Sinh năm 1931 trong một gia đình giàu có tại Hàng Bồ, Hà Nội, cha của bà Trịnh Thị Ngọ là ông Trịnh Đình Kính - người vẫn được mệnh danh là "ông hoàng thủy tinh Đông Dương" nổi tiếng một thời. Trịnh Thị Ngọ vốn nổi tiếng là người thông minh và xinh đẹp ngay từ những năm tháng thiếu nữ.
Bà tự học thêm lớp tiếng Anh dù đã thi đậu tú tài Pháp. Học phí học tiếng Anh thời đó còn đắt hơn cả học phí tại trường học. Thế nên, chuyện con gái Việt đi học tiếng Anh như bà Ngọ đích thị là của "độc, hiếm" thời đó. Tuy nhiên, việc học tiếng Anh được bà Trịnh Thị Ngọ thổ lộ chỉ là do "cha bà muốn vậy".
Cái tên Hanoi Hannah là do lính Mỹ gọi bà Trịnh Thị Ngọ.
Nhưng thật bất ngờ, bà đã trở nên đam mê với thứ ngôn ngữ phương Tây xa lạ này không lâu sau đó. Chính những bộ phim kinh điển của điện ảnh Mỹ, đặc biệt là "Cuốn theo chiều gió" là lý do khiến bà thay đổi như vậy. Người con gái ấy mê phim đến độ tới rạp xem đi xem lại bộ phim ấy cả thảy 5 lần, muốn tự mình nghe, hiểu những gì các diễn viên đang nói mà không cần thông qua phụ đề dịch.
Kể từ đó, đam mê và học giỏi tiếng Anh mới bùng cháy trong cô thiếu nữ cá tính Trịnh Thị Ngọ. Về sau, Trịnh Thị Ngọ gia nhập Đài Tiếng nói Việt Nam khi Hà Nội được giải phóng với tư cách một phát thanh viên đọc bản tin tiếng Anh.
Bà cho rằng mình đã phát triển rất nhiều nhờ vào sự huấn luyện của các chuyên gia do Đài mời về dù tiếng Anh giỏi giúp Trịnh Thị Ngọ có một khởi đầu thuận lợi với việc phụ trách các chương trình phát thanh đối ngoại. Nữ phát thanh viên còn phải học để thể hiện giọng đọc phù hợp cho những loại nội dung khác nhau: Tin tức, câu chuyện, bình luận... bên cạnh lợi thế nói được Tiếng Anh lưu loát đã hiếm có.
Trong một lần Bác Hồ tới thăm Đài Tiếng nói Việt Nam, bà Ngọ có dịp chụp ảnh cùng Bác với các đồng nghiệp.
Với vũ khí là giọng nói, Hanoi Hannah được coi là người "chiến sĩ" đặc biệt.
Bà còn có nghệ danh Thu Hương. Thời điểm mà cái tên Thu Hương - Hanoi Hannah trở nên nổi tiếng, là bước ngoặt lớn nhất đối với sự nghiệp của bà là khi Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Cục Địch vận thực hiện một chương trình phát thanh riêng dành cho binh lính Mỹ tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Sau chương trình phát sóng đầu tiên của bà, đài phát thanh Hoa Kỳ đã ngay lập tức thông tin về nữ phát thanh viên Việt Nam có chất giọng ngọt ngào đang cố gắng "ru ngủ" binh sĩ Mỹ.
Sở dĩ Trịnh Thị Ngọ có biệt danh như vậy bởi giọng nói của bà như có ma lực, cực kỳ lôi cuốn. Lính Mỹ bị ám ảnh tới mức cho rằng bà là… "ma", là "phù thủy" khi dùng giọng nói xâm nhập vào trí óc, cảm xúc của họ, nên bà Trịnh Thị Ngọ trở thành một huyền thoại thời đó.
Phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ năm 1966.
Ngày 30/4/1975, bà vinh dự là người được đọc trực tiếp bằng tiếng Anh, thông báo với thế giới sự kiện lịch sử của Việt Nam: "Sài Gòn đã được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập thống nhất". Sau ngày giải phóng, bà theo chồng vào miền Nam sinh sống và làm việc ở Đài Tiếng nói thành phố Hồ Chí Minh.
Không phải là một ngôi sao nổi tiếng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng Hanoi Hannah lại được nhiều tờ báo nước ngoài (The New York Times, Life, L'Hebdo, People) đăng hình, viết bài và phỏng vấn. Bà đã trở thành một huyền thoại. Ngay cả cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi gặp bà cũng trìu mến gọi bà bằng cái tên Hanoi Hannah.
Các chuyên gia nước ngoài làm việc cùng với bà Ngọ.
Một người đã từng tiếp xúc với nhiều cựu binh Mỹ - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết có những người trong số họ khao khát được gặp lại Thu Hương - Hanoi Hannah sau chiến tranh, chỉ để nghe và tận mắt chứng kiến người phụ nữ vô cùng đặc biệt này ngoài đời thực.
Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ vào năm 2015.
Nữ phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ chuyển vào Nam cùng gia đình sau ngày đất nước thống nhất và công tác tại Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh cho tới khi nghỉ hưu vào năm 1987. Trả lời báo giới nước ngoài, người phụ nữ nhỏ nhắn, kiên định và quyến rũ cho biết mục đích của bà khi làm chương trình phát thanh tâm huyết đến vậy thiên về lòng yêu nước hơn là lý do chính trị. "Tôi chỉ muốn nói về những truyền thống của Việt Nam, làm nguôi đi sự giận dữ của cuộc chiến... để khiến họ cảm thấy muốn từ bỏ vũ khí".
Thậm chí, bà cũng khẳng định mình không hề căm giận đất nước và con người ở bên kia bán cầu: "San Francisco đã luôn là nơi tôi mơ ước được đặt chân tới, cùng với Cầu Cổng Vàng và Hollywood". Hanoi Hannah Trịnh Thị Ngọ qua đời vào tháng 9/2016. Bà đã để lại một di sản cho những người ở cả hai chiến tuyến cùng những câu chuyện xuất hiện ở rất nhiều báo chí trong và ngoài nước.
Vợ chồng bà Trịnh Thị Ngọ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn