Ngày 8/6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với tỷ lệ 94,62% tổng số đại biểu tán thành. EVFTA được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18% - 3,25% (giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57% - 5,3% (giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07% - 7,72% (giai đoạn 5 năm sau đó).
Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cùng các nước thành viên (EVIPA) cũng được cơ quan lập pháp thông qua với tỷ lệ 95,45% tổng số đại biểu đồng ý.
Đáp ứng chỉ số hạnh phúc của lao động
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - Giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM - phân tích: Hiệp định EVFTA tạo điều kiện cho hàng rào thuế quan của hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU giảm xuống. Các mặt hàng đang có ưu thế sẽ có ưu thế hơn khi EU đang có những động thái hạn chế với hàng hóa từ thị trường Trung Quốc.
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD, chiếm 22% GDP toàn cầu. Các ngành hàng may mặc, thủy sản, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vốn đang được ưa chuộng tại thị trường EU sẽ càng có lợi thế hơn.
Ông Đán nhận định, lực lượng nhân công trong lĩnh vực này sẽ chiếm ưu thế và nhất là đối với lao động nữ. Một khi đã bước vào sân chơi lớn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế sòng phẳng, minh bạch hơn trong cách ứng xử với người lao động. Hiệp định EVFTA đòi hỏi nhiều điều kiện phụ về yêu cầu chỉ số con người.
Qua đó, chỉ số hạnh phúc của lao động sẽ là vấn đề tiên quyết để xác định sự tồn tại mà doanh nghiệp hướng đến ở sân chơi lớn như EVFTA. Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán đưa ra cảnh báo, doanh nghiệp o ép các lao động nữ làm việc tăng ca quá giờ với thu nhập không được hưởng như mong muốn sẽ làm giảm mức độ hài lòng đối với công việc.
Lao động nữ không được đào tạo nghề và tái đào tạo để phục vụ cho công việc sẽ dễ dẫn đến tạo áp lực trong môi trường làm việc. Đây cũng là một điểm vi phạm các thỏa thuận của Hiệp định EVFTA đã được ký kết. Nếu phản ánh của công nhân được EVFTA ghi nhận thì hệ quả sẽ là việc giảm hoặc cắt mức hỗ trợ thuế đối với hàng nhập từ Việt Nam.
Quyền con người phải được chú trọng
Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, Hiệp định EVFTA còn giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và cũng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để xuất khẩu sang các nước EU.
Song, viễn cảnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU hiện tại chỉ là những nhận định. Các giả thuyết và để thực hiện được hay không, thực hiện như thế nào mới là vấn đề cần phải được tính toán một cách hiệu quả nhất.
Hiệp định EVFTA bắt buộc các sản phẩm từ Việt Nam phải đáp ứng hàng rào kỹ thuật. Các điều kiện sản phẩm phải an toàn vì thị trường EU đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao. Để đạt được thỏa thuận từ Hiệp định EVFTA đã khó nhưng để hàng hóa đáp ứng được thị trường này không phải là dễ.
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán đưa ra ví dụ, nếu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có xuất xứ từ Việt Nam chỉ với lớp sơn phủ bên ngoài không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cũng sẽ bị xem xét lại tất cả các mặt hàng thủ công mỹ nghệ dán mác "made in Vietnam".
Lúc này, con đường để mặt hàng thủ công mỹ nghệ vào thị trường EU sẽ trở nên khó khăn và chông chênh hơn trước. Ông Đán tóm lược, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại viễn cảnh tươi sáng cho nền kinh tế trong nước nếu đạt được các tiêu chí cơ bản: Hàng rào kỹ thuật về sản phẩm và điều kiện phụ là quyền con người.
EVFTA xem xét đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng và người lao động từ các tổ chức nhân quyền tại EU. Cơ quan quản lý tại Việt Nam phải có các kế hoạch chủ động để hướng dẫn doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhất là lao động nữ.
Chuyên gia Trần Nguyên Đán hiến kế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ là cơ quan giám sát thực thi quyền lợi của lao động nữ ở doanh nghiệp trước khi đơn thư của lao động nữ đến các tổ chức nhân quyền tại EU.
(còn tiếp)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn