Nữ sinh 15 tuổi không muốn sống tiếp vì trượt trường chuyên

09:15 | 15/06/2017;
Không đậu vào lớp 10 trường chuyên ở TPHCM, nữ sinh 15 tuổi đã bỏ ăn, mất ngủ, uống rượu, thậm chí định uống thuốc ngủ để không còn là "nỗi thất vọng lớn” của bố mẹ.
tramcam2.jpg
Áp lực thi cử đã khiến nhiều học sinh bị trầm cảm. Ảnh minh họa

Từ khi biết thông tin trượt trường THPT chuyên, cô gái này chỉ nghĩ đến cái chết. Em luôn sống trong cảm giác mất tự tin, nhục nhã, không dám nhìn mặt ai.

Cũng vì suốt 9 năm vừa qua, em luôn giữ danh hiệu “học sinh giỏi”. Với danh hiệu ấy nên bố mẹ em đi đâu cũng tự hào khoe “con tôi năm nào cũng là học sinh giỏi”.

Thế nhưng, em biết rằng mình chỉ “giỏi ghi nhớ và lặp lại” nên khả năng đậu vào các trường THPT chuyên gần như bằng 0.

Em đã năn nỉ bố mẹ cho được thi vào “trường làng”, vừa sức với em. Nhưng bố mẹ em dứt khoát không đồng ý, chỉ vì lý do “con của nhiều người bố mẹ quen học thua con xa lắc mà còn thi vào các trường chuyên, trường top đầu. Không có lý gì mà con thua các bạn đó. Bố mẹ các bạn đó trước đây học kém hơn bố mẹ rất nhiều, thế nên không có chuyện chúng giờ lại giỏi hơn con được…”.

Ngày đi thi tuyển vào lớp 10 trường chuyên là cả một cực hình với em bởi thi xong, em biết mình không thể có tấm vé vào các trường bố mẹ kỳ vọng.

tramcam.jpg
Nhiều em đã tìm đến cái chết để không còn là "nỗi thất vọng lớn của bố mẹ". Ảnh minh họa

Em đã bỏ ăn, mất ngủ thậm chí đã thử uống rượu để tìm cảm giác quên lãng mọi sự. Em cầu mong ngày công bố kết quả đừng bao giờ đến. Em ước, tự nhiên động đất xảy ra nuốt chửng các trường chuyên đó đi. 

Đến ngày công bố kết quả thi, em đã bỏ nhà đi lang thang trong thành phố, không dám nghe điện thoại của bố mẹ, không dám trở về nhà vì quá sợ sự giận dữ, trách móc của bố mẹ. 

Điều kinh khủng nhất là em định giải thoát cuộc sống bằng hộp thuốc ngủ lấy trộm trong quầy thuốc của mẹ để không còn là "nỗi thất vọng lớn” của bố mẹ. Cũng may, trong thời điểm rối bời ấy, em đã chia sẻ với Thạc sĩ, chuyên gia tâm lý Phạm Phúc Thịnh- người em gặp và xin số điện thoại trong một hội thảo trước đây. Sau cuộc trò chuyện rất dài với chuyên gia, em đã bình tĩnh đón nhận kết quả đã đoán trước và vui vẻ chấp nhận việc đi học “trường làng”.

Chia sẻ câu chuyện mới xảy ra này, chuyên gia Phạm Phúc Thịnh khẩn thiết mong muốn: Bố mẹ ơi, xin đừng tạo nên địa ngục cho con, hãy vui và hài lòng với kết quả con mình có được khi các con đã nỗ lực hết khả năng. Thiên đường hay địa ngục, đều do chính chúng ta tạo ra!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn