh nghệ thuật mới mẻ, đầy sáng tạo. Mặc dù hình thù của những mẩu đá khá đơn điệu nhưng khi được người nghệ nhân thổi hồn vào thì chúng đã kết hợp với nhau một cách xuất sắc để làm thành những bức tranh nghệ thuật với những chủ đề rất đa dạng, phù hợp cho mọi nhu cầu trang trí hoặc làm quà tặng đầy ý nghĩa.

“Xuất khẩu văn hóa” bằng tranh gạo Việt

Sau hơn 8 năm với bao khó khăn, thử thách của thị trường, cuối cùng cũng đến ngày Tranh Gạo Quỳnh Vy gặt quả ngọt. Chỉ tính riêng trong năm 2017, Quỳnh Vy đã được mời tham gia và giới thiệu sản phẩm đặc biệt này tại các ngày hội giao lưu văn hóa tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Lào. Qua những hình ảnh được tái hiện sinh động về phong cảnh quê hương đất nước, con người Việt Nam, mỗi bức tranh gạo là một sản phẩm văn hóa giúp cho bạn bè quốc tế càng hiểu hơn về Việt Nam. Càng đặc biệt hơn, khi chứng kiến các nghệ nhân tỉ mẩn xếp từng hạt gạo để làm nên những bức tranh ấy, khách tham quan càng trân trọng hơn giá trị lao động và khâm phục sự sáng tạo của người Việt.
4.JPG
Bức tranh gạo Quê hương Việt Nam được đấu giá gây quỹ từ thiện tại Mottainai 2017 do Báo PNVN tổ chức
Chưa dừng lại ở đó, năm 2018 sẽ là năm bản lề để Tranh Gạo Quỳnh Vy đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, trước mắt là Thái Lan, Singapore, Indonesia, Myanmar và Cambodia… Và đặc biệt Quỳnh Vy sẽ hướng đến khu vực Trung Đông như Dubai, Ả Rập…

Tự hào là doanh nghiệp tiên phong giới thiệu nghệ thuật tranh gạo đến với thị trường, Tranh Gạo Quỳnh Vy đã và đang nỗ lực mang đến những món quà đậm tình quê hương cho những người Việt Nam trong và ngoài nước. Đồng thời, tranh gạo cũng là vật phẩm lưu niệm đầy ý nghĩa dành cho khách du lịch quốc tế và những người yêu văn hóa Việt, là niềm tự hào và hãnh diện của người Việt Nam khi giới thiệu đến bạn bè thế giới.

Chị Quỳnh tâm sự: “Một ngày với 24 giờ dường như là không đủ cho gia đình chúng tôi. Vào những khi chuẩn bị xuất xưởng những đơn hàng lớn, cả nhà cùng những nghệ nhân thân yêu của mình thường làm việc đến quá nửa đêm, chỉ kịp chợp mắt thì đã bước sang ngày mới. Thế nhưng càng làm lại càng đam mê nhiều hơn, càng nghiên cứu thì chúng tôi càng hiểu rằng nghệ thuật là bất tận. Và chúng tôi luôn tự nhủ với lòng rằng phải nỗ lực nhiều hơn nữa, tìm tòi nhiều hơn nữa, sáng tạo nhiều hơn nữa, để đáp lại sự mong mỏi và kỳ vọng của nhiều người.”

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn