Trong cuộc sống hiện đại, thẻ ngân hàng đã trở thành 1 phương tiện chi tiêu quá đỗi quen thuộc và được sử dụng với tần suất thường xuyên trong một ngày. Từ việc nhận lương, chi tiêu hàng tháng đều được thực hiện qua chiếc thẻ nhỏ xinh nhưng đầy giá trị.
Đối với chị Giang Hồng Ngọc (hiện đang sống tại TP.HCM, đảm nhiệm vai trò Giám đốc khu vực kinh doanh tại CHUBB Life Việt Nam) thì việc chi tiêu bằng thẻ ngân hàng gần như là một thói quen hàng ngày.
Bởi chị Hồng Ngọc hiện đang sở hữu tới 6 chiếc thẻ ngân hàng, lần lượt của Vietcombank, Sacombank, TP Bank, ACB, Techcomban, VP Bank. Khác với quan điểm của nhiều người chỉ sử dụng 1 chiếc thẻ ngân hàng để quản lý sát sao nhất chi tiêu của mình, thì chị Ngọc lại cho rằng: Việc giới hạn tiền chi tiêu trong nhiều thẻ sẽ quan trọng hơn hẳn việc chỉ dùng 1 thẻ mà không biết cách chi tiêu.
Thậm chí, chị Ngọc còn đưa ra 1 bộ quy tắc chi tiêu bằng các thẻ ngân hàng cho từng mục đích trong cuộc sống mà chị cho rằng là hợp lý nhất cho việc quản lý tài chính cá nhân.
"Ngày trước để quản lý chi tiêu, mình dùng cái ly, cái hộp, hộc tủ và đánh dấu, dán ghi chú mục đích sử dụng của từng phần tiền thu nhập kiếm được hàng tháng bỏ vào để kiểm soát chi tiêu. Còn bây giờ thì Ngọc chọn các thẻ cho tiện lợi. Mình sử dụng nhiều thẻ nhiều ngân hàng vì mỗi ngân hàng sẽ có 1 ưu đãi khác nhau trong mục đích chi tiêu. Cụ thể:
- Thẻ của Vietcombank được chọn làm thẻ chính, thẻ này tiền không để chi tiêu mà để kinh doanh. Và giữ tất thảy tiền dư của tháng sau cuối kì gom về 1 mối.
- ACB mình dùng để trả nợ góp, chi tiêu linh tinh.
- Thẻ của Sacombank cho mua sắm tiêu dùng, đi chơi gia đình nói chung là với mục đích hưởng thụ.
- Thẻ của TP Bank để đóng tiền học từ mẹ tới con.
- Thẻ của Techcombank mình dùng để làm từ thiện, hiếu hỉ tiệc tùng cần dùng.
- Còn thẻ của VP Bank sẽ chi tiêu cho các chi phí cần thiết cho gia đình hàng tháng".
"Bước ra ngoài đường là phải chi tiêu. Việc sử dụng 1 thẻ để trả sẽ khiến việc quản lý bị rối loại. Nếu chọn cách dùng 1 thẻ thì mỗi ngày đều cần 1 khoảng thời gian note từng đầu mục, rất tốn công sức. Cứ phân rạch ròi ra từng thẻ, tiêu cho mục đích nào lấy thẻ đã mặc định từ trước để tiêu. Với mỗi thẻ có khoản tiền giới hạn, tiêu hết thì không được phép tiêu nữa. Như vậy quản lý rất dễ, nhanh và hiệu quả".
Mỗi tháng chị Hồng Ngọc mặc định 1 số tiền chi tiêu cố định cho mỗi phần của bản thân và gia đình. Tháng nào cũng bỏ y chang bằng số tiền như vậy vào. Nếu bẵng đi 2,3 tháng kiểm tra thẻ nào còn dư nhiều thì sẽ gộp lại để chuyển hết vào 1 tài khoản chính trong thẻ Vietcombank. Tháng nào lỡ tiêu quá đà, chưa hết tháng mà khoản đó lại hết thì bắt buộc nhịn không dùng gì hết cho khoản đó. Chờ tháng kế tiếp có thêm tiền thì sẽ tiếp tục nạp vào thẻ để chi tiêu.
Nếu quản lý được việc chi tiêu và khống chế được số tiền sử dụng thì sẽ tránh phát sinh khoản thâm hụt. Cách này sẽ giúp đảm bảo việc chi tiêu của gia đình không bị lạm chi nên sẽ không thể có câu hỏi vì sao làm mãi mà không dư. Cũng không cần hỏi tiền làm nhiều mà tiêu ở đâu đã hết.
Chi tiêu bằng thẻ thì mỗi phần chi tiêu chị Ngọc đều có thể kiểm tra rõ ràng bằng sao kê. Chỉ cần mở phần lịch sử biến động số dư thì sẽ biết rõ mình tiêu xài vào điều gì để quản lý chi tiêu và cần thì sẽ tiết kiệm lại.
Mỗi tháng chị Hồng Ngọc mặc định 1 số tiền chi tiêu cố định cho mỗi phần của bản thân và gia đình trong từng chiếc thẻ. Ví dụ như mua sắm tiêu dùng, đi chơi gia đình, các mục đích hưởng thụ chị sẽ dùng thẻ của Sacombank.
Với chị Hồng Ngọc thì gia đình có khoản tiền thu nhập khá lớn nên không thể áp dụng chia theo tỉ lệ % tính trên thu nhập cho từng khoản chi trong nhà được. Mà chị sử dụng nhiều thẻ, nhiều app để khỏi cần nhớ từng số tài khoản nhỏ dùng cho mục nào. Nhưng chị sẽ luôn cố định trước và khống chế chi tiêu bằng con số cụ thể.
"Việc sử dụng nhiều thẻ cũng tốt cho những người làm công việc kinh doanh như mình vì nó cũng để làm đòn bẩy nữa. Bởi lịch sử tiêu dùng tốt, là khách hàng của ngân hàng đó sẽ giúp ích khá nhiều", chị Ngọc chia sẻ thêm.
Chị Ngọc cũng nghĩ rằng, nhiều người thường sử dụng app chi tiêu để quản lý tài chính. Đó cũng là một cách hợp lý nhưng vẫn chỉ dùng lại là app thống kê chi tiêu. Và nó không giúp bạn khống chế được khoản chi. Nếu thích bạn vẫn có thể tiêu xài vô độ chính vì thế việc quản lý bản thân và lập thói quen chi tiêu hợp lý mới là quan trọng nhất.
Ảnh: NVCC
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn