Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Uỷ ban trẻ em tổ chức tại Hà Nội vào sáng 6/8, với hơn 18.000 đại biểu tại 700 điểm cầu trực tuyến từ cấp xã, huyện, tỉnh/thành phố trên cả nước các đã thảo luận về công tác bảo vệ trẻ em trong thời gian qua, cũng như đưa ra đề xuất về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng trong thời gian qua thì tình trạng buôn bán người, bạo lực và xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Những nơi được xem là an toàn cho trẻ như môi trường học đường cũng xảy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại tình dục. Nhiều trẻ em bị chính những người thân trong gia đình, hàng xóm quen biết xâm hại, bạo lực, nhiều vụ bạo lực gia đình diễn ra có tính chất hết sức nghiêm trọng nhưng đối tượng phạm tội chưa được xử lý.
Trong đó trẻ em là những nạn nhân trực tiếp và gián tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề, tác động lâu dài đến tâm sinh lý, sự phát triển nhân cách của các em và trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập hiện nay thì Việt Nam cũng đứng trước những nguy cơ và thách thức không nhỏ. Và trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là trách nhiệm không của riêng ai.
Tại hội nghị lần này, luật sư Trần Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TP HCM) cũng chia sẻ: Hiện nay, hệ thống pháp luật về xử lý tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn những bất cập, việc xử lý đối với những tội phạm này vẫn còn nhiều khó khăn khi đưa đối tượng ra truy tố, xét xử. Nhiều trường hợp bị hại là trẻ em bị cơ quan công an tiến hành lấy lời khai quá nhiều lần, trong khi đó các em còn nhỏ tuổi, thời điểm xảy ra khác nhau và trong thời gian dài nên không thể nhớ chính xác, thiếu nhất quán… từ đó cơ quan công an kết luận cho rằng lời khai của bị hại không có căn cứ để xử lý, dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, gây tổn thương tâm lý của các em.
Qua đó, luật sư Trần Ngọc Nữ đề xuất: Cần có quy định về việc lấy lời khai, cách thức lấy lời khai bị hại là trẻ em cần tránh trường hợp lấy lời khai quá nhiều lần với cùng một sự việc, cần nhanh chóng, dễ dàng hơn trong việc giám định để thu thập chứng cứ đối với các tội xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, cần có chế tài mạnh hơn, tăng nặng hình phạt đối với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em, riêng đối với tội dâm ô, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em mà có nhiều tình tiết tăng nặng và đặc biệt là hiếp dâm trẻ em thì cần bổ sung thêm hình phạt thiến hóa học, hoặc áp dụng việc gắn chíp điện tử, đeo vòng tay đối với tội phạm sau khi mãn hạn tù… qua đó, cũng dễ dàng hơn trong công tác quản lý, định vị tội phạm nhằm phòng ngừa, giúp người dân thận trọng hơn khi tiếp xúc vì trẻ em là đối tượng cần phải được bảo vệ.
Đại diện Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng cho rằng, cần đảm bảo nhu cầu vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ và giáo dục thể chất của trẻ em như: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong huy động nguồn lực để xây dụng, nâng cấp thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em ở cơ sở; Nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công tác văn hóa, xã hội tại các xã, phường; Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ em. Bên cạnh đó cũng cần xử lý nghiêm những hành vi bạo lực gia đình với trẻ em, xây dựng các mô hình, câu lạc bộ ở cơ sở về bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến việc bạo lực học đường diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tổn hại đến thể chất, tinh thần của học sinh và giáo viên như: Sự phát triển của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ về công nghệ thông tin mang theo những mặt trái tiêu cực đã tác động không nhỏ đến tâm lý, tình cảm của học sinh và cán bộ, nhà giáo. Ý thức sống và làm việc theo pháp luật của một số người dân chưa cao, ứng xử thiếu văn hóa.
Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành quy chế chưa thường xuyên, đầy đủ và kinh phí cho các hoạt động giáo dục của các nhà trường còn chưa đáp ứng yêu cầu, công tác giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật ở các trường học gặp nhiều khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị.
Qua đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề xuất với Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương triển khai tổng rà soát các cơ sở giáo dục và lên phương án lộ trình cho việc khắc phục những có sở giáo dục chưa đảm bảo quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Quan tâm, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đề án, chương trình xây dựng các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việc bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình.
Qua đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý khi mà hiện nay toàn quốc mới có 590/11.162 (khoảng 5% cấp xã bố trí).
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với Luật về trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Việc xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chính quyền... đừng để tình hình nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng cơ quan chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể thì chưa rõ.
Cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã như công an xã, Đoàn thanh niên xã, Hội LHPN xã, nhân viên y tế...
Bên cạnh đó, Ủy ban quốc gia về trẻ em định kỳ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình cùng các cấp chính quyền cần tạo lập cuộc sống an toàn, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.
“Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội. Chúng ta đau xót khi mỗi năm vẫn còn hàng nghìn trẻ em tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông hoặc bị bỏ rơi. Đừng coi vấn đề trẻ em là chuyện con nít", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chia sẻ tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, ngay sau Hội nghị này, cùng với Văn phòng Chính phủ sẽ dự thảo kết luận để triển khai đến các cấp các ngành và điều quan trọng hơn, hôm nay, tất cả các đại biểu tham dự, cũng như các cấp các ngành sẽ quán triệt sâu sắc hơn, đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em. Để làm sao trẻ em Việt Nam được sống một môi trường tốt nhất, để những gì tốt đẹp nhất là dành cho trẻ em.