Với nhiều đóng góp lớn cho ngành giáo dục nước nhà, năm 2019, bà vinh dự đón nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019. Câu chuyện của bà truyền cảm hứng cho những người phụ nữ đang nỗ lực cân bằng giữa thành công trong sự nghiệp và tròn vai "người giữ lửa" gia đình.
Những dấu ấn tiên phong
Năm 2009, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) ra đời trong sự ngỡ ngàng của giới sư phạm, các nhà giáo dục. Tên gọi "trường ĐH Giáo dục" dường như vẫn quá xa lạ với không ít người, khi đã quá quen với mô hình "trường sư phạm".
Người phụ nữ "thai nghén", rồi dẫn dắt ngôi trường ấy cùng với mô hình đào tạo giáo viên nối tiếp mang tính tiên phong, là GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc. Nếu như mô hình truyền thống là đào tạo giáo viên từ đầu trong suốt 4 năm theo học, thì với mô hình mới này, sinh viên bắt đầu có thể học cử nhân các ngành KHTN, KHXH ở các trường ĐH cơ bản. Sau đó, các em sẽ học thêm chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm để trở thành giáo viên.
"Ở các nước có nền giáo dục phát triển, đào tạo giáo viên trước hết phải là người vững vàng về khoa học, sau đó nếu yêu nghề dạy học, thì tiếp tục đăng ký để đào tạo trở giáo viên. Họ coi trọng việc giáo viên phải am hiểu rất rõ lĩnh vực mà họ giảng dạy" – GS Mỹ Lộc nói. Với quyết tâm lớn, mô hình đào tạo giáo viên mới rất thành công tại thời điểm đó. Trải qua hơn 20 năm, đến nay mô hình đã đào tạo ra nhiều thế hệ SV sư phạm trưởng thành, trình độ chuyên môn được xã hội công nhận và tôn vinh.
Trước khi ghi dấu ấn tiên phong nói trên, vào năm 1992, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc cũng được biết đến như là người đi đầu trong việc mở mã ngành đào tạo Cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình công tác tại Trường Cán bộ quản lý giáo dục.
Qua nghiên cứu thế giới, bà thấy các nước đào tạo quản lý giáo dục rất bài bản, là một ngành khoa học chứ không chỉ là chọn giáo viên giỏi, tốt để làm cán bộ quản lý. Theo bà, năng lực giảng dạy và năng lực quản lý không giống nhau, vì vậy cần thiết phải đào tạo cán bộ quản lý một cách bài bản, có hệ thống kiến thức và kỹ năng.
Việc mở được mã ngành này là dấu ấn đầu tiên sâu sắc trong sự nghiệp của GS Mỹ Lộc, đào tạo ra nhiều lớp cán bộ nữ thành công bởi với đặc thù ngành, cán bộ nữ chiếm tỉ lệ không nhỏ. "Các chị chia sẻ với tôi rằng được học quản lý phát biểu trước nghị trường đã trở nên tự tin hẳn, có phong thái, lập luận hơn trước rất nhiều. Phó Chủ tịch nước bấy giờ là chị Trương Mỹ Hoa rất quan tâm đến công tác cán bộ nữ nên tạo điều kiện cho chúng tôi rất nhiều. Chất lượng đào tạo được nâng cao, số lượng chị em được phát triển sự nghiệp tăng lên rõ rệt" – GS Mỹ Lộc cho hay.
Điều mà GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc tâm đắc nhất, đó là việc mở mã ngành mới này làm thay đổi tư duy nhận thức của nhiều người trong ngành về vai trò quản lý. "Việc công nhận ngành này giúp nhà quản lý nhận diện ra công việc của mình là một khoa học, phải được đào tạo bài bản, ngoài cái tâm ra đã làm quản lý thì phải có hiểu biết,có kỹ năng, có cái tầm" – nữ giáo sư nhìn nhận.
Dấu ấn thứ ba mang ý nghĩa tiên phong của GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc là vào những năm 2003-2004, khi xã hội nổi lên các vấn đề về sức khỏe tâm thần của trẻ em Việt Nam, bà và đồng nghiệp tâm huyết triển khai nghiên cứu, mở mã ngành đào tạo về tâm lý lâm sàng cho trẻ em và vị thành niên (trình độ thạc sĩ).
Trong bối cảnh không có chuyên gia giáo dục về sức khỏe tâm thần, hoàn toàn dựa vào tài trợ của đối tác nước ngoài, tổ chức WHO, bà may mắn nhận được cộng tác và kết nối của các chuyên gia tâm lý là người Việt Nam đang làm việc trên toàn cầu. Họ là những người đáp ứng yêu cầu vừa có chuyên môn vừa phải am hiểu về tâm lý, xã hội của cộng đồng người Việt, sẵn sàng về nước hỗ trợ bà đào tạo chuyên ngành mới. Cho đến nay, trường ĐHGD đã có đội ngũ chuyên gia kế cận, tiếp tục đào tạo chuyên ngành này lên trình độ tiến sĩ.
"Phía sau tôi luôn có sức mạnh của đồng nghiệp, tập thể, và gia đình!"
Đảm đương những công việc có thể nói là "gai góc", mang sứ mệnh tiên phong, điều này không hề dễ dàng với một phụ nữ. GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc khẳng định, một mình bà không thể làm được, mà phía sau là sức mạnh của đồng nghiệp, của tập thể, và cả gia đình.
"Năm 1979, tôi bắt đầu mang thai và sinh con, khó khăn trăm bề. Nhưng vẫn chấp nhận mọi khó khăn đó, thậm chí là hi sinh để được học và nghiên cứu. Tôi nhớ có những lần cứ đưa con đến lớp học xong là kê áo mưa ngồi vỉa hè chờ con, trong lúc đó thì tranh thủ học. Máu học trong mình cứ ngấm vào, cứ thế mà học mọi lúc mọi nơi" - nữ giáo sư hồi tưởng.
Bà chia sẻ, vì tham gia công tác quản lý sớm nên hi sinh thời gian dành cho con cái, gia đình. Thay vào đó, quản lý giúp bà có được những bài học quý giá cho công việc chuyên môn. "Rất may mắn là tôi luôn có sự hỗ trợ lớn từ phía sau của gia đình, trong đó là ông bà nội ngoại, đặc biệt là thời gian tôi làm nghiên cứu sinh. Nếu một thân một mình thì khó hoàn thành được nhiệm vụ" – bà nói.
Bà tâm niệm, phụ nữ phải có sự nỗ lực nhiều lần hơn so với nam giới. Bởi họ gặp khó khăn rất nhiều về định kiến xã hội và các vấn đề chính họ vướng phải và phải vượt qua, từ đối nội đối ngoại, gia đình họ hàng hai bên, mọi thứ phải ứng xử hài hòa, bởi nếu không yên ấm ở trong thì khó có thể yên tâm ra ngoài làm được gì.
Nữ giáo sư luôn tự dặn mình phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba nam giới. Một điều khá thú vị là chính bà đã biến những điều được cho là điểm yếu của nữ giới, thành thế mạnh của riêng mình.
Theo bà, ngoài năng lực và sự trau dồi kiến thức chuyên môn để thành công thì phụ nữ hãy trước hết là… một phụ nữ. Càng nữ tính bao nhiêu, thì càng có sức thuyết phục bấy nhiêu. "Đó là sự mềm mại, tinh tế, nhạy cảm, thấu hiểu và chia sẻ. Và đôi khi phải chấp nhận sự nhường nhịn hi sinh, biết lùi lại, nhẫn nhịn một chút, thì mọi sự sẽ được sắp xếp ổn thỏa" - nữ giáo sư cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn