Sau các bà Hồ Thể Lan, Phan Thúy Thanh và Nguyễn Phương Nga, nữ phát ngôn viên thứ tư của Bộ Ngoại giao là chị Lê Thị Thu Hằng (SN 1972). Bén duyên với ngành ngoại giao từ năm 1996, chị từng là tùy viên tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Tham tán Công sứ - người đứng thứ hai của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và Bắc Ireland.
Tháng 4/2017, chị được bổ nhiệm làm Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, thay ông Lê Hải Bình. Làm việc với chị, các phóng viên đều ấn tượng vì nữ phát ngôn viên là người gần gũi báo chí với phong thái nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Theo chị Thu Hằng, Người phát ngôn bày tỏ quan điểm lập trường, truyền đạt các thông điệp nên chuyện lúc rắn lúc mềm là đương nhiên. Liên quan đến vấn đề chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ có thể nói đây là điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm và không gì đánh đổi được. Thông điệp của chúng ta là yêu chuộng hòa bình nhưng kiên quyết kiên trì bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình. Một trong những quan tâm lớn của dư luận hiện nay cũng chính là vấn đề này.
Ngoài ra, vấn đề bảo hộ công dân cũng được xã hội quan tâm nhiều hơn về những vụ việc phức tạp như người Việt gặp nạn ở nước ngoài, là nạn nhân của khủng bố, cướp biển... Trong quá trình thực hiện công tác bảo hộ công dân luôn có sức ép đến từ nhu cầu thông tin. Trong quá trình triển khai bảo vệ công dân, có nhiều trường hợp phải giữ bí mật thông tin hoặc không phải lúc nào công dân của ta cũng đúng. Cũng có trường hợp xảy ra xung đột pháp luật mà cần phải giải quyết khéo léo với mục đích là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ta, đảm bảo triển khai bảo hộ công dân hiệu quả.
Chị Thu Hằng cũng cho biết, có thể với nhiều người, nghề ngoại giao có vẻ quý tộc khi đi đối ngoại đến cung điện, phủ Tổng thống, đi trình quốc thư có khi được đi bằng xe song mã, tứ mã, dự yến tiệc. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi vì nhiều nhà ngoại giao làm công tác biên giới lãnh thổ phải trèo đèo lội suối đi phân giới cắm mốc. Những người làm công tác đàm phán phải thâu đêm suốt sáng với những giằng co rất khó khăn. Làm công tác bảo hộ công dân có lúc đối mặt với nguy hiểm tính mạng khi đi cứu trợ công dân trong thiên tai hay công dân bị bắt giữ làm con tin.
Do đó, để làm ngoại giao, cái cần hơn hết là sự đam mê với nghề nghiệp, yêu nghề mới vượt qua khó khăn vất vả, có khó khăn mới có vinh quang. Không có vinh quang nào mà không có lao động, không có con đường nào trải toàn hoa hồng. Để trở thành một nhà ngoại giao thành công, phải có một niềm đam mê thật sự.
Nhiều khán giả nghĩ người phát ngôn như máy nói. Thế nhưng, thực tế đằng sau mỗi cuộc họp báo là một khối lượng công việc rất lớn, đó không chỉ là công việc của một nhóm người mà còn là sự phối hợp giữa Vụ Báo chí với các vụ khác trong Bộ Ngoại giao, kể cả phối hợp với các bộ ngành khác, phối hợp từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, để có cuộc họp báo nhiều khi chỉ diễn ra 30 phút nhưng là sự chuẩn bị rất dày công của nhiều người. Để có được những cuộc họp hiệu quả và tránh những tình huống bất ngờ cần có sự chuẩn bị - đó là quá trình theo dõi thông tin, dự đoán quan tâm của dư luận từ đấy mình cần phải biết sẽ giải tỏa dư luận như thế nào, đưa ra thông điệp làm sao...
Tuy nhiên, trong cuộc họp cũng sẽ có những câu hỏi mình chưa chuẩn bị trước. Với những câu hỏi như vậy đòi hỏi người phát ngôn phải có kiến thức và phải luôn theo dõi tin tức, cập nhật tình hình bám sát định hướng, nắm được lập trường cơ bản để phản ứng kịp thời và nguyên tắc quan trọng đã phát ngôn là phải chính xác, nếu không đúng thì ít nhất không được sai.
“Có những chuyến công tác phải bay 40 tiếng đồng hồ từ Việt Nam qua châu Âu, sang Nam Mỹ không nghỉ ngơi, không ngả lưng. Có những nơi tôi đến có khi chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ lại phải rời đi. Có những chuyến đi, bạn cảm giác như không thể ăn được bất cứ thứ gì ngoài mì tôm và có những chuyến đi khi bạn về đến sân bay Nội Bài, việc đầu tiên là phải lao vào gửi tin bài chứ chưa thể lấy hành lý. Điều này không phải riêng với tôi mà với phần lớn phóng viên đối ngoại là như vậy”, chị Thu Hằng kể.
Cân bằng cuộc sống, quẳng gánh lo để vui sống
Dù bận rộn nhưng ở nữ phát ngôn luôn toát lên nguồn năng lượng trẻ, nhiệt huyết, trách nhiệm và phong thái bản lĩnh, sắc sảo. Khi nhiều người thắc mắc một Lê Thị Thu Hằng ngoài đời và một Người phát ngôn Bộ Ngoại giao có khác nhau nhiều không, chị Thu Hằng mỉm cười chia sẻ: “Tôi cũng là một người như mọi người thôi, cũng thích ăn ngon, mặc quần áo đẹp, cũng thích có nhiều thời gian để thư giãn vui chơi. Khi rời khỏi bục phát ngôn xuống nói chuyện bình thường với anh chị em báo chí tôi đã thấy khác rồi. Trên bục phát ngôn, mình phải thể hiện đúng tính chất công việc còn trong cuộc sống tôi cho rằng điều rất quan trọng là ngoài giỏi về chuyên môn, phải biết cân bằng cuộc sống và chăm sóc bản thân. Bạn phải biết lúc nào làm việc và lúc nào dành thời gian cho mình, đi xem phim, đi thư giãn, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt khi giao lưu với bạn bè mình được trở về với chính mình, quẳng hết gánh lo đi và vui với bạn bè, điều đó rất quan trọng”.
Tennis là môn thể thao chị Thu Hằng yêu thích. Đây là môn có tính đối kháng giúp chị thả lỏng đầu óc và khi chơi mình quên hết mọi thứ. Đây cũng là môn rèn luyện sức khỏe cả tay chân và cả sự linh hoạt trong cách mình phải tính toán. Ngoài ra, chị cũng rất thích môn bơi lội. Khi đi công tác triền miên, họp hành, chị vẫn cố gắng dậy thật sớm, bơi một lúc để cả ngày hôm ấy cơ thể mình khỏe khoắn, đầu óc cũng tỉnh táo hơn cho cả một ngày dài làm việc.
Chị cũng là người rất thích đi du lịch, cứ có thời gian thu xếp được là đi để khám phá những vùng đất mới, thích tham quan các bảo tàng vì qua đó chị hiểu hơn về lịch sử và văn hoá sở tại. Khi sống ở nước ngoài, thỉnh thoảng chị tự lái xe đi đến nơi nào đấy hay vào trung tâm thành phố đi dạo, ngồi quán café… mà chị cho đó cũng là cách tự cân bằng rất tốt.
