Hơn nửa tháng nay, một ngày làm việc của chị Nguyễn Thị Thu Thủy và Bùi Thị Tý, hộ lý tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 24 giờ đêm. Để phục vụ cho công tác xét nghiệm SARS-CoV-2, hai chị được tăng cường cho Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh -Thăm dò chức năng của Trung tâm.
Cũng như thường nhật, công việc của chị Thủy và chị Tý là vệ sinh sạch đẹp, ngăn nắp, trật tự trong các phòng làm việc, phòng xét nghiệm, phòng vệ sinh, hành lang, cầu thang của Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng theo quy chế quản lý phòng làm việc, phòng xét nghiệm và quy chế chống nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, để đảm bảo công tác xét nghiệm, bảo quản và trả kết quả được kịp thời, chính xác trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phúc tạp như hiện nay thì hằng ngày, Khoa tiếp nhận rất nhiều mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, hóa chất... Vậy nên công việc dọn dẹp, vệ sinh tại đây cũng theo đó tăng lên và nặng nề hơn trước. Công tác thu gom quản lý chất thải y tế phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 cũng đặc biệt hơn vì phải thực hiện theo một quy trình khắt khe hơn trước khi thải ra môi trường. Sau khi các mẫu xét nghiệm được xử lý và đọc kết quả, những chất thải y tế sẽ được các chị hộ lý thu gom, phân loại và xử lý bằng cách hấp ở nhiệt độ cao trước khi cho vào khu tập trung rác thải y tế để Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam đưa về nơi xử lý chất thải y tế chung của tỉnh. Chị Thủy cho biết: "Mỗi ngày chị hấp khoảng 9 mẻ chất thải, thời gian hấp mỗi mẻ là khoảng 2 giờ đồng hồ. Nên tổng thời gian để xử lý chất thải đã là 18 giờ mỗi ngày".
Anh Nguyễn Trường Duy, Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, cho biết: "Công việc dọn dẹp vệ sinh cũng bộn bề nặng nhọc hơn trước rất nhiều, với vô số rác thải từ các mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm, bao gói các dụng cụ y tế, sinh phẩm, hóa chất... Đó là chưa kể để đảm bảo quy chế chống nhiễm khuẩn các chị phải thường xuyên lau chùi, sát khuẩn cầu thang, hành lang, sàn nhà. Việc thu gom, xử lý rác thải cũng mất nhiều thời gian hơn trước và độc hại, nguy hiểm vì phải tiếp xúc với vi khuẩn, hóa chất. Các chị làm việc luôn tay mà không có thời gian nghỉ ngơi. Có những đêm, chúng tôi rời phòng làm việc thì cũng đã đến lúc đồng hồ điểm sang ngày mới. Nhưng các chị vẫn còn ở lại để dọn dẹp, vệ sinh phòng ốc. Sáng hôm sau, chúng tôi đến cơ quan thì các chị ấy đã có mặt và đã vệ sinh sạch sẽ khuôn viên cơ quan, chuẩn bị đầy đủ nước uống, trang phục sạch sẽ cho chúng tôi. Công việc của các chị hộ lý luôn là vậy, luôn lặng lẽ đi trước, về sau".
"Công việc của chúng tôi có gì to tát đâu"
Công việc với phương châm "thần tốc chống dịch" không chỉ cuốn những y, bác sĩ, kỹ thuật y tại đây mà đằng sau họ là những hộ lý cũng lặng lẽ "chiến đấu" mỗi ngày.
Cả mấy tuần nay, các chị đã tạm gác lại công việc thường nhật của người vợ, người mẹ. Mỗi buổi trưa, mỗi buổi tối các chị không được về nhà để cùng gia đình dùng bữa cơm như thường lệ.
Công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cũng rất cao nhưng 2 chị vẫn thay nhau làm việc tận tình, chu đáo. Phòng làm việc, phòng xét nghiệm và khuôn viên khu làm việc luôn được sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất. Rác thải luôn được phân loại, xử lý và thải ra môi trường đúng quy trình, kịp thời đảm bảo công tác phòng chống nhiễm khuẩn. Cùng với những y, bác sĩ, kỹ thuật y tại Khoa, bữa cơm của các chị trong những ngày này cũng là bữa ăn vội tại cơ quan, giờ nghỉ ngơi cũng là giờ tranh thủ. Vậy nhưng các chị luôn ân cần, phục vụ cơm, nước chu đáo cho đồng nghiệp và dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ sau những bữa ăn tại chỗ của Khoa.
Bữa cơm trưa của các chị khi đã bước qua buổi xế. Chị Thủy tâm sự: "Những ngày qua, thực sự chúng tôi cũng chẳng có tâm trạng nào mà ăn uống khi các ca dương tính vẫn tăng lên. Ăn vội vàng qua bữa để giữ sức khỏe làm việc, để cùng cơ quan chống dịch. Mong sao dịch bệnh sớm kết thúc để đất nước bình yên và anh em đồng nghiệp chúng tôi bớt vất vả. Thương lắm những y bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, những người đang "gồng mình" để chống dịch".
Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp lặng lẽ của các chị hộ lý, TS.BS Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, cho biết: "Những ngày này, các chị hộ lý tại Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm thật sự vất vả. Công việc chồng lên công việc. Rồi hằng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với rác thải y tế phục vụ cho công tác xét nghiệm Covid-19 nữa nên nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Nhưng các chị vẫn đã và đang cố gắng hoàn thành tốt mỗi ngày. Đặc biệt, các chị luôn sẻ chia những vất vả, chăm lo từng bữa cơm, từng ly nước để các y, bác sĩ, kỹ thuật y tại đây tập trung làm tốt công tác chuyên môn của mình".
Khi được hỏi, các chị lại không muốn nói gì về mình. Chị Bùi Thị Tý chia sẻ: "Công việc của chúng tôi có gì to tát đâu. Đó là những việc bình thường, ai cũng có thể làm được. Mỗi người một việc thôi. Các y, bác sỹ, kỹ thuật y nơi tuyến đầu trực tiếp điều tra, lấy mẫu, tách chiết, đọc kết quả... mới vất vả và nguy hiểm hơn nhiều lần. Chúng tôi cố gắng mỗi ngày chỉ mong góp một phần nhỏ bé của mình cùng với anh chị em Trung tâm phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Mong ngày chiến thắng sẽ không xa".
Trong căn phòng kính, những cán bộ y tế với trang phục bảo hộ vẫn miệt mài với công tác xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ở bên ngoài, các chị hộ lý đang cặm cụi lau chùi sàn nhà, cầu thang. Cùng với đồng nghiệp của mình, các chị đã làm cho bản hùng ca về những chiến sĩ trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thăng hoa, hào hùng và rất đỗi tự hào.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn