Nữ nhà văn đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học

14:59 | 25/03/2017;
Selma Lagerlof là nhà văn Thụy Điển đầu tiên đoạt giải Nobel văn học năm 1909 và là nữ văn sĩ đầu tiên trên thế giới được nhận giải thưởng danh giá này.

Selma Lagerlof tên thật là Selma Ottiliana Lovisa Lagerlof, sinh ngày 20/11/1858 tại Marbacka, một làng nhỏ thuộc quận Ostra Amtervik, tỉnh Varmland, Thụy Điển. Tại đây, ngôi nhà thấp kiểu cổ là tuổi thơ của Selma là nơi thấm vào bà tình yêu thiên nhiên, thơ ca, âm nhạc, và nhất là tình yêu những câu chuyện cổ dân gian.

2.PNG
 Chân dung Selma Lagerlof thời trẻ.

Khi mới chỉ được 3 tuổi rưỡi, cô bé Selma đã bị bệnh đau nhức nặng ở cẳng chân. Chứng đau nhức này đã đeo đuổi Selma suốt cuộc đời. Cũng chính vì căn bệnh này mà cô bé đã trở thành chậm chạp không thể nhanh nhẹn như những đứa trẻ đồng tuổi khác. Tuy nhiên, bù lại, mỗi tối, bên ánh lửa gia đình, cô bé lại thường xuyên được ngồi bên cạnh bà nội để nghe kể lại những câu chuyện thần kỳ về ngôi làng cổ theo truyền thuyết trong vùng Varmland. Theo lời Selma, những câu chuyện cổ ấy là những người bạn cố tri thân yêu thời xưa, đã đem đến cho kẻ cô độc những hình ảnh đầu tiên của một cuộc đời phiêu lưu.

Lúc được 7 tuổi, sau khi đọc một quyển sách, cô bé Selma rất thích thú được trở thành một nữ văn sĩ. Năm lên 10, Selma đã đọc thông suốt được từ đầu đến cuối quyển thánh kinh và vào năm 12 tuổi, cô bé sáng tác bài thơ đầu tiên nói về Marbacka.

1.jpg
 Tuy bị căn bệnh ở chân từ nhỏ nhưng bà rất nỗ lực để trở thành một nhà văn nổi tiếng.

Năm 1882, bà học đại học Sư phạm nữ Hoàng gia tại thủ đô Stockholm. Năm 1885, cha bà qua đời và sản địa phải bắt buộc phải bán vì túng thiếu. Năm 1887 Selma tốt nghiệp Đại học Sư phạm nữ Hoàng gia và đi dạy ở một trường trung học ở Landskrona trên một cảng nằm ở bờ biển phía nam Thụy Điển. Tại đây, bà bắt đầu viết tiểu thuyết đầu tay Gosta Berlings (Truyền thuyết về Gosta Berlings, 1891). Tại Thụy Điển, quê hương của Selma Lagerlof, tác phẩm không được chú ý, phải đợi đến lúc một tờ nhật báo Đan Mạch trao tặng giải thưởng và giới phê bình văn học nước này đề cập thì tên tuổi của Selma mới được biết đến. Thành công của cuốn sách đã khích lệ bà dành trọn đời mình cho sự nghiệp sáng tác văn chương. Từ đó Selma chuyên tâm vào sự nghiệp sáng tác.

Từ giữa những năm 1890, Selma Lagerlof đi du lịch qua Ý và viết tác phẩm Những phép lạ của tên nghịch Chúa. Vào mùa đông năm 1899-1900, sau chuyến đi tại Ai Cập và Palestine, Selma đã viết tác phẩm đỉnh cao của mình là tiểu thuyết Jerusalem (1901), kể lại lịch sử một gia đình người Thụy Điển di cư đến vùng thánh địa. Đây cũng là một trong những thành công đầu tiên của Selma Lagerlof.

Năm 1906, bà xuất bản cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Cuộc phiêu lưu kì diệu của Nils Holgersson được cả thế giới, đặc biệt các em nhỏ yêu thích. Đây là một trong những cuốn truyện viết cho trẻ em được phổ biến nhiều nhất trên thế giới được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau. Nhà văn Nhật Bản Oe Kenzaburo khi đến Thụy Điển để nhận giải Nobel Văn học vào năm 1994, đã nói : Khi tôi còn nhỏ, tôi đã đọc rất nhiều lần quyển truyện này và có lẽ nhờ đó mà tôi biết đến đất nước Thụy Điển.

tc-phm-cuc-phiu-lu-k-diu-ca-nils.jpg
Cuộc phiêu lưu kì diệu của Nils Holgersson là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà. 

Năm 1909, Selma Lagerlof trở thành nữ nhà văn đầu tiên được trao giải Nobel Văn học.

Thời gian sau đó, bà viết Ngôi nhà của Liliecruna (1911), Người đánh xe bò của Thần Chết (1912), Hoàng đế Bồ Đào Nha (1914), Người đi đầy (1918) - một bản cáo trạng lên án chiến tranh. Năm 60, tuổi bà viết tác phẩm Morbacka, cuốn tự truyện lấy tên trang trại của mình… Danh mục các tác phẩm nổi tiếng của Selma còn tiếp nối cho đến những năm cuối đời. Quyển sách cuối cùng của bà là Host - Harvest xuất bản năm 1933.  Có thể nói cuộc đời của Selma Lagerlof chứa đựng một sức sáng tạo khổng lồ.

4.jpg
 Bà là nhà văn nữ đầu tiên được nhận giải Nobel Văn học năm 1909.

Ngày 16/10/1940, bà qua đời tại nhà riêng khi chiến tranh thế giới thứ 2 lan đến Bắc Âu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn