Nữ phi hành gia đầu tiên trên thế giới

10:26 | 16/06/2016;
Ngày 16/6/1963, nữ phi hành gia Liên Xô Valentina Tereshkova đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới bay vào không gian, ghi tên mình vào lịch sử chinh phục vũ trụ của nhân loại.
Valentina Tereshkova sinh ngày 6/3/1937 tại Maslennikovo - một làng quê nhỏ bé của nước Nga ở tỉnh Yaroslav. Bố cô đã hy sinh trong chiến tranh. Mẹ cô một mình nuôi 3 con nhỏ. Vì gia đình khó khăn nên mới 17 tuổi, Valia (tên gọi thân mật của Valentina Tereshkova) đã phải đi làm thợ dệt giúp mẹ, nuôi em.

Tuy cuộc sống vất vả nhưng cô gái trẻ không từ bỏ niềm đam mê đặc biệt của mình là bầu trời. Vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, không bao giờ Valia vắng mặt trong các buổi luyện tập tại câu lạc bộ hàng không địa phương. Cô là một vận động viên nhảy dù nhiều triển vọng. Ở tuổi 25, Valia được tuyển thẳng vào trường đào tạo phi công vũ trụ.
n-phi-hnh-gia-valentina-tereshkova.jpg
 Nữ phi hành gia Valentina Tereshkova.
Sau chuyến bay của phi hành gia Yuri Gagarin lên quỹ đạo trái đất vào năm 1961, giới chức Liên Xô tuyển một số phụ nữ để đào tạo thành phi hành gia. Valentina Tereshkova là một trong số đó.

Đợt đầu, trung tâm đào tạo các nhà du hành vũ trụ tuyển chọn được 5 người xuất sắc nhất. Ít ai biết rằng, để được chọn là người thực hiện chuyến bay lịch sử, đưa Liên Xô trở thành nước đầu tiên có nữ phi công bay vào vũ trụ, Tereshkova đã phải “đấu loại” với 4 ứng cử viên khác đều rất sáng giá, trong đó có nữ phi công giàu kinh nghiệm Ponomarieva đã tham gia và giành nhiều giải thưởng trong những cuộc thi bay trên các máy bay thể thao toàn Liên bang và nữ kỹ sư Bách khoa Solovieva là kiện tướng thể thao đã có hơn 700 lần nhảy dù…
tereshkova-vt-qua-tt-c-cc-bi-kim-tra-sc-khe-iu-kin-gia-nhp-kha-o-to-phi-hnh-gia-ca-lin-x.jpg
 Tereshkova đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra sức khỏe để đủ điều kiện gia nhập khóa đào tạo phi hành gia của Liên Xô.
Trong số các nữ học viên đó, chỉ có Valentina Tereshkova lúc ấy chưa có bằng đại học và thành tích trong tập luyện cũng không hơn các nữ phi hành khác. Thế nhưng, cuối cùng, người ta đã chọn Tereshkova làm nữ phi công vũ trụ số 1. Lý do bởi cũng giống như Gagarin, người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ sẽ phải đi nhiều nơi, làm công tác tuyên truyền trong khi Tereshkova đã có kinh nghiệm là bí thư đoàn lâu năm của một nhà máy lớn, có khả năng thuyết trình tốt. Dưới sự hướng dẫn của Yuri Gagarin, “Hải âu” (biệt danh của Valentina Tereshkova) cùng các ứng cử viên khác cũng đã phải trải qua những thử thách tập luyện vất vả không thể tưởng tượng được. “Chúng tôi đã sống 8 ngày trong sự im lặng tuyệt đối. Buồng tiêu âm nằm ở độ cao 5km. Các bác sĩ đã quan sát hành vi của phi hành gia, để họ không mất trí, để không có ảo giác. Khi ngồi trong buồng tiêu âm, tôi đã đọc các bài thơ tuyệt vời của Nekrasov”, Tereshkova sau này nhớ lại.

Ngày 16/6/1963, phi thuyền Phương Đông-6 (Vostok-6) mang theo nữ phi công vũ trụ đầu tiên của thế giới cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur, rời trái đất và bay quanh quỹ đạo trái đất 48 vòng với gần 3 ngày trên vũ trụ. Số lần bay quanh trái đất của bà nhiều hơn tổng số lần của các nhà du hành vũ trụ Mỹ tính đến thời điểm đó. Nhiệm vụ của bà là tiếp tục ghi lại nhật kí chuyến bay và chụp ảnh đường chân trời, sau được dùng để phân biệt các tầng khí trong bầu khí quyển.
valentina-tereshkova-c-cho-n-sau-khi-tr-v-tri-t.jpg
 Valentina Tereshkova được chào đón sau khi trở về trái đất.

Tinh thần kiên cường của “Hải âu” được thử thách thêm một lần nữa khi đối mặt với sự cố rất nghiêm trọng xảy ra trong quá trình hạ cánh mà rất may sau đó đã khắc phục được và không một ai (trừ một số rất ít người trong cuộc) biết được.

Hơn 40 năm sau, vào tháng 3/2007, được phép của cấp trên, Tereshkova mới cho biết toàn bộ sự thật: Chương trình tự động điều khiển của con tàu đã lập trình sẵn ở trên mặt đất. Thế nhưng, không hiểu vì sao lại xảy ra một trục trặc vô cùng nghiêm trọng trong chương trình này. Đáng lẽ sau khi kết thúc vòng bay cuối cùng, tàu vũ trụ Vostok-6 phải bay tiến tới gần trái đất nhưng, thực tế diễn ra ngược lại. Sau mỗi vòng bay, con tàu lại càng rời xa trái đất hơn. Ngay lập tức, Tereshkova báo cáo sự cố đặc biệt này với Tổng công trình sư Sergei Korolyov và ngay say đó, quỹ đạo bay của tàu đã được điều chỉnh lại, “Hải âu” đã hạ cánh an toàn.

2.jpg
Anh hùng Liên Xô Valentina Tereshkova.

Sau chuyến bay, Chính phủ Liên Xô phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Tereshkova khi bà mới 26 tuổi. Ngoài ra bà còn nhận nhiều phần thưởng cao quý khác. Người ta dùng tên bà để đặt cho nhiều đường phố tại Nga, một hố trên mặt trăng và một hành tinh nhỏ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn