Từ cảm hứng của “King Lear” (Vua Lear), vở bi kịch của Shakespeare kể về sự sụp đổ và số phận bi thảm của một vị vua, một triều đại khi chia quyền cai trị vương quốc của mình cho những cô con gái khéo nịnh và tham lam, Preti Taneja viết câu chuyện của mình dựa trên bối cảnh của thời đại mới. Ở đó người đọc thấy được sự khốc liệt của thế giới kim tiền, nơi tình máu mủ, ruột thịt trở nên vô nghĩa.
Trước khi nổi danh với tiểu thuyết “We that are young” (Tạm dịch: Chúng ta còn trẻ) và giải thưởng Desmond Elliott, Preti Taneja dù theo đuổi nghiệp báo nhưng vẫn không ngừng day dứt với văn chương. Năm Preti Taneja 28 tuổi, mẹ bà qua đời vì căn bệnh ung thư. Cùng với gia đình, nữ nhà văn đã ở bên cạnh chăm sóc người mẹ của mình suốt 8 năm. Cũng từ đó, trong bà hình thành ý tưởng làm những việc thật ý nghĩa để ghi nhớ công ơn sinh thành của người mẹ.
Bên cạnh hoạt động nhân quyền, Preti Taneja còn thực hiện mơ ước của đời mình đó là viết tiểu thuyết. Nữ nhà văn đã âm thầm ghi danh vào một lớp học viết sáng tạo ban đêm ở ngoại thành. Mấy tháng sau, Preti Taneja tới Delhi để bắt đầu viết “We that are young”. Đây cũng là khoảng thời gian Preti Taneja có cơ hội khám phá thành phố quê hương và ghi chép lại nhịp sống của Ấn Độ từ các tài liệu, báo chí để làm chất liệu cho tiểu thuyết của mình.
Cuối năm 2012, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, nữ nhà văn hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay. Nhưng sau đó phải mất tới 4 năm để Preti Taneja chỉnh sửa bản thảo và chật vật tìm “bà đỡ” cho tác phẩm của mình trước khi Galley Begga nhận lời xuất bản. Suốt một thời gian dài, nữ nhà văn gốc Ấn từng nếm trải cay đắng khi nhiều nhà xuất bản từ chối in “We that are young”. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng tác phẩm khó trở thành một hiện tượng thương mại.
Nữ nhà văn đã dành tới 7 năm để viết tác phẩm soi rọi góc tối vào các đế chế gia tộc làm kinh doanh ở Ấn Độ. Ở đó kể cả những nhân vật quyền lực nhất cũng phải hứng chịu bi kịch từ những đứa con lớn lên trong sự dư thừa vật chất. Là một người Ấn lớn lên tại nước Anh, Preti Taneja cảm nhận một cách tinh tế sự phân biệt màu da và chủng tộc vẫn còn tồn tại trong xã hội người da trắng tư sản.
Bà từng nói rằng “Tôi không thuộc về Tổ quốc nào” với ý nghĩa rằng bản thân không bị bó buộc trong bất cứ một phạm vi lãnh thổ mà bà sẽ sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu, viết về bất cứ xứ sở nào, miễn sao cảm thấy thoải mái. Nữ nhà văn đã luôn nỗ lực hết mình để chứng tỏ khả năng của mình. Trí tưởng tượng phong phú đã thôi thúc Preti Taneja khiến bà từ niềm cảm thấu với các vở kịch của Shakespeare, liên tưởng tới chế độ gia trưởng, phân vùng của một vương quốc, ý tưởng đầu tiên để xây dựng tiểu thuyết “We that are young”.
Với “We that are young”, Preti Taneja gần như thách thức chế độ nam quyền vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ, nơi người phụ nữ chỉ có thể có được một vị trí trong gia đình thay vì mở rộng tầm ảnh hưởng ra xã hội. Trong khi đó, người đàn ông đương nhiên trở thành người thừa kế, được hưởng nhiều đặc quyền, tự do, chính trị. Luôn mang trong mình tâm thức của người dân thuộc địa, nữ nhà văn gốc Ấn tự nhận ngôn ngữ thân mật của bà là tiếng mẹ đẻ Hindi, còn ngôn ngữ trí tuệ là tiếng Anh.
Là một người viết, Preti Taneja cũng thể hiện sức đọc hơn người khi nghiền ngẫm hầu hết tác phẩm của các đồng nghiệp đang nổi ở khu vực Nam Á. Không ngủ quên trên chiến thắng, Preti Taneja là người đặc biệt tỉnh táo trước những lời khen tặng dành cho “We that are young”. Bà cho rằng không nên chìm đắm vào những lời khen vì hầu hết chúng đều tôn cao tên tuổi người khen hơn là tác phẩm.
Vào đêm nhận giải Desmond Elliott, Preti Taneja đã nhận nhiều lời khen tặng cho cuốn sách đầu tay, một dấu ấn để mở ra hành trình sáng tạo tiếp theo. Nữ nhà văn đã khẳng định giải thưởng có ý nghĩa rất lớn với bản thân bà.
* Preti Taneja, nữ nhà văn gốc Ấn, sinh trưởng tại nước Anh vừa nhận giải văn chương Desmond Elliott tại Anh cho cuốn tiểu thuyết đầu tay “We that are young”. Tác phẩm khắc hoạ xã hội Ấn Độ từ góc độ văn học và sử thi, phơi bày những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân lên kinh tế, chính trị, xã hội. * Giải Desmond Elliott thành lập năm 2008, được trao cho các tác phẩm văn học xuất sắc sáng tác bằng tiếng Anh và xuất bản tại Vương quốc Anh. Người đoạt giải sẽ nhận 10.000 bảng Anh (khoảng 300 triệu đồng Việt Nam).
|