Gái út… trút gia tài
Làng Mawlynnong có khoảng 90 hộ gia đình với gần 500 dân, tạo thành một cộng đồng người Khasi khép kín. Dẫu Ấn Độ là xã hội nam quyền, nạn hãm hiếp phụ nữ, tảo hôn hay loại bỏ thai nhi vì phân biệt giới tính vẫn hoành hành nhưng tất cả đều ở bên ngoài cánh cổng làng Mawlynnong. Ở đây, mọi người sống thân ái và quan tâm đến nhau.
Chính nữ nhiếp ảnh gia người Đức Karolin Klueppel đã ví von làng Mawlynnong là “Thiên đường của trẻ em gái xứ sở sông Hằng”. Nhà nào sinh được con gái thì tổ chức ăn mừng vì đã có người nối dõi. Sống theo chế độ mẫu hệ nên phụ nữ người Khasi có quyền hành tối thượng trong làng. Các dòng họ được lấy tên dựa theo họ của người vợ chứ không phải người chồng. Con gái được coi như thành phần quan trọng nhất để thừa kế dòng tộc và tất cả tài sản được trao lại cho con gái út.
Phụ nữ là người có quyền lực kinh tế nhất trong gia đình
Phải nhận rất nhiều trách nhiệm kể từ khi còn nhỏ, ngay từ lúc 8 tuổi, các bé gái trong làng đã theo mẹ học hỏi kinh nghiệm để dần có quyền điều khiển và tiếp quản toàn bộ hoạt động của gia đình. Khi lớn lên, mỗi phụ nữ trong nhà thường phải chăm sóc cho 3 thế hệ cùng sống dưới một mái nhà. Phụ nữ là người tay hòm chìa khóa, vừa là người có quyền lực kinh tế nhất trong gia đình.
Chị Klueppel đã sống, làm việc và tiếp xúc với cộng đồng người Mawlynnong rồi bị chinh phục hoàn toàn bởi cuộc sống mẫu hệ kỳ lạ ở đây. Chị tâm sự: "Những tưởng trẻ em gái ở đây mất đi tuổi thơ vì phải gánh vác nhiều trọng trách nhưng thực tế hoàn toàn khác với suy nghĩ của tôi. Tôi chưa bao giờ gặp được những em bé ở xứ sở nào hạnh phúc và độc lập hơn ở Mawlynnong". Vì ấn tượng đó, chị đã lập nên dự án mang tên “Vương quốc nữ nhi” (Maedchenland hay Kingdom of Girls) kéo dài 6 tháng để rồi chị say sưa ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu cũng như thể hiện “cái tôi” mạnh mẽ của các thế hệ phụ nữ ở đây, từ bé gái đến những phụ nữ cao niên; hoạt động cộng đồng và môi trường sống của người Mawlynnong.
Ngay từ lúc 8 tuổi, các bé gái trong làng đã theo mẹ học hỏi kinh nghiệm để dần có quyền điều khiển và tiếp quản toàn bộ hoạt động của gia đình
Tuy sống trong rừng núi xa xôi nhưng người dân Mawlynnong luôn tiếp cận với cuộc sống bên ngoài. Họ vẫn giao lưu với người dân thành thị, đến những khu chợ sầm uất để sắm sửa cho mình những vật dụng cần thiết. Các tuyến xe buýt hoạt động xung quanh làng nhưng hầu hết người dân lại thích đi bộ xuyên qua khu rừng để cảm nhận hương vị của thiên nhiên. Nhịp sống trong làng chậm rãi, trái ngược với vòng quay tất bật của cuộc sống hiện đại.
Ở Mawlynnong, hệ thống đường-trường-trạm đều đầy đủ và hoàn chỉnh. Họ tự hào bởi 100% dân cư ở đây đều biết đọc và biết viết. Con em người Mawlynnong đều được đi học, các cô gái có thể học hết đại học ở Meghalaya, sau đó trở về đóng góp cho làng. Thiếu nữ Mawlynnong có một cuộc sống tự do, phóng khoáng và được tôn trọng. Còn đàn ông Mawlynnong chủ yếu làm nông nghiệp 6 ngày/tuần.
Ngôi làng sạch nhất châu Á
Mawlynnong được xem là thiên đường nhiệt đới và là điểm đến trong mơ của những người yêu thiên nhiên. Đến đây, người ta đều ấn tượng với những ngôi nhà tre nhỏ xinh nép dưới tán rừng xanh và cuộc sống đầm ấm, thân thiện. Rễ cây rừng nguyên sinh quyện vào nhau tạo thành những chiếc cầu treo vững chãi giúp người dân băng qua các con suối. Dân làng còn dựng những ngôi nhà nhỏ trên cây để làm nơi ngắm cảnh. Nhà nhà đều rực rỡ hoa phong lan, hoa đỗ quyên muôn sắc, chim chóc hót véo von suốt ngày. Tiếng khung cửi dệt vải lách cách, tiếng nói cười lao xao của những phụ nữ giặt quần áo bên bờ suối trong ánh bình minh là khoảnh khắc khó quên đối với nhiều du khách.
Mawlynnong được xem là thiên đường nhiệt đới
Với người dân Mawlynnong, những gì thuộc về tự nhiên đều vô cùng tinh khiết và quý giá. Họ sử dụng chậu đá tự nhiên đặt trước cửa nhà để hứng nguồn nước mưa mát lành dùng quanh năm. Điều quan trọng nhất là làng cấm chặt cây phá rừng, những ai vi phạm sẽ bị làng phạt vạ rất nặng. Bên cạnh đó, người dân coi việc bảo vệ thiên nhiên và giữ gìn sạch sẽ ngôi làng là một truyền thống quý báu từ nhiều thế hệ. Mawlynnong được công nhận là ngôi làng sạch nhất châu Á sau cuộc bình chọn của tạp chí National Geographic năm 2004 và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận năm 2006. Theo anh Embor Klamet, một chủ nhà trọ kiêm hướng dẫn viên của làng cho biết, việc quét dọn các con đường, ngõ nhỏ ở Mawlynnong được giao cho các em học sinh lớp 1, 2 để rèn cho các em biết lao động và bảo vệ môi trường sạch đẹp từ bé. Do đó, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia luôn có ý thức gìn giữ làng. Mọi con đường làng đều đặt những thùng rác làm bằng tre, nứa. Mỗi mẩu rác hay chiếc lá cây rơi xuống lập tức được dọn sạch. Túi nilon hoàn toàn bị cấm sử dụng trong làng và tất cả các loại rác thải đều thân thiện với môi trường. Rác được đưa vào rừng để ủ thành phân bón. Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá và uống rượu trong làng là một điều cấm kị.
Hằng tuần, dân làng tổ chức những buổi lao động tập thể, xây dựng thêm các tiện nghi khác để phục vụ khách du lịch. Du khách sẽ cảm nhận được không khí sôi động của cả cộng đồng khi phụ nữ phá đá, đàn ông mở đường, còn các em nhỏ thi đua nhau làm vệ sinh các con ngõ. Bên cạnh đó, các nghề truyền thống vẫn được duy trì như trồng ngô, hạt tiêu đen, lá nguyệt quế và nhiều loại cây ăn quả như cam, chanh, dứa…