"Với đặc thù riêng của sản phẩm pháo hoa có nhiều công đoạn là sản xuất thủ công, sản phẩm dễ cháy nổ nên các chặng và các công đoạn làm pháo hoa đều cần cẩn thận, tỉ mỉ và khéo léo từ đôi bàn tay của những người công nhân. Đặc biệt, nhiều chặng công nghệ chỉ nữ lính thợ mới đảm nhiệm được công việc này", chị Ngô Thị Thanh Hương chia sẻ.
Đối với chặng bồi quả, được ví như là chặng "make up" cho quả pháo hoa - những "bông hoa trời", nên rất cần sự khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì từ đôi bàn tay của các chị em công nhân. Thế nên ở Tổ Bồi quả, quân số nữ chiếm đến 90%.
Vào nghề từ năm 2002, đến nay chị Thanh Hương đã có hơn 20 năm gắn bó với phân xưởng. Cũng chừng ấy thời gian, chị không ngừng cống hiến, tận tụy và làm việc bằng cả sự đam mê với nghề.
"Nếu như ai cũng có cảm xúc khi ngắm pháo hoa thì chúng tôi, những người công nhân cũng có những cảm xúc diệu kỳ thi tham gia các công đoạn làm nên chúng", chị Thanh Hương giãi bày.
Sau hơn 20 năm gắn bó với nghề bằng tất cả tình yêu thương và niềm đam mê với pháo hoa, chị luôn tích cực tham gia sản xuất, chế thử sản phẩm mới cùng với nhóm nghiên cứu phát triển pháo hoa của Nhà máy. Từ những sản phẩm pháo hoa ban đầu còn đơn giản về hiệu ứng màu sắc, khuôn hình, nhóm nghiên cứu trong đơn vị đã đưa ra những sản phẩm mới với nhiều hiệu ứng đẹp hơn, mới hơn và khuôn hình đa dạng hơn. Những sản phẩm ấy vừa giữ được nét truyền thống vốn có của pháo hoa "Made in Vietnam" do Nhà máy Z121 sản xuất, vừa phù hợp với thị hiếu chung của người dân Việt Nam và vươn tầm ra một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ, chị Thanh Hương cho biết: "Vào thời điểm triển khai làm pháo hoa xuất khẩu đi Nhật Bản vào tháng 8/2017, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu thực hiện trong thời gian ngắn để đảm bảo tiến độ cấp hàng nên cả phân xưởng phải tổ chức tăng ca, thêm giờ. Tổ Bồi quả của chúng tôi đảm nhận ở chặng cuối nên khối lượng công việc dồn ép nhiều nhất. Được sự quan tâm, động viên của các cấp lãnh đạo cùng sự quyết tâm đồng lòng của công nhân toàn phân xưởng, cả tổ đã quyết tâm động viên nhau làm tăng ca thêm giờ trong hai ngày liên tục để hoàn thành sản phẩm kịp thời gian xuất hàng, kết quả lô sản phẩm đã hoàn thành đúng kế hoạch. Thời gian làm việc tuy gấp gáp, vất vả nhưng từ đó tôi lại thấy được sự đoàn kết, yêu thương, quyết tâm của chị em công nhân trong tổ nói riêng và của cả phân xưởng nói chung".
Trong quá trình làm việc, chị thường xuyên quan sát, tìm tòi, sáng tạo ra những cách làm việc hiệu quả và khoa học hơn, từ đó đưa ra những đề xuất cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần làm tăng năng suất lao động. Chị đã có những đề xuất cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất góp phần làm tăng năng suất lao động, tạo hiệu ứng đẹp cho sản phẩm như: "Thiết kế chế tạo bộ gá đột lỗ F3 xẻ rãnh cho sản phẩm cánh hoa xoay và vòng xoay hoa lửa", "Chế tạo mạch đồng loạt giàn phun viên thay thế cụm mạch cháy nhanh (dây cháy nhanh và ngòi phụ)"; thiết kế, chế tạo dưỡng ghép mạch giẻ quạt dùng cho một số chủng loại giàn pháo hoa mới…
Công việc của chị thường bắt đầu từ 7h30 sáng đến 16h30 chiều và có thể kéo dài hơn khi tự nguyện đăng ký tăng ca, thêm giờ để hoàn thành kế hoạch của tổ, của phân xưởng. Những ngày làm việc đều đặn ở phân xưởng mang lại cho chị niềm vui, hạnh phúc, chị cảm nhận điều đó ở bàn tay còn vương mùi thuốc pháo. Cảm nhận được niềm vui mỗi khi kế hoạch hoàn thành và cảm thấy hạnh phúc khi thấy sản phẩm pháo hoa do chính mình làm ra tỏa sáng trên bầu trời.
Chị Hương bộc bạch: "Công việc của những người công nhân sản xuất pháo hoa có sự nhọc nhằn, vất vả nhưng chứa đầy cảm xúc hạnh phúc".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn