Cũng như rất nhiều tỉnh thành trong cả nước TPHCM đang nỗ lực khôi phục các hoạt động du lịch từ tháng 5, sau thời gian chịu thiệt hại nặng nề bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 do không phát sinh doanh thu, tour bị đóng băng. Hiện tại, một số công ty lữ hành trên địa bàn thành phố, trong đó có Vietravel, Saigontourist đã trở lại hoạt động, tuy nhiên vẫn còn nhiều đơn vị kinh doanh du lịch vẫn đóng cửa, "nghe ngóng tình hình".
Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, những điểm tham quan di tích lịch sử của TPHCM đón một số lượng đáng kể khách du lịch, chủ yếu là du khách Việt và du khách nước ngoài vẫn ở Việt Nam trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày đó, nhìn chung, tình hình du lịch ở TPHCM vẫn khá yên ắng.
Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở TPHCM, lác đác có một vài khách du lịch ghé thăm. Một nhân viên của bảo tàng chia sẻ: "Bình thường, vào thời điểm tháng 5, tháng 6, khi học sinh được nghỉ hè, bảo tàng đón rất nhiều các đoàn tham quan ở TPHCM cũng như các tỉnh thành lân cận tới thăm. Tuy nhiên, năm nay, mọi chuyện đảo lộn, học sinh mới đi học trở lại, số lượng du khách đến thăm bảo tàng rất ít, chủ yếu là khách lẻ".
Ở một trường hợp khác, chị Cao Điểu Thị Diễm, HDV của công ty du lịch Ảnh Việt Hop on Hop off Việt Nam, một đơn vị chuyên tổ chức các chuyến thăm thành phố (city tour) ở TPHCM, cũng không giấu được vẻ trầm tư. Chị chia sẻ: "Bình thường, các tour tham qua những điểm đến thú vị ở thành phố do công ty tổ chức luôn thu hút rất đông du khách, nhất là khách quốc tế. Vậy mà giờ đây, số lượng khách đi tham quan khá hạn chế, mà chủ yếu là khách Việt".
Chị Cao Điểu Thị Diễm sinh năm 1997, tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn và là một người rất đam mê ngành du lịch. Chị Diễm chia sẻ, công việc của một HDV giúp chị vượt qua được sự nhút nhát, tăng cường sự tự tin và hoàn thiện bản thân. Vốn là người không có năng khiếu về ngoại ngữ, chị Diễm thừa nhận mình rất may mắn khi được nhận vào làm việc ở công ty du lịch Ảnh Việt Hop on Hop off Việt Nam. Công việc giúp chị Diễm có cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với du khách quốc tế, trau dồi trình độ tiếng Anh. Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, công việc bị ảnh hưởng, cơ hội nâng cao vốn ngoại ngữ bị gián đoạn, chị Diễm không giấu được nỗi buồn.
Khác với chị Diễm, chị Lê Thị Thu Hương yêu thích công việc sales và giới thiệu sản phẩm của công ty du lịch Ảnh Việt Hop on Hop off Việt Nam. Ngoài đảm trách công việc HDV, chị Hương còn được công ty đào tạo kỹ năng kinh doanh du lịch và quản lý điểm đến. Theo chị Hương, dù cho số lượng khách của công ty bị suy giảm nhưng chị vẫn cảm thấy may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp làm du lịch ở những công ty khác. Trong khi nhiều người vẫn đang phải "ngồi chơi, xơi nước" thì chị Hương vẫn được làm công việc mình yêu thích như: bán tour du lịch, bán vé tham quan các điểm đến, tổ chức, điều phối sắp xếp các đoàn khách… Lượng khách hiện tại của công ty không đông nhưng chị Hương hy vọng trong thời gian tới, tình hình sẽ được cải thiện.
Cùng tâm trạng như chị Hương, chị Triệu Huỳnh Mẫn, điều hành của công ty Vietnam Travel Group cũng mong mỏi du lịch sớm trở lại. Chị Mẫn cho biết, hiện tại, số lượng khách của công ty vẫn rất khiêm tốn nên văn phòng vẫn chưa chính thức mở cửa trở lại. Mọi công việc sắp xếp tour, phục vụ khách hàng đều được chị điều hành ở nhà. Theo chị Mẫn, dù cho một số điểm du lịch ở TPHCM đã mở cửa trở lại nhưng cần phải có thêm thời gian, số lượng khách mới có thể tăng dần.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, Việt Nam hiện vẫn đang tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài. Trong 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu du lịch lữ hành của cả nước ước tính đạt 7.900 tỉ đồng, chiếm 0,5% tổng mức và giảm 45,2% so với cùng kỳ năm ngoái. TPHCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về du lịch (giảm tới 58,3%).
Hiện tại, các đơn vị lữ hành ở Thành phố có xu hướng phục vụ khách hàng theo các tour dạng Free & Easy (chỉ có dịch vụ lưu trú, phương tiện vận chuyển, vé máy bay, xe). So với các tour thường, loại hình này không bao gồm dẫn đoàn tham quan điểm du lịch. Điều này phù hợp với tình hình thực tế. Các điểm du lịch mở lại đều cần đảm bảo không tập trung đông người và khoảng cách tiếp xúc từ 1 đến 2 mét.
Ngoài ra, doanh nghiệp lữ hành cũng hướng đến đối tượng là đoàn khách lẻ, gia đình. Dù có thể tiếp tục khai thác thị trường khách nội, nhiều đơn vị lữ hành vẫn tỏ ra quan ngại về khả năng hồi sinh nhanh chóng. Trong khảo sát mới đây từ Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), 41,1% doanh nghiệp dự đoán ngành Du lịch chỉ có thể phục hồi từ đầu năm 2021.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn