Nữ nông dân thu tiền tỷ từ đông trùng hạ thảo

21:54 | 11/09/2022;
Đánh đổi cả tiền bạc, mồ hôi và nước mắt để nuôi cấy đông trùng hạ thảo, chị Nguyễn Thị Hồng (Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc) trở thành 1 trong 9 nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, có doanh thu khủng nhất - trên 40 tỷ đồng/năm.

Sinh năm 1980, trong một gia đình làm nông tại vùng ngoại thành Hà Nội, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Hồng đã say mê với nông nghiệp và luôn khát khao đưa công nghệ vào nông nghiệp. Năm 2003, tình cờ biết đến đông trùng hạ thảo, ngay lập tức chị cảm thấy hứng thú và nảy ra ý tưởng nghiên cứu về đông trùng hạ thảo. Ý tưởng ấy theo đuổi chị nhiều năm tiếp theo, chị dành 6 năm để nghiên cứu và chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng để bắt tay vào dự án nuôi cấy đông trùng hạ thảo.

Mời bạn cùng nghe chị Nguyễn Thị Hồng chia sẻ hành trình khởi nghiệp, trở thành 1 trong 9 nữ Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 của mình:

+ Chuẩn bị hành trang khởi nghiệp nuôi cấy đông trùng hạ thảo ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, khởi đầu có thuận lợi như đúng kế hoạch của chị?

Những năm đầu 2009 – 2010 khi mới bắt tay nghiên cứu nuôi cấy, tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Tất cả từ công nghệ, nguồn giống, quy trình đều phải tự mày mò, học hỏi.

Nữ nông dân thu tiền tỷ từ đông trùng hạ thảo - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Hồng dành thời gian và tâm huyết để nghiên cứu về đông trùng hạ thảo

Thời điểm đó, mua giống đông trùng rất khó. Tôi phải nhờ bạn bè mua giống từ Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng không được. Sau đó, tôi tự sang Tây Tạng (Trung Quốc) để mua giống cũng như học hỏi thực tế về công nghệ. Nhớ lại những ngày đó thật vất vả. Ngôn ngữ thì bất đồng, chi phí nhiều, nên tôi phải tiết kiệm mọi chi phí ăn, ở để dành tiền học. Nhưng chuyến đi không như mong muốn. Người ta chỉ bán giống cho mình, còn bí quyết nuôi, cấy đông trùng họ giấu kín, không chuyển giao. Mình phải tự tìm hiểu, tự nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lúc đầu, hàm lượng hoạt chất sinh học cordycepin - là chất quan trọng nhất của đông trùng hạ thảo của chúng tôi chỉ đạt có 0,37mg/g. Năm 2011 được sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, chúng tôi đã nâng hàm lượng hoạt chất quý này lên 3,7mg/g, gấp 10 lần so thời điểm khởi nghiệp. Hiện tại, chúng tôi đã chủ động được nguồn giống đông trùng hạ thảo là giống bản địa được lấy ở Hoàng Liên Sơn, trên đỉnh Fansipan, hàm lượng hoạt chất cordycepin trong đông trùng thành phẩm lên đến 10mg/g, gấp gần 30 lần so với thời điểm ban đầu khởi nghiệp. Để thu được hoạt chất quý trong đông trùng hạ thảo càng cao, thì càng cần đầu tư về công nghệ, trí tuệ, giống...

+ Nhìn lại chặng đường đã qua, đâu là con sóng mạnh nhất chị phải đối diện?

Sóng gió nhất của tôi có lẽ là quãng thời gian 2 năm 2012-2013. Đó là thời điểm tôi thử nghiệm nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo và nhận được phản hồi tích cực từ người dùng. Tôi mạnh dạn vay vốn thành lập công ty, đưa đông trùng hạ thảo vào sản xuất đại trà.
Tuy nhiên, quá trình triển khai nuôi cấy trên quy mô lớn đã không hề dễ dàng như tôi tưởng tượng, quy mô nhỏ 500 lọ/mẻ khác với quy mô 5.000 mẻ/lọ. Đông trùng bị thoái hoá theo từng giờ chứ không phải theo từng ngày nữa. Có thời điểm cả vạn lọ đông trùng hạ thảo bị hỏng, thiệt hại cả tỷ đồng. Tất cả những sai lầm chúng tôi đã phải trả giá bằng rất nhiều tiền. Không biết bao nhiêu tiền của, mồ hôi, nước mắt theo đó mà đi.

