Quần quật kiếm kế sinh nhai, hai vợ chồng bà cũng dựng được một căn nhà nhỏ nhưng trận bão năm 1986 đã làm căn nhà đổ sập, đẩy họ cùng 4 người con vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Không gục ngã, bà trỗi dậy với quyết tâm mới. Tiền Hải vốn là quê hương của những cánh đồng cói bạt ngàn và nghề đan cói nên bà Ngắn luôn đau đáu việc gìn giữ nghề truyền thống. Khi cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn thì chồng bà tái phát vết thương và ra đi mãi mãi. Nén đau thương vào lòng, bà dồn sức lo cho mẹ già và bốn con nhỏ cũng như phát triển cơ sở đan cói…
Năm 1996, trên chiếc xe đạp cũ kĩ, bà lóc cóc một mình đến các chợ đầu mối trong tỉnh, rồi ngược lên các trung tâm thương mại ở Hà Nội để tìm hiểu thị trường đầu ra, sưu tầm những mẫu sản phẩm mà khách hàng đang ưa chuộng. Về nhà, bà sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, cách tân kiểu dáng, thêm họa tiết hoa văn vào các sản phẩm cói.
Thành công từ cảnh cơ hàn, khi việc kinh doanh ngày càng tiến triển tốt, bà Ngắn lại trăn trở tới việc tạo nguồn thu cho nhiều chị em phụ nữ khác. Bà đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Thái Bình mở các lớp dạy nghề móc hộp, đan mũ cói và nghề mây tre đan… cho hội viên ở các xã.
Giờ đây, nghề làm cói xuất khẩu không chỉ phát triển ở xã Tây An mà còn mở rộng ra khắp tỉnh Thái Bình. Hiện Doanh nghiệp Tây An có mạng lưới 100 tổ sản xuất rải khắp các huyện, thành phố Thái Bình với hơn 7.000 lao động, đa số là nữ. Ngoài làm nông, nhiều chị em có thêm nghề mới để tăng thu nhập lên đến 3 triệu đồng/tháng. Lớp dạy nghề của bà còn mở rộng sang cả các tỉnh lân cận như Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên... Hàng trăm lao động khuyết tật đã học nghề để kiếm sống và tự tin hòa nhập cộng đồng.