Nữ khoa học gia 2 lần nhận giải Nobel

08:00 | 22/12/2015;
Marie Curie, nhà vật lý và hóa học nổi tiếng với công trình nghiên cứu về phóng xạ, là phụ nữ đầu tiên và duy nhất nhận giải thưởng Nobel cao quý ở hai lĩnh vực vật lý và hóa học.
Maria Sklodowska sinh ngày 7/11/1867 tại thủ đô Warsaw, Ba Lan, là con gái út trong một gia đình có 5 người con và có bố mẹ đều là giáo viên. Mẹ bà qua đời khi bà mới 11 tuổi. Khi còn nhỏ, Marie được đánh giá là một bé gái tò mò, sáng dạ và xuất sắc ở trường học.

Marie luôn giữ vị trí đứng đầu ở trường nhưng cô vẫn không được nhận vào Đại học Warsaw - ngôi trường chỉ dành cho nam sinh mà phải học ở "trường đại học chui" có các lớp bí mật dưới lòng đất.

Năm 1891, Marie đến Paris học Đại học Sorbonne. Hai năm sau, Marie nhận bằng thạc sĩ vật lý và tiếp tục hoàn thành chương trình hóa học. Cô được nhà vật lý học người Pháp Pierre Curie hỗ trợ trong quá trình thực tập và khoa học trở thành cây cầu nối bén duyên cho hai nhà nghiên cứu. Không lâu sau đó, Marie chấp thuận lời cầu hôn của Pierre và bắt đầu được gọi bằng tên Marie Curie. Họ có hai cô con gái.

 Chân dung Marie Curie, người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel. Ảnh: Wikicommons.

Không chỉ cống hiến và tận tâm cho nghiên cứu khoa học, Marie hay Pierre đều hết lòng vì người còn lại.

Marie tham gia nghiên cứu cùng Henri Becquerel, một nhà vật lý học người Pháp, và bắt đầu tự tiến hành các thí nghiệm riêng về tia urani. Bà phát hiện ra rằng, các tia sẽ không thay đổi bất kể điều kiện hay hình dạng của urani, và các tia này xuất phát từ cấu trúc nguyên tử của nguyên tố. Phát hiện mang tính đột phá ấy đã mở đường cho lĩnh vực vật lý nguyên tử, trong đó, Marie trở thành người đưa ra khái niệm phóng xạ để mô tả hiện tượng này.

Những năm sau, Pierre tạm gác công việc sang một bên và cùng hỗ trợ Marie trong các nghiên cứu về phóng xạ. Phân tích khoáng vật pitchblende, họ phát hiện một nguyên tố phóng xạ mới và đặt tên là polonium, theo tên quê hương Ba Lan của Marie, vào năm 1898. Nguyên tố còn lại được gọi là radium.

Năm 1902, Marie cùng chồng công bố kết quả lọc radium tinh khiết, đánh dấu sự tồn tại của nguyên tố quý này.

Marie Curie đi vào lịch sử khoa học thế giới vào năm 1903 khi trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel lĩnh vực vật lý.

Năm 1906, Pierre qua đời vì bị một chiếc xe ngựa kéo đè lên khi đang đi trên phố. Vượt qua nỗi đau mất mát, Marie bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại trường Sorbonne và trở thành nữ giáo sư đầu tiên của trường đại học này.

 Marie Curie cùng chồng Pierre Curie trong phòng nghiên cứu. Ảnh: Wikipedia.

8 năm sau, vinh dự tiếp tục đến với nhà nghiên cứu khi bà nhận được giải Nobel thứ hai, trở thành nhà khoa học đầu tiên nhận hai giải thưởng cao quý. Giải Nobel hóa học ghi nhận những khám phá của Marie trong việc tìm ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium.

Năm 1914, Thế chiến I bùng nổ. Marie dành thời gian, tâm sức và nghiên cứu để hỗ trợ lĩnh vực y tế, đồng thời vận động sử dụng dụng máy chụp X-quang di dộng để điều trị cho người bị thương. Trong hai năm 1921 và 1929, bà đến Mỹ để gây quỹ cho nghiên cứu radium và thành lập một viện nghiên cứu radium ở Warsaw.

Những năm tháng miệt mài làm việc và nghiên cứu với các chất phóng xạ có ảnh hưởng đến sức khỏe của Marie. Năm 1934, bà đến Viện điều dưỡng Sancellemoz ở Passy, Pháp để nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe. Bà qua đời ngày 4/7/1934, với chẩn đoán do thiếu máu không tái tạo, có thể ảnh hưởng từ việc tiếp xúc trong thời gian dài với bức xạ.

Năm 1995, tro xương của bà cùng chồng được đưa vào điện Panthéon ở Paris, nơi an nghỉ của của các vĩ nhân lịch sử và những người đã làm rạng danh cho nước Pháp. Marie trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất được an nghỉ tại đây.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn