Tại văn phòng Luật sư Phúc Thọ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Luật sư Bạch Tuyết Hoa chia sẻ: Hàng chục năm lăn lộn với nghề, dù có lúc thắng, có lúc thua theo Luật định, nhưng cũng là một người vợ, một người mẹ, dường như sự nhạy cảm của luật sư nữ càng khiến tôi day dứt, mất ăn mất ngủ sau mỗi phiên toà ly hôn. Hạnh phúc trong nghề ít lắm, đó là những lúc tôi may mắn hoà giải thành công, nối lại tình cảm cho một số đôi vợ chồng quay về với tổ ấm của mình.
Tuy vậy, nhiều khi tôi thấy buồn và tiếc cho những vụ mà lẽ ra có thể vẫn hàn gắn được nếu người vợ hoặc chồng tự biết điều chỉnh mình, biết sống vì nhau hơn, như vụ của vợ chồng anh Nguyễn Hoàng T. và chị Trần Thị Hồng A. (nhà ở Đội Cấn, Q.Ba Đình, Hà Nội). Cho đến nay, hồ sơ đã thụ lý hơn 2 năm mà chúng tôi vẫn chưa giải quyết được.
Luật sư Bạch Tuyết Hoa |
Vụ án này là do chị Hồng A. đơn phương đứng đơn ly hôn. Dù rất ngỡ ngàng biết vợ đòi ly dị, nhưng trong các phiên hoà giải, lần nào anh T. cũng có mặt đúng giờ và khẳng định không muốn ly hôn, vì vẫn còn yêu vợ con.
2 vợ chồng anh T. đều là công chức Nhà nước, công việc ổn định, 2 con cái ngoan, nhưng gia đình này vẫn bên bờ vực đổ vỡ. Nội dung đơn của chị Hồng A. rất chung chung, do chồng hay ghen tuông và ngược đãi vợ. Chị Hồng A. cho biết, có lần 2 vợ chồng lời qua tiếng lại, anh T. đã xé rách áo chị. Chị bỏ về nhà mẹ đẻ, sau đó chị đến Ngôi Nhà Bình Yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển ở vài tuần tạm lánh.
Trao đổi vấn đề này, theo anh T., gần đây thấy vợ ăn mặc hở hang, không giản dị như trước, không dành nhiều thời gian cho tổ ấm, nên anh có thắc mắc, nặng lời với vợ. Cứ ngỡ cô ấy chỉ giận chồng, bỏ về nhà ngoại, không ngờ cô ấy muốn bỏ luôn chồng con.
Luật sư Bạch Tuyết Hoa khẽ thở dài: Giá như anh T. biết kìm nén để không có hành động ngược đãi vợ. Giá như chị Hồng A. biết lắng nghe chồng, hiểu hơn tâm tư của chồng để cả hai cùng có thể giúp nhau điều chỉnh.
Giá như vợ chồng anh T. biết điều chỉnh bản thân và biết sống vì nhau hơn thì không có sự chia lìa đôi ngả (Ảnh minh họa) |
Nhiều vụ xử xong rồi, mà về nhà tôi không ăn nổi miếng cơm, cổ họng đắng ngắt. Tôi thấy hầu như vụ nào thì người vợ cũng nhận nuôi con và được toà chấp nhận. Tuy nhiên, việc đi bước nữa của họ sẽ là rất khó. Người đàn ông chưa có vợ hoặc đã lỡ 1 lần hôn nhân cũng ít khi lựa chọn người phụ nữ đã bỏ chồng mà đang nuôi con.
Còn về tài sản, phụ nữ lại càng bị thiệt thòi. Khi con gái đã đi lấy chồng, nghĩa là nhà đẻ coi như “xuất giá tòng phu”, tài sản của nhà đẻ thường dành cho con trai hết. 10 năm hay 20 năm sau, không may con gái có trục trặc, ly hôn muốn quay về với nhà đẻ, thì không còn tài sản gì dành cho mình. Họ phải thuê trọ, tá túc nhờ họ hàng, thậm chí có chị bơ vơ, không nơi nương tựa.
Trong cả Luật Hôn nhân & Gia đình và Luật dân sự đều quy định khi ly hôn, tài sản chung vợ chồng sẽ phải chia đôi, có tính đến công sức đóng góp, nhưng trong luật lại yêu cầu phải có bằng chứng rõ ràng. Vậy để có chứng cứ, như vợ chồng anh T. và chị Hồng A. ở trên, họ mua sắm rất nhiều nhà cửa, đất đai, vật dụng trong nhà, nhưng chị A. không giữ hoá đơn nào, anh T. không hợp tác để cán bộ toà đến định giá tài sản chia cho chị A. Toà cũng không có quyền cưỡng chế vấn đề này.
Tôi chỉ mong tới đây điều luật được sửa đổi để đảm bảo được quyền lợi tối ưu nhất cho phụ nữ và trẻ em sau khi gia đình đổ vỡ - Luật sư Bạch Tuyết Hoa chia sẻ.