Chị đả phá những định kiến bao đời nay về chuyện phụ nữ sẽ tập trung vào chuyện gia đình con cái, bị phân tâm và không thể giữ được vị trí cao trong xã hội. Có những định kiến khiến đàn ông không thích sếp mình là phụ nữ. Trong kỷ nguyên số hiện nay, chị Thu Hằng cho rằng đây không phải là thách thức mà là cơ hội cho chị em vì trên môi trường làm việc trong không gian mạng, bạn ngồi sau máy tính và không ai biết bạn là nam hay nữ giúp mình vượt qua được định kiến giới. Rồi bạn có thể tranh thủ làm việc từ nhà, đâu cần đến văn phòng. Với internet, ai cũng có thể kết nối với rất nhiều nơi trên thế giới.
Với chị, phụ nữ vẫn phải giữ mình là phụ nữ, không cần phải suy nghĩ như đàn ông, càng không cần phải hành động như đàn ông. Các chính sách hỗ trợ rất tốt, sự ủng hộ của nam giới cho phái nữ cũng rất tốt nhưng trước hết phụ nữ phải dựa vào chính mình và tự tin vào bản thân.
Thời thanh xuân tươi đẹp
Chị Thu Hằng hoài niệm về tuổi đẹp vô tư, vô ưu. Tuổi thơ của chị không có internet, học xong chỉ mong như chim sổ lồng, chạy đi chơi. Lúc còn nhỏ, chị đã thích đọc sách, đọc từ truyện chép tay cho đến những cuốn sách in trên giấy đen xù xì, đặc biệt mê sách của nhà xuất bản Cầu Vồng, những cuốn sách của Liên Xô. Những cuốn sách ấy mở ra cho chị những khung trời mơ ước.
Khi lớn lên, chị được nuôi dạy bằng sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình, từ chuyện nề nếp, giờ giấc cho đến kể cả cách ứng xử, đi lại, nói năng, ăn uống… Từng thấy rất khổ sở vì sự nghiêm khắc đó nhưng càng lớn, chị càng thấy điều này định hình cho mình tác phong, nhân cách sau này. Bố mẹ không định hướng cho cho chị về nghề nghiệp mà luôn dạy chị sống phải làm một người tử tế.
Thế hệ 7x của chị sống cùng sự chuyển mình, sự thay đổi của đất nước. Chị sinh ra vào những năm tháng cuối cùng nhưng ác liệt của chiến tranh và lớn lên trong thời kỳ đất nước bị bao vây cấm vận, đến khi vào đại học đất nước ở thời kỳ chuyển mình.
Thanh xuân của chị gắn với chiếc xe đạp đi từ đầu này đến đầu kia thành phố với những bài thơ chép tay. Thanh xuân của chị cũng mắt long lanh, má ửng đỏ, cũng có khi “quẩy” hết mình trong những buổi dạ hội sinh viên. Tình yêu nước Nga thấm đẫm trong chị từ thuở bé qua việc học chuyên Nga nên khi Liên Xô thay đổi, chị cũng có chút tan vỡ trong lòng và phải chuyển sang học tiếng Anh. Dẫu bố mẹ và gia đình đều làm xây dựng nhưng chị đã có ngả rẽ khác và thành công trong lĩnh vực đối ngoại.
Người mà chị Thu Hằng ngưỡng mộ nhất là bà nội của mình. Bà mất khi chị vẫn còn nhỏ nhưng ấn tượng về bà là một người phụ nữ nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, rất chiều con cháu. Qua lời kể của bố mẹ và gia đình, bà chị là một người phụ nữ rất đáng khâm phục, dù không biết đọc biết viết nhưng lại buôn bán rất giỏi. Bà là người phụ nữ làm chỗ dựa vững chắc, nuôi dạy 10 người con thành đạt, đưa cả gia đình qua các cuộc chiến tranh, chống Pháp rồi chống Mỹ, chịu đựng cả sự chia cắt gia đình, kẻ Nam người Bắc thậm chí cả ở nước ngoài. Bà là người phụ nữ có tầm nhìn khi luôn muốn đầu tư việc học tập giáo dục con cái. Ngay cả thời kỳ khó khăn của gia đình thì bố chị và các bác đều được bà cho học hành tử tế ở các trường tốt nhất.