Nữ quý tộc của nghệ thuật thứ Bảy

12:15 | 09/06/2017;
Từ giữa thập niên 20 đến đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, Norma Shearer nổi lên như một diễn viên có uy thế nhất nhì Hollywood. Bà được gọi là “Đệ nhất phu nhân của màn ảnh rộng” hay “Nhà quí tộc thật sự của nghệ thuật thứ Bảy”.

Là diễn viên của kỷ nguyên phim câm, Norma Shearer không xinh đẹp như Barbara La Marr, Esther Ralston hay Dolores Costell, cũng không được xem là tài năng lớn nhất thời kỳ phim câm như Greta Garbo, Lillian Gish hay ZaSu Pitts. Tuy nhiên, Shearer có một phẩm chất mà không phải diễn viên cùng thời nào cũng có được. Người ta gọi phẩm chất này là “lòng kiên định Shearer” để nói về sự quyết tâm của cô trên lộ trình phấn đấu không mệt mỏi trở thành ngôi sao Hollywood.

Sinh ngày 10/8/1902 tại Montreal, Quebec, Canada, lúc còn trẻ, Norma Shearer thích bơi lội, trượt tuyết và chơi piano. Năm lên 9, khi xem nhóm kịch chị em Dolly Sisters biểu diễn, cô quyết định sẽ đi theo nghề diễn. Năm 14 tuổi, Shearer giành vương miện hoa hậu trong một cuộc thi tại địa phương và xem đây như một khởi đầu để có thể tiến xa hơn trên lộ trình trở thành ngôi sao Hollywood.

5.jpg
 Chân dung nữ diễn viên Norma Shearer.

Năm 1920, người mẹ mê diễn xuất đã đưa Shearer và người chị Athole đến New York để dự tuyển vai diễn tại công ty Ziegfeld Follies. Khi bị Ziegfeld chối từ, người chị bỏ về, còn Shearer vẫn bám trụ lại New York với các vai diễn quần chúng trong nhiều bộ phim mà bắt đầu là The Sign On The Door (1920) và The Flapper (1920). Sau đó, Shearer đến California, cũng là lúc hãng phim Metro-Goldwyn-Mayer (MGM) đang trở thành studio lớn nhất Hollywood. Nhà sản xuất Irving Thalberg đã rất ấn tượng khi xem một số phim của Shearer nên khi trở thành đồng nghiệp của Louis B. Mayer năm 1925, ông đề nghị MGM ký hợp đồng dài hạn 5 năm với cô.

Để tăng cường hình ảnh của Shearer trong mắt khán giả và để giúp cô có thời gian mài sắc thêm kỹ năng diễn xuất, MGM chỉ giao cho Norma một số phim nhỏ. Cuối cùng, năm 1927, cô mới có được đột phá với vai diễn quan trọng trong bộ phim The Student Prince In Old Heidelberg. Sau đó, Shearer làm cuộc chuyển tiếp từ phim câm đến phim có tiếng nói bằng bộ phim The Trial of Mary Dugan (1929).

3.jpg
Norma Shearer giành tượng vàng Oscar với bộ phim The Divorce (1930). 

Trong 4 bộ phim kế tiếp, Shearer giành một tượng vàng Oscar với The Divorce (1930). Lúc ấy, cô đã kết hôn với Irving Thalberg – Chủ tịch hãng MGM. Thalberg muốn vợ rút lui sau đám cưới nhưng Shearer khăng khăng sống chết với nghề và muốn được thử thách những vai lớn hơn, như vai diễn trong The Barretts of Wimpole Street (1934) và Romeo and Juliet (1936) – bộ phim mang về cho cô đề cử Oscar thứ 5. Tại MGM, người ta gọi Shearer là “Hoàng hậu Norma”. Sau đó, sức khỏe của Thalberg suy sụp và ông qua đời vì chứng viêm phổi cấp vào tháng 9/1936 khi chỉ mới 37 tuổi. Phải nuôi 2 con nhỏ, Shearer muốn giải nghệ nhưng MGM đề nghị cô hoàn tất hợp đồng đóng 6 phim nữa. Cuối cùng, cô dứt khoát chia tay với điện ảnh sau bộ phim Her Cardboard Lover (1942).

Không như nhiều đồng nghiệp ở MGM, danh tiếng của Shearer lụi tàn nhanh chóng sau khi bà giải nghệ. Ngày 12/6/1983, sau một cơn bệnh nặng, Shearer qua đời tại nhà riêng ở Woodland Hills, California.

4.jpg
 Sau khi giải nghệ năm 1942, mãi đến thập niên 1990, những cống hiến của Shearer mới được xem xét lại.

Trong những năm 1900, di sản của Shearer bắt đầu được xem xét lại với 2 cuốn tiểu sử được xuất bản, các đài TCM và VHS phát hành nhiều bộ phim của bà, mà phần lớn trong số đó chưa được trình chiếu.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn