Phụ nữ đang ở đâu trong lĩnh vực công nghệ?
Câu hỏi này được bà Lê Hồng Nhi – Giám đốc Khu vực phát triển cộng đồng Đông Nam Á của Microsoft, đưa ra trong phần thuyết trình của mình tại sự kiện DigiGirlz Day diễn ra ngày 25/4 tại Hà Nội, trước hàng chục nữ sinh đang theo học ngành công nghệ thông tin (CNTT) và STEM. Nữ diễn giả muốn nhấn mạnh đến những thay đổi đáng kể về cơ cấu việc làm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo bà Lê Hồng Nhi, cuộc cách mạng này ảnh hưởng hoàn toàn cuộc sống, cách mà chúng ta sinh hoạt, học tập và tương tác, tạo ra cơ hội về học tập nghề nghiệp mà trước đây khi không có công nghệ thì người dân không có được lợi ích này. Kể cả với người ở vùng sâu vùng xa, khi có công nghệ thì họ có nhiều cơ hội hơn và khoảng cách vật lý được thu hẹp hơn.
“Phụ nữ đang ở đâu khi Microsoft cùng nhiều tập đoàn khác đang nỗ lực thúc đẩy công nghệ về phía trước? Chúng tôi muốn bảo đảm không để ai lọt lại đằng sau. Việc làm hôm nay đã hoàn toàn thay đổi, thị trường lao động sẽ dựa trên nhu cầu của nền kinh tế, công việc mọi lúc mọi nơi. Các bạn ngồi ở Hà Nội để làm cho một công ty ở Sài Gòn. Nông dân hôm nay cũng có thể trở thành người làm việc trên biển ở ngày mai. Sẽ có những nghề hoàn toàn mới như là đào tạo cho xe ô tô tự lái, phân tích số liệu về internet kết nối vạn vật… sẽ hiện hữu trong 10 năm nữa ở thế giới công nghiệp”, bà Hồng Nhi dẫn chứng.
Theo nữ diễn giả, 65% công việc trong tương lai chưa tồn tại ở thời điểm hiện tại. “10 năm nữa sẽ có lượng công việc mới mà bản thân các em chưa biết làm thế nào kiến thức hôm nay có thể đáp ứng công việc ấy”, bà Hồng Nhi nói.
Một nghiên cứu của Bộ Lao động Mỹ đưa ra, đó là hiện tại, 50% việc làm đòi hỏi kỹ năng công nghệ. Nhưng 10 năm nữa thì tỷ lệ này sẽ tăng lên đạt 77%. Điều này đồng nghĩa với việc 77% nghề nghiệp trong tương lai sẽ bị bỏ lỡ nếu các bạn không học công nghệ, đặc biệt là nữ giới.
Một số liệu khác khá hấp dẫn cũng từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, các ngành nghề từ phục vụ xã hội, ngành nghề giao thông, kỹ sư, giáo dục, hành chính…., khi lấy số lượng việc làm mới nhân với mức lương thì ngành nghề về máy tính nói chung đang ở top đầu, chiếm đến 16,3% - dẫn đầu về mức lương và cả số lượng việc làm mới.
Cơ hội lớn nhưng thách thức đi kèm không hề nhỏ. Diễn đàn kinh tế thế giới chỉ ra rằng, cứ một việc làm mới được tọa ra cho nam giới thì có 4 người nam giới bị thay thế. Nhưng một việc làm tạo ra cho nữ giới thì có 20 nữ giới bị thay thế. “Tại sao? Vì nữ giới hay tham gia vào công việc dễ bị tự động hóa (nhà máy may mặc, sản xuất dây chuyền thực phẩm…. 80% lao động là nữ) , không đòi hỏi kỹ năng quá cao. Chúng ta đang đặt bản thân vào nguy cơ bị robot thay thế và tự động hóa”, bà Lê Hồng Nhi cho biết.
Theo UNESCO, chỉ có 29% những người làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học là phụ nữ, tỉ lệ này đặc biệt thấp ở khu vực Nam và Tây Á, chỉ 19%. Tại Châu Á Thái Bình Dương, theo một khảo sát gần đây do YouGov thực hiện, khoảng 32% giáo viên cho rằng các nữ sinh thiếu quan tâm tới lĩnh vực khoa học máy tính.
Đây cũng là một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng tỉ lệ nữ giới thấp trong ngành công nghệ, bên cạnh các yếu tố như sự thiếu hỗ trợ của cha mẹ hay các vấn đề liên quan đến giáo trình không mang tính ứng dụng thực tế. Ngoài ra, một khảo sát được Microsoft thực hiện năm 2018 với 6,000 nữ giới cho thấy rằng có đến 64% trẻ em gái và 56% phụ nữ trẻ không hề biết tới một phụ nữ nào đang làm việc trong lĩnh vực STEM.
Trở ngại lớn nhất là định kiến
Là một nữ chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thuộc tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, bên lề diễn đàn, bà Lê Hồng Nhi chia sẻ rằng, trở ngại lớn nhất của nữ giới khi tham gia vào ngành nghề CNTT và STEM không phải là năng lực, mà đó là định kiến. Bản thân các bạn nữ tự nghĩ ngành này quá khó cho nữ, là ngành không dành cho nữ, rất vất vả.
Một rào cản nữa, theo nữ chuyên gia là bản thân các bạn nữ không tìm thấy cho mình nguồn động lực thúc đẩy nào do không biết đến hình mẫu nữ giới nào đã thành công trong lĩnh vực này. Vì không có hình mẫu nên các bạn không thấy có một động lực nào để cuốn hút chính các bạn. Kỹ sư, nhà lập trình toàn là nam, các bạn không biết ai là nữ thành công. Vì thế không thấy cơ hội thành công của nữ ở lĩnh vực ấy.
“Là người làm trong lĩnh vực này, tôi đã từng thầy khá cô đơn khi không có sự hỗ trợ nào, không có nhiều người đồng quan điểm, nhiều lúc đã muốn chuyển ngành. Định kiến, sự thiếu tự tin và môi trường thiếu nữ chính là trở ngại. Thiếu tự tin sẽ trở thành nhược điểm, khiến họ thu mình lại. Còn ngược lại, nếu vượt qua được, tự tin, thì khả năng thành công và đi lên của nữ rất cao”, bà khẳng định.
Chia sẻ về sự cân đối quỹ thời gian cho công việc và gia đình khi tính chất công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, nữ chuyên gia cho rằng khó có công thức nào hoàn hảo để có thể cân đối được.
“Ngành nào cũng vậy, việc phụ nữ đi làm và trách nhiệm gia đình luôn là trải nghiệm lớn. Tuy nhiên mình ưu tiên từng thời điểm Có thời điểm đòi hỏi công việc nhiều hơn thì ưu tiên và ngược lại. Tự mình phải tìm được người đồng hành như chồng, bố, mẹ … mình chịu khó tìm kiếm sự giúp đỡ của họ”, bà chia sẻ.
Và cuối cùng, lời khuyên của nữ chuyên gia khá thành công trong lĩnh vực công nghệ dành cho nữ giới, đó là các bạn nữ cần tìm cho mình một mentor (người hướng dẫn) là nữ để hướng dẫn cho các bạn. Khi các bạn gặp khó khăn, cần vượt qua những giai đoạn nhất định, cần phải có sự chắc chắn rằng khả năng của các bạn không thua kém gì nam giới. Tự tin thì mới thành công chứ cứ nghĩ là mình không vượt qua được thì sẽ ko bao giờ vượt qua được”, bà Lê Hồng Nhi nhắn nhủ.
DigiGirlz Day là một chiến dịch toàn cầu được Microsoft thực hiện hàng năm vào tháng 3-4 để truyền cảm hứng cho nữ sinh trung học theo đuổi các ngành nghề STEM, thông qua việc kết nối nữ sinh với các chuyên gia của Microsoft và các hình mẫu nữ giới thành công trong lĩnh vực STEM. Thông qua DigiGirlz Day, Microsoft muốn giúp nữ sinh thay đổi tương lai nhờ công nghệ và mang đến cho xã hội một thế hệ nữ lãnh đạo sáng tạo. Trong năm 2019, gần 4000 học sinh của 12 tỉnh/thành phố trên khắp Việt Nam đã được định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM thông qua chiến dịch này. |
.