Nữ nông dân thu tiền tỷ từ đông trùng hạ thảo - Ảnh 2.

Nuôi đông trùng hạ thảo cần có các tiêu chuẩn khắt khe về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm...

Áp lực đến từ sản xuất, từ chính khách hàng. Thiếu thốn tài chính, tôi phải bán cả mảnh đất dự định dùng để xây tổ ấm để lấy tiền mua giống nấm, đầu tư công nghệ và vào trong làng mở xưởng. Đau đớn nhất là năm 2013, đến ngày đi sinh cháu thứ 3, vợ chồng tôi không một xu dính túi, phải cắm chiếc xe máy để lấy tiền sinh con.

+ Trong những lúc khó khăn như vậy, có lúc nào chị nghĩ sẽ từ bỏ?

Có những đêm âm thầm ngồi khóc, nhìn những giá thể đông trùng hạ thảo ngổn ngang lại thấy nản lòng… Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ tình yêu với đông trùng hạ thảo. Tôi nghĩ: Chỉ có nuôi cấy thành công loài nấm này mới có thể trả được món nợ hàng tỷ đồng đã vay mượn đầu tư vào đây.

Bằng mọi cách tôi tìm ra nguyên nhân khiến nấm chết, làm đi làm lại nhiều lần. Tìm ra nguyên nhân, tôi rút kinh nghiệm và khắc phục, chỉnh lại các thông số nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp. Sau bao nhiêu mong mỏi, thành công cũng đã đến.

+ Và chị đã trở thành nông dân tỷ phú như vậy?

Không đơn giản vậy đâu. Hai năm đầu tiên nuôi cấy đông trùng hạ thảo, tôi chỉ mang đi cho, biếu tặng, chứ không bán được một sản phẩm nào. Lúc đầu, mọi người còn chưa biết đến hiệu quả, nhưng khi dùng thấy tốt, thấy hiệu quả rồi thì người nọ truyền tai giới thiệu người kia. Khi được khách hàng tin tưởng tôi càng chuyên tâm hơn với đông trùng hạ thảo.

Nữ nông dân thu tiền tỷ từ đông trùng hạ thảo - Ảnh 3.

Sản phẩm được bán dạng tươi, khô và sản phẩm được chiết xuất dạng viên đóng hộp

Đến nay, tôi đã cùng đồng nghiệp đẩy mạnh việc nhân nuôi sản phẩm, mở rộng 2 cơ sở nuôi cấy trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội) và thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng diện tích 15.000m2; đồng thời phát triển các điểm trưng bày và 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Ngoài sản phẩm đông trùng hạ thảo tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, dưới dạng tươi, khô và sản phẩm được chiết xuất dạng viên đóng hộp, chúng tôi còn cung cấp phôi giống cho các cơ sở vệ tinh.

+ Trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Doanh nghiệp của chị bước qua vòng xoáy bằng cách nào?

Đại dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn chung cho tất cả các đơn vị, chúng tôi cũng không ngoại lệ, dù là sản xuất, kinh doanh đông trùng hạ thảo. Hai tháng Hà Nội giãn cách xã hội, công ty chúng tôi bố trí công nhân "3 tại chỗ" để đảm bảo hoạt động sản xuất ở cơ sở nuôi cấy đông trùng. Một điều may mắn hơn các ngành nghề khác, đó là chúng tôi vẫn tiêu thụ sản phẩm tốt, nhiều khách hàng mua đông trồng hạ thảo để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Chúng tôi cũng mở kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo… luôn đầy ắp hàng hóa của Công ty. Sản phẩm đăng tải trên các sàn thương mại này bán rất chạy. Thời buổi công nghệ mình phải thay đổi. Cứ cố gắng làm, cố gắng nghiên cứu khoa học thì kiểu gì cũng tới đích.

Xin cảm ơn và chúc chị tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công!

Chị Nguyễn Thị Hồng hiện là Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc với hai cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo, tại xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai (Hà Nội) và ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Mô hình của chị tạo công ăn việc làm cho 98 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân của người lao động: 7 triệu đồng/tháng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn