Nữ hoàng của thế giới Ả Rập

16:14 | 21/07/2016;
Thông minh, xinh đẹp Hoàng hậu Rania không chỉ là thần tượng của người dân Jordan mà còn được nhiều người dân Ả Rập tôn vinh là “Nữ hoàng của thế giới Ả Rập”.
Rania Al-Yassin sinh ngày 31/8/1970 tại Kuwait trong một gia đình có nguồn gốc từ Palestine. Sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, giống như những người Palestine khác, gia đình Rania phải rời Kuwait chuyển tới Jordan.

Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh tại đại học Mỹ ở Cairo (Ai Cập), Rania chuyển về sống cùng gia đình ở Amman rồi làm việc cho một ngân hàng ở Amman.
3.jpg
 Chân dung hoàng hậu Rania.
Tháng 2/1993, một bữa tiệc tại Trường Đại học Oxford (Anh) đã làm thay đổi cuộc sống của cô khi tình cờ gặp Hoàng tử Abdullah của Vương quốc Jordan. Hai người phải lòng nhau và đến tháng 6/1993, Rania và Hoàng tử Abdullah đã tổ chức một lễ cưới hoành tráng trước sự chứng kiến của người dân Jordan và cả thế giới. Lần đầu tiên, một cô gái Ả rập xuất thân từ một gia đình thường dân gia nhập Hoàng gia Jordan. 

Rania đã chiếm được cảm tình của dân chúng ngay từ những phút đầu tiên bước chân vào Hoàng gia Jordan khi cô đề nghị bỏ bớt vàng và đá quý trên vương miện của mình để gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Cưới nhau được một năm, Rania hạ sinh hoàng tử rồi lần lượt sau đó là 3 cô công chúa.
quc-vng-abdullah-ii-ibn-al-hussein-v-hong-hu-rania-al-abdullah-ca-jordan.jpg
 Quốc vương Abdullah và Hoàng hậu Rania của Jordan.
Ngày 25/1/1999, hai tuần trước khi qua đời, Nhà vua Hussein đã chỉ định người con trai cả Abdullah làm người kế vị ngai báu. Rania lúc ấy 29 tuổi trở thành vị Hoàng hậu trẻ tuổi nhất thế giới.

Không chỉ nổi tiếng về sắc đẹp, Hoàng hậu Rania còn được biết đến là một nhà hoạt động xã hội tích cực và một thành viên Hoàng gia thông minh, được lòng dân chúng.
2.jpg
 Cô là nhà hoạt động xã hội tích cực, đặc biệt về những vấn đề của phụ nữ và trẻ em.
Kể từ khi trở thành Hoàng hậu, Rania rất tích cực gặp gỡ và giao lưu với mọi người. Cô dành nhiều thời gian và công sức để tham gia các hoạt động từ thiện, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò của phụ nữ, khuyến khích giáo dục, tạo ra nhiều cơ hội cho thanh niên, phát triển văn hóa và du lịch…

Dự án của Rania nhằm ngăn chặn sự ngược đãi trẻ em là mô hình đầu tiên trong thế giới Ả Rập. Chính Hoàng hậu trẻ này đã lôi kéo sự chú ý của thế giới tới Jordan bởi nhan sắc, trí tuệ lối sống hòa đồng và những hoạt động từ thiện. Ngoài ra, cô còn đứng đầu Quỹ sông Jordan để cải thiện mức thu nhập của người dân Jordan. Cá nhân cô cũng thành lập và điều hành nhiều tổ chức từ thiện giúp đỡ phụ nữ và trẻ em bất hạnh.
mt-chng-trinh-t-thin-cua-ba-rania-trinh-bay-tai-lin-hip-quc-nm-2010.jpg
  Một chương trình từ thiện của Hoàng hậu Rania trình bày tại Liên Hợp quốc năm 2010.
Ngoài những hoạt động trong nước, cô còn là người tiên phong trong nỗ lực xóa bỏ khoảng cách giữa phương Tây với thế giới Ả Rập qua việc sử dụng tài khoản YouTube, Facebook, Instagram và Twitter. 

Số người theo dõi cô trên mạng Twitter, từ hồi đầu năm 2014, đã vượt quá con số một triệu người. Hoàng hậu chia sẻ: “Trong thế giới ảo tôi tiếp cận người dân nhiều hơn thế giới thật. Nhiều người quan niệm Hoàng hậu khó gần gũi, không thể trình bày nguyện vọng vì rào cản nghi lễ Hoàng gia phức tạp. Tôi cũng không thích nó và muốn phá vỡ rào cản vì tôi muốn biết người dân thật sự nghĩ gì và muốn gì”.

Phát biểu trên đài truyền hình Mỹ trong chương trình talkshow của “nữ hoàng truyền hình” Oprah Winfrey, Rania nhấn mạnh: “Ngoài chuyện chăm sóc chồng con, tôi còn có nghĩa vụ với 6 triệu dân nước tôi, với những vấn đề sống còn của đất nước”.

 
Rania đã từng được Tạp chí Harpers and Queen bình chọn là Đệ nhất phu nhân đẹp nhất năm 2011. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn