Nếu như ở các tỉnh vùng đồng bằng, đường đi lối lại thuận lợi thì với những tỉnh vùng cao Tây Bắc, các cung đường đi ship hàng của shipper khá gập ghềnh, hiểm trở, đôi khi có cả những nguy hiểm tiềm ẩn rình rập họ, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Thế nhưng, đã làm nghề này thì dù khó khăn thế nào, những nữ shipper vẫn luôn phải tiếp tục hành trình để hoàn thành công việc, bất kể ngày mưa hay ngày nắng.
Chị Bàn Thị Xuyến, người dân tộc Dao ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, chia sẻ: “Làm nghề shipper ở miền núi vất vả hơn nhiều so với miền xuôi, có khi giao một gói hàng phải đi mấy chục cây số. Mà đường đi thì lên đèo xuống dốc, qua suối qua khe. Vì có hộ dân nhà ở tận trên núi cao. Mình nhận việc rồi thì nhất định phải giao hàng đến tận tay cho khách”.
"Ngày nắng ráo còn đỡ, gặp ngày mưa gió thì đi rất khổ, không cẩn thận còn bị ngã cả người cả xe. Có hôm về qua suối, nước lũ lên to không đi được, phải đợi khi nào nước rút thì mới đảm bảo an toàn để về", chị Xuyến cho hay.
Ngày nay, với việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử phổ biến, việc mua bán hàng hóa giao dịch đều rất thuận lợi, do vậy, nghề shipper ở các tỉnh miền núi Tây Bắc cũng khá phát triển. Nếu như trước kia, chủ yếu là nam giới đi làm nghề này, thì nay, nhiều chị em phụ nữ cũng mạnh dạn tham gia thị trường shipper. Công việc tuy có nặng nhọc vất vả, nhưng ngược lại thì nguồn thu nhập cũng khá ổn định và cao hơn so với nghề làm nông nghiệp truyền thống.
Chị Nông Thị Hà, ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, cho biết: “Đi làm shipper rất vất vả nhưng được cái là ngày nào cũng có thu nhập tiền mặt, so với làm nông nghiệp thì khá hơn nhiều. Mới đầu chủ yếu là chồng tôi đi làm nghề này, sau tôi cũng thử đi. Sau vài lần thì cũng thấy quen với nghề nên tôi làm đến nay cũng đã được hơn 2 năm rồi. Với nghề này thì thu nhập hàng tháng cũng khá ổn, trừ hết chi phí thì mỗi tháng cũng được 7-8 triệu đồng, vào dịp cuối năm thì thu nhập có thể lên tới hơn chục triệu/tháng. Làm ở những công ty lớn, thì họ cũng đóng bảo hiểm và có chế độ thưởng ngày lễ tết. Còn những người làm theo thời vụ, thì không được đóng bảo hiểm”.
Những nỗi lo của các nữ shipper ở vùng cao Tây Bắc
Câu chuyện shipper ở vùng cao Tây Bắc đối với chị em phụ nữ, ngoài việc khó khăn vì đường đi lối lại, thì còn thêm nỗi lo bị bom hàng, hoặc không tìm thấy người nhận hàng, thậm chí là bị sập bẫy lừa đảo.
Chị Lò Thị Minh, ở xã Bình Lư, Tam Đường, Lai Châu, người mới tham gia thị trường shipper, chia sẻ: “Do mới đi làm được 4 tháng, nên tôi còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Có hôm mình nhận được điện thoại đặt ship hàng từ thị ngã ba Bình Lư vào thị trấn Tân Uyên khi nhận hàng thì mình phải ứng tiền hàng. Nhưng khi vào đến thị trấn Tân Uyên, thì không thể liên hệ được với người nhận hàng. Họ đã tắt điện thoại, hỏi mọi người xung quanh thì họ nói không có ai tên như thế. Quay lại tìm người đặt ship hàng, thì họ cũng đã đi mất, bóc gói hàng ra nó chỉ là cái máy dán túi nilon. Lúc ấy mình mới biết là bị lừa mất hơn 700 nghìn đồng, trong khi cái máy kia chỉ có giá trị khoảng 200 nghìn đồng, mà bán cũng chả có ai mua.
Có những lúc không bị bom hàng, nhưng khi mình đến nhà người mua hàng để giao, thì họ lại đi làm nương, không có ai ở nhà, có khi phải chờ cả mấy tiếng để giao một mặt hàng. Bởi vì chạy cả quãng đường mấy chục km, nếu không cố chờ họ về thì cũng không giao được hàng, mà đi lại mấy lần thì còn tốn kém công sức hơn nữa. Nên cũng vẫn cứ phải đợi để giao được hàng thì mới về. Có hôm đi giao xong các đơn hàng, thì về tới nhà cũng 10 - 11h đêm.
Bà Tao Thị Kẻo, Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Hon, cho biết: Mặc dù công việc shipper đối với chị em phụ nữ ở vùng cao Tây Bắc gặp khá nhiều khó khăn, nhưng ngược lại, nó cũng là một công việc khá ổn định và có thu nhập đều, nên cũng giúp cho chị em có thêm việc làm và nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đinh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn