Nữ giáo viên xúc động với những bông hoa dại học trò hái ở ven đường đem tặng

09:14 | 20/11/2024;
Học sinh bị nghi ngờ lấy đồ dùng học tập của bạn về nhà uống thuốc cỏ hay học sinh vệ sinh cá nhân kém, giáo viên nhắc nhở liền nghỉ học cả tuần… là những kỷ niệm khiến cô giáo Lê Thị Ngọc Linh, Trường Tiểu học & THCS Lê Văn Tám, xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, nhớ mãi sau gần 10 năm đứng lớp.

Tiếng khóc vơi dần

Theo cô giáo Ngọc Linh, thời gian đầu vì không hiểu tiếng bản địa nên quá trình tương tác giữa cô và học sinh chưa hiệu quả, nhất là các em mới chuyển từ mẫu giáo lên lớp 1. Các em chưa tiếp xúc nhiều với tiếng phổ thông và rất rụt rè, dè dặt khi gặp giáo viên, thêm vào đó là sự nhút nhát, các em chỉ giao tiếp với nhau bằng tiếng của mình".

Cô Linh đã quyết định tự học tiếng Ba Na để có thể giao tiếp tốt hơn, dễ truyền đạt cho các em hiểu. "Mình nói các em hiểu thì mới nghĩ đến việc dạy cho các em. Bên cạnh việc dùng tiếng Ba Na trong giao tiếp, khi dạy tôi chủ yếu nói tiếng phổ thông, nhắc đi nhắc lại một số từ thông dụng để các em nghe quen dần và nhận biết như: Sách, bút, vở, đọc,… dần dần với sự linh hoạt kết hợp hai ngôn ngữ tôi và các em đã hiểu nhau hơn, các em không còn rụt rè mà thay vào đó đã biết nói đùa với giáo viên, nụ cười đã nở nhiều hơn trên những khuôn mặt, không khí lớp học vui vẻ, không còn tiếng khóc, tiếng hét như lúc mới nhận lớp nữa".

Khắc phục được chuyện bất đồng ngôn ngữ, tưởng là qua được giai đoạn khó khăn nhưng đó chỉ là bước khởi đầu. Trong quá trình dạy cô Linh gặp phải đủ chuyện mà cô chưa từng trải qua…

Nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Ví dụ khi học ở lớp học sinh bị mất dụng cụ học tập, bạn này nghi ngờ bạn kia, bạn kia nói không lấy. Vậy là bạn bị nghi ngờ về nhà uống thuốc cỏ, rất may là cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.

Hoặc có bạn vệ sinh cá nhân kém, bị giáo viên nhắc nhở vì xấu hổ với các bạn nên nghỉ học cả tuần, giáo viên đi tìm không thấy vì bạn không ở nhà mà vào ở trại trong rẫy rất xa,…

"Hiểu được tâm lí đó, bản thân tôi trước khi xử lí việc gì liên quan đến các vấn đề nhạy cảm phải suy nghĩ, cân nhắc kĩ trước khi xử lí để ảnh hưởng xấu đến các em, kéo theo việc giảng dạy bị ảnh hưởng"- cô Linh chia sẻ.

Đến giờ khi đã công tác được gần 8 năm, có những thứ rất nhỏ ở đây lại làm cho cô Linh vô cùng hạnh phúc. Cô Linh xúc động khi kể: "Vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Quốc tế Phụ nữ, các em tặng tôi các bức vẽ, những bông hoa dại hái ở ven đường. Những thứ tưởng chừng vô cùng bình thường lại làm tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Không phải hạnh phúc vì được tặng quà, mà thứ làm tôi mỉm cười trong vô thức chính là các em đã biết quan tâm, yêu quý, biết thể hiện tình cảm với chúng tôi, coi chúng tôi như người thân. Nghĩa là các em đã mở lòng, sợi dây liên kết của giáo viên vùng cao với học sinh dân tộc đã trở nên rõ ràng và đậm màu sắc hơn! Sau những ngày vất vả, đó chính là một liều thuốc giúp tinh thần tôi thêm thoải mái. Sự yêu thương, sự cố gắng của các em vượt qua bất đồng ngôn ngữ, sự khó khăn trong việc làm quen với bảng chữ cái mới toanh. Tôi thầm biết ơn vì sự cố gắng của các em!"…

Cô giáo Lê Ngọc Linh và học trò


Nghề giáo đã cho tôi tất cả

Cô giáo Ngọc Linh sinh ra và lớn lên ở một huyện vùng núi của tỉnh Gia Lai - huyện Kông Chro. Ở đây người dân chủ yếu là người dân tộc Ba Na, sống dựa vào việc làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như ớt, bí, sắn, các loại đậu, thu nhập bấp bênh.

Cô Linh kể, từ bé mỗi lần theo mẹ vào làng buôn bán, cô thấy các bạn nhỏ bằng tuổi mình không có quần áo mặc, không được đi học, cơm không đủ ăn. Mẹ cô nhiều lần mang quần áo cũ đi tặng. "Theo mẹ nhiều lần thấy những mảnh đời khó khăn, không được đi học, không biết từ bao giờ trong tôi mơ hồ hình thành mơ ước trở thành giáo viên. Càng lớn mong muốn ấy càng thôi thúc tôi".

Lên cấp III, mơ ước duy nhất là sẽ thi đại học ngành sư phạm đã trở thành động lực để cô Linh cố gắng học tập và thi đỗ vào Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Quy Nhơn. Ra trường, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, cô Linh đã xin về dạy ở xã Đăk Pơ Pho- một xã vùng 3 rất khó khăn của huyện, khá xa nhà.

"Có thể nói nghề nhà giáo đã cho tôi tất cả. Từ một đứa bé ước mơ ấy đã thôi thúc, rèn giũa tôi thành một người tốt, một người có ích cho gia đình và xã hội"- cô Linh bày tỏ. "Những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười hạnh phúc của học sinh, gia đình nhỏ chúng tôi đang vun đắp chính là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn, nuôi lớn niềm đam mê nghề giáo trong tôi".

Cô giáo Lê Thị Ngọc Linh là 1 trong số 60 thầy cô giáo tiêu biểu có nhiều cống hiến trong sự nghiệp trồng người, được tuyên dương trong Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024. Đây là những thầy cô giáo đang công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn bền bỉ và kiên trì truyền thụ từng con chữ, kiến thức tới học sinh của mình bằng tất cả tình yêu thương.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn