"Nữ hoàng nhạc phúc âm" Mahalia Jackson

13:10 | 29/10/2017;
“Nữ hoàng nhạc phúc âm” Mahalia Jackson chính là người đã giúp mục sư Martin Luther King tỏa sáng cùng bài diễn văn lịch sử "Tôi có một giấc mơ" (I have a dream).

Ngày 28/8/1963, mục sư King, một nhà hoạt động vì dân quyền, chống phân biệt chủng tộc đã đọc bài diễn văn trên tại Đài tưởng niệm Lincoln (Washington D.C, Mỹ) trước 250.000 người tham gia cuộc Tuần hành vì việc làm và tự do. Trong diễn văn, ông đã nói lên ước mơ cháy bỏng của mình về tương lai nước Mỹ, ở đó, người da đen và người da trắng được đối xử bình đẳng, chung sống hoà thuận. Cuộc Tuần hành cùng với bài diễn văn lay động lòng người đã gây áp lực lên chính quyền Mỹ, thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Dân quyền đầu tiên tại Quốc hội (1964).

Cùng với Diễn văn Gettysburg của Tổng thống Abraham Lincoln, "Tôi có một giấc mơ" được xem là một trong những diễn văn được yêu thích nhất và được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Mỹ. Thế nhưng, nếu không có nữ danh ca Mahalia Jackson, bài diễn văn này không nổi tiếng đến vậy.

Sở hữu giọng nữ trầm truyền cảm và đầy nội lực, Mahalia Jackson được đánh giá là một trong những giọng hát hay nhất thế kỷ XX. “Chúa đã chạm vào dây thanh nhạc của người phụ nữ vĩ đại này”, nhà sử học Noel Serrano nhận xét. Người bạn thân của bà, mục sư King, từng nói: “Một ngàn năm mới có được giọng hát như Mahalia”.


Ca sĩ Mahalia Jackson.

Sinh năm 1911 ở New Orleans, Mahalia Jackson trở thành ca sĩ đầu tiên thuộc thể loại nhạc phúc âm (nhạc tôn giáo khởi nguồn từ các nhà thờ của người Mỹ gốc Phi trong những năm 1930) biểu diễn tại Carnegie Hall - nhà hát nổi tiếng của New York (Mỹ) và trong lễ nhậm chức của Tổng thống John Kennedy. Từ năm 1962-1970, bà đã có những chuyến lưu diễn thành công tại châu Âu, châu Á, châu Phi và được yêu mến gọi là “thiên thần hòa bình”. Năm 1961, bà là ca sĩ nhạc phúc âm đầu tiên được tặng giải Grammy - giải thưởng âm nhạc uy tín của Mỹ.

Không chỉ là ca sĩ danh tiếng, Mahalia Jackson còn có nhiều đóng góp quan trọng đối với phong trào dân quyền và được mệnh danh là “người phụ nữ da đen có nhiều ảnh hưởng nhất nước Mỹ”.

Sau lần gặp gỡ mục sư King tại một hội nghị của những người theo phái Tin lành Baptist năm 1956, bất chấp bị đe dọa lấy mạng, bà nhận lời hát tại buổi gây quỹ cho chiến dịch chống phân biệt chủng tộc ở Montgomery, Alabama - tiểu bang thuộc miền Nam nước Mỹ. Từ đây, Jackson thường xuyên đi cùng mục sư King đến các cuộc mít tinh ở những nơi đầy thù nghịch, dùng giọng hát để “phá vỡ những hận thù và sợ hãi đã chia cắt người da trắng, da đen”.

Là người cuối cùng trong số 16 diễn giả tại cuộc Tuần hành, mục sư King chủ yếu nói lại những điều mà cố vấn Clarence Jones đã viết trong bản dự thảo dù có phần ứng biến hơn.

“Trở về Mississippi, trở về Alabama, trở về South Carolina, Georgia, Louisiana, về với những khu nhà ổ chuột ở các thành phố phía Bắc, chúng ta tin rằng bằng cách nào đó tình trạng này có thể và sẽ được thay đổi”, mục sư King kêu gọi.

Đến đây, bà Mahalia Jackson, đang đứng gần bục phát biểu, lên tiếng: “Hãy nói với họ về giấc mơ, Martin. Hãy nói với họ về giấc mơ!”.

Mục sư Martin Luther King đọc diễn văn bất hủ trước hàng nghìn người dân tại Đài tưởng niệm Lincoln năm 1963.

Mục sư King nhìn về phía bà Jackson, đẩy bài diễn văn đã được soạn sẵn sang phía bên trái bục, rồi ông hướng xuống đám đông và dõng dạc nói câu bất hủ: “Tôi có một giấc mơ”.

Năm 1968, mục sư King bị ám sát. Bốn năm sau, Mahalia Jackson qua đời. Khoảng 50.000 người nối nhau đi qua quan tài của bà để bày tỏ lòng kính trọng đối với “nữ hoàng nhạc phúc âm”. Trong sự nghiệp của mình, bà Jackson đã phát hành hơn 30 album, trong đó có 12 album bán ra hơn 1 triệu bản/album.

Tôi có một giấc mơ đứng đầu trong danh sách 100 bài diễn văn chính trị xuất sắc nhất nước Mỹ trong thế kỷ XX, theo bình chọn năm 1999 của giới học giả về diễn thuyết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn