'Nữ hoàng mỹ phẩm' khởi đầu từ lọ kem dưỡng da Valaze

22:11 | 30/10/2016;
Ngày Helena Rubinstein qua đời, tài sản của “nữ hoàng mỹ phẩm” này ước tính khoảng 100 triệu USD. Rubinstein thành công chủ yếu nhờ sự mạo hiểm, tài kinh doanh và… kem dưỡng da Valaze.
helena-rubenstein-jewelry.jpg
Helena sinh ngày 25/12/1870 trong 1 gia đình Ba Lan gốc Do Thái nghèo ở thành phố Krakow, là chị cả của 7 cô em gái. Cả gia đình sống nhờ vào những đồng tiền mà bố gom nhặt từ công việc bán lẻ dầu hỏa và trứng gà. Người mẹ trông nom nhà cửa và chăm chỉ truyền đạt kiến thức về chăm sóc sắc đẹp bằng kem dưỡng da tự chế cho các con gái.

Sau này, người bố gia trưởng dứt khoát không chấp nhận cuộc hôn nhân của Helena với chàng sinh viên y khoa nghèo. Khi bị bố ép gả cho gã đàn ông tóc muối tiêu, giàu có, góa vợ, Helena đã quyết định trốn khỏi nhà, vượt đại dương sang Australia, tìm chốn nương thân ở gia đình người chú.

Từ 1 lọ kem dưỡng da
Chưa đầy 18 tuổi, Helena vừa phụ việc tại cửa hàng, vừa trông nom 3 đứa con nhỏ của chú ở thị trấn Corelaine, cách Melbourne (Australia) 100km.

Nắng gắt chói chang là sát thủ tệ hại đối với sắc đẹp. Lọ kem Valaze mà người mẹ nhét vào valy của Helena trước ngày cô bỏ nhà sang Australia, đã chứng tỏ hiệu quả đặc biệt. Nhờ thường xuyên bôi kem Valaze, cô đã sở hữu nước da trắng như sữa. Loại mỹ phẩm này còn giúp tẩy sạch thậm chí cả những mảng nám trên gương mặt. Rất đông chị em đã xếp hàng đăng ký mua “đặc sản” từ Ba Lan xa xôi, mặt hàng thời gian đầu Helena nhờ mẹ gửi sang theo đường bưu điện. Sau 3 năm, Helena rời thị trấn Corelaine, chuyển đến Melbourne với kế hoạch “tấn công” thị trường mỹ phẩm Australia.

Khởi đầu trong nhà bếp
Thoạt đầu, Helena tự mình sản xuất mỹ phẩm dưỡng da. Ngay trong gian bếp của căn hộ, không khác gì “mụ phù thủy” chính hiệu, Helena nhào trộn những thành phần khác nhau theo công thức truyền miệng của mẹ từ ngày cô còn ở Ba Lan, gồm hỗn hợp thảo dược, tinh chất hoa đào và nước cất vỏ cây thông.
Cô nhớ lại: “Tôi xin phép rời gia đình ông chú, chuyển đến Melbourne, tìm 1 người phụ nữ mà tôi đã tình cờ quen trên chuyến tàu thủy từ Ba Lan đi Australia mấy năm trước. Khởi đầu, tôi có nhiệm vụ dạy tiếng Đức cho 2 đứa con bà. Tôi vay bà 250 bảng Anh và mượn gia đình bà bộ bàn ghế. Tôi mở salon trang điểm mang biển hiệu “Valaze”. Sự nghiệp kinh doanh của tôi chính thức bắt đầu với sản phẩm kem dưỡng da tự chế. Sau khi 1 nữ phóng viên nhật báo Sydney ghé thăm cơ sở sản xuất và viết về công việc của tôi, bạn đọc đặt mua hàng tới tấp. Chưa đầy 1 tháng, tôi đã nhận 15.000 yêu cầu”. Một mình Helena không thể sản xuất số lượng sản phẩm thỏa mãn nhu cầu lớn như vậy. Cô liền nghĩ đến TS Lykusky - “cha đẻ” của kem dưỡng da Valaze - và lập tức mời ông sang Melbourne.

Việc tiêu thụ kem dưỡng da của Helena không khác gì “đất hạn gặp mưa”. Tận dụng cơ hội độc quyền, cô chi phối giá cả. Xã hội mang nặng định kiến “của rẻ là của ôi”, một số phụ nữ sẽ quay lưng, nếu sản phẩm quá rẻ. Lợi dụng tâm lý này, Helena thoải mái tự định giá. Những lúc khan hiếm nguyên liệu sản xuất, giá bán hộp kem của cô lên tới xấp xỉ cả tháng lương công nhân trong thời gian thử việc. Tuy nhiên, hàng vẫn bán chạy.

Tìm thấy thị trường khổng lồ
Nữ doanh nhân trẻ kết hôn với nhà báo Edward Titus, lần lượt sinh 2 con và ấp ủ dự kiến bành trướng thị trường sang châu Âu. Thời gian ngắn sau Chiến tranh Thế giới I, Helena cùng gia đình vượt Đại Tây Dương sang New York (Mỹ), mang theo công nghệ sản xuất mặt hàng mỹ phẩm mới là son môi.

Helena kể: “Đa phần phụ nữ Mỹ thời ấy đều trưng gương mặt phủ lớp phấn trang điểm màu trắng nước gạo và cặp môi xám xịt quái dị. Vừa đặt chân đến New York, tôi đã nghĩ: Nước Mỹ sẽ trở thành thị trường khổng lồ dành cho các sản phẩm của mình!”. Vài năm sau, kết quả thăm dò 85% phụ nữ trẻ, nữ sinh viên Mỹ thường xuyên làm đẹp bằng son môi, mỹ phẩm mang nhãn mác Rubinstein.

Song, đến Mỹ không lâu, Edward Titus chạy theo Elizabeth Arden - người phụ nữ trẻ hơn Helena 8 tuổi. Đau xót hơn, Arden cũng là bà chủ 1 hãng sản xuất mỹ phẩm, đối thủ cạnh tranh của Helena. 2 năm sau khi ly dị, ở tuổi 66, “Nữ hoàng mỹ phẩm” lên xe hoa cùng hoàng tử Grudia - Achil Gourielli - trẻ hơn bà 15 tuổi.

Xây dựng thương hiệu sang trọng
Bên phu quân trẻ, công việc kinh doanh của Helena liên tục phát triển. Đến năm 1950, Tập đoàn mỹ phẩm HR (Helena Rubinstein) đã có 154 nhà máy và 32 đại lý trên toàn thế giới. Dinh thự lộng lẫy của bà ở New York có 26 phòng ngủ, trên tường tràn ngập những tác phẩm của các danh họa hàng đầu..

Helena đã triển khai có hiệu quả cuộc chiến chống lại vết nhăn bằng nỗ lực tạo ra dòng kem dưỡng da có phin chống nắng dành cho nhiều loại da khác nhau. Ngoài ra, lông mi giả, mascara không trôi, dịch vụ spa làm đẹp… đều là ý tưởng của bà.

Khi Helena đang trong phòng làm việc, miệt mài thiết kế mẫu mỹ phẩm mới thì bất ngờ bị tai biến não. Bà qua đời 1 ngày sau đó tại bệnh viện, 1/4/1965, thọ 95 tuổi.

Nữ hoàng mỹ phẩm Helena Rubinstein
hr_salon_scientist_girlboss_ob-di438_tvhele_g_20090319215738.jpg
 
195-helena-rubinstein-960x605-2.jpg
loffit-helena-rubinstein-la-dama-de-la-belleza-07.jpg
helenarubenstein.jpg
mtiwnja4njmzotyxntq3mjc2.jpg

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn