Nữ sinh 17 tuổi tiến dần đến mục tiêu "đánh gục" bệnh sốt rét

17:00 | 12/06/2018;
Aleksandra Snuzik, nữ sinh 17 tuổi ở thành phố Radomysl Wielki (Ba Lan), đang tiến dần đến mục tiêu tìm ra thuốc hiệu quả phòng chống bệnh sốt rét.
Năng khiếu khác thường của Aleksandra được cô giáo Sinh học phát hiện, cô thuyết phục học trò tham gia kỳ thi Học sinh giỏi Sinh học Thành phố. Nhờ thế, năm lớp 8, Aleksandra đoạt giải Nhất Sinh học Thành phố, lớp 9 – giải Nhất Thành phố 3 môn Sinh học, Tiếng Ba Lan và Lịch sử. 
 
Trợ lý giảng dạy làm chủ tiếng Nga sau 2 tháng
Aleksandra có kiến thức phong phú thuộc nhiều lĩnh vực, các thầy cô trong trường mời em tham gia giảng dạy cùng với họ. Từ năm lớp 9, Aleksandra được Ban Giám hiệu đặc cách không phải lên lớp cