Đã ở vào độ tuổi trên 70 nhưng “cô hàng giải khát” - nghệ danh một thời của NSND duy nhất của ngành xiếc Nguyễn Thị Tâm Chính vẫn cháy bỏng niềm đam mê nghệ thuật xiếc. Và có lẽ ít người biết, xiếc còn là sợi dây gắn kết bền chặt mối tình giữa bà và chồng - nghệ sĩ Lê Thể suốt nửa thế kỷ qua.
Sinh ra ở một làng quê nghèo tỉnh Thanh Hóa, NSND Tâm Chính khi còn là cô gái tuổi 15, chưa biết đến xiếc, gia đình không có truyền thống theo nghề, chỉ biết đến việc sáng ra đồng, tối về nhà. Có lẽ là nghề đã chọn NSND Tâm Chính, bởi cô gái thôn quê ấy đâu biết các động tác uốn dẻo, chưa một lần nghĩ mình sẽ rời khỏi công việc đồng áng của gia đình. Nhưng cuộc sống là vậy, có những mối duyên định sẵn, có những nghề nghiệp không do mình lựa chọn, mà đó có thể là cơ may, là một sự sắp xếp tài tình của số phận.
Bước sang tuổi 16, lần đầu tiên cô gái đồng quê Tâm Chính đạp xe cùng bạn bè đi từ quê lên tỉnh để xem biểu diễn xiếc, ai nghĩ rằng, sau buổi biểu diễn đó là ngày hội tuyển diễn viên xiếc. Do nhìn thấy được ánh mắt chăm chú của cô gái Tâm Chính, do nhìn thấy được sự say đắm giành cho các tiết mục trên sân khấu, nên dù chưa có nhiều thể hiện trong buổi thử vai, Tâm Chính vẫn dành được một vé tuổi thơ cho đam mê xiếc của mình. Sau này, NSND Tâm Chính vẫn bồi hồi nhớ lại: “Lần đầu tiên được xem biểu diễn xiếc ở tỉnh, tôi chăm chú, hồi hộp, đến khi kết thúc buổi, có một người đến vỗ vai tôi và hỏi xem tôi có muốn thử sức không, tôi nói có, và lần đầu tiên tôi mặc quần áo bó sát người, thể hiện một vài động tác theo yêu cầu, và trả lời phỏng vấn, tôi nhớ lúc đó tôi có trả lời là cháu không biết uốn dẻo, cháu chỉ biết làm ruộng thôi. Nhưng người đó đã vỗ vai tôi nói là cháu cứ về đi, có thông tin gì chúng tôi sẽ báo. Và khi về tôi hồi hộp chờ đợi, một tuần không thấy, mười ngày không thấy, một tháng cũng không thấy thông tin, tôi nghĩ là không được, bỗng một ngày chú đó về quê mang theo giấy báo cho tôi học ở rạp xiếc, tôi gánh hai gánh lúa nặng chạy băng băng từ đồng về nhà, và cảm giác đó vẫn còn nguyên vẹn”.
Cuộc đời của mỗi người đều có những lần thay đổi định mệnh, và rời quê hương, đi với xiếc là quyết định đầy táo bạo và quyết tâm của cô gái trẻ. Dẫu vậy, gắn bó với một nghề đòi hỏi tố chất và khổ luyện như xiếc không phải là điều đơn giản. NSND Tâm Chính từng tâm sự, những khó khăn, vất vả đã khiến có lúc bà định bỏ cuộc để… về làm ruộng theo lời khuyên của mẹ. Thế nhưng, những lời động viên của thầy Duy Hiển đã khiến bà quyết tâm theo nghề.
Ngày ấy, các tiết mục diễn xiếc vẫn còn khá đơn điệu, chủ yếu chỉ tập trung vào kỹ thuật mà chưa thực sự tạo nên nội dung của những buổi diễn. Tâm Chính bắt đầu bằng kỹ thuật đi thăng bằng trên con lăn rồi tiếp tục chồng thêm những hàng ly thuỷ tinh lên. Lúc đầu tập với ly thuỷ tinh, Tâm Chính bị ngã liên tục. Có những hôm tập với tiết mục này, trượt chân, ly vỡ, Tâm Chính bị lao vào đống đổ vỡ và úp mặt xuống sàn, máu chảy đầm đìa.
Bà bảo: “Không ngã, không phải là nghệ sĩ xiếc!”. Năm 1963, sau một thời gian biểu diễn, thấy tiết mục con lăn đơn điệu, bà đã cải biên cho ra đời tiết mục “cô hàng giải khát”. Và biệt danh “Cô hàng giải khát” đã gắn bó với NSND Tâm Chính những năm 1960, 1970. Cái tên Tâm Chính bắt đầu được biết đến như một tài năng mới xuất hiện của nghệ thuật xiếc.
Gần nửa cuộc đời nhưng đến nay, NSND Tâm Chính vẫn còn nhớ như in ấn tượng, niềm tự hào về những lần biểu diễn phục vụ vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bà nói, ngày đó cứ mỗi khi tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm là Bác lại gọi Đoàn vào biểu diễn. Lần đầu tiên được biểu diễn cho Bác xem, bà mừng khôn xiết. Đêm hôm ấy, Tâm Chính về phòng và viết ngay một bức thư về quê: “Thầy ơi, mẹ ơi! Thế là con đã được gặp Bác rồi. Con đã được gặp Người bằng xương, bằng thịt...”.
Có lần, vừa nhìn thấy Tâm Chính, Bác đã cười: “A, cô hàng giải khát đây rồi! Cho Bác xin một cốc nước nào”. Bà vẫn nhớ mãi lời Bác dặn: “Cháu phải cố gắng truyền lại tiết mục của mình cho nhiều người khác cùng diễn nhé”. Sau mỗi lần biểu diễn, Bác lại góp ý cho các tiết mục xiếc chỗ này hay, chỗ này chưa hay để bà cùng các nghệ sĩ hoàn thiện hơn. Từ năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc ngày càng ác liệt. Tâm Chính cùng đoàn vượt đèo lội suối đặt chân đến khắp mọi miền phía Bắc của Tổ quốc để biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ…
Là một nhà quản lý với những lo toan bộn bề khó khăn của ngành xiếc nhưng Tâm Chính vẫn là người vợ thảo, mẹ hiền trong gia đình. “Thành công được như ngày hôm này là nhờ tôi có được người chồng biết chia sẻ không chỉ trong công việc mà còn cả việc nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình. Tôi may mắn được thành đạt toàn vẹn cả công việc lẫn trong đời sống gia đình” - NS Tâm Chính từng chia sẻ.
Mối tình của vợ chồng NSND Tâm Chính có lẽ cũng đặc biệt chông gai chẳng khác gì việc bà theo đuổi nghề xiếc. Năm 18 tuổi, nghệ sĩ Lê Thể là người Thái gốc Việt về thăm quê hương để mở hiệu ảnh. Nhưng tình cờ, ông được tuyển vào ngành xiếc nhờ có thể lực tốt. Những ngày tháng cùng nhau luyện tập, trải qua nhiều gian khổ đã khiến hai người dần yêu thương nhau. Ngày ấy, những bức thư tình thường được hai người giấu kỹ dưới đáy cặp lồng để trao đổi, rồi lén lút đọc.
Để chứng minh tình yêu chân thành, NS Lê Thể đã hạ quyết tâm tập bằng được tiết mục thăng bằng trên con lăn… để cưới được vợ. Hai người đã cùng nhau ra sức khổ luyện vất vả để cho ra mắt tiết mục NS Lê Thể đứng trên con lăn đánh đàn măng-đô-luyn, còn trên đầu đặt một chiếc ghế cho Tâm Chính ngồi thổi sáo. Sau khi tiết mục thành công vang dội, hai người đã tổ chức đám cưới vào năm 1970.
Năm 1987, khi Tâm Chính lên chức Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, NS Lê Thể đã quyết định lùi về để chăm lo gia đình, nuôi dạy các con cho vợ có thể toàn tâm theo đuổi đam mê. Cả gia đình bà từ con trai, con dâu, con gái, con rể đều là diễn viên xiếc nổi tiếng.
NSND Tâm Chính đã mang về cho nước nhà nhiều bộ huy chương danh giá. Bà cũng là nữ giám đốc đầu tiên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam từ năm 1987 - 2004. Bà được trao tặng danh hiệu NSND năm 1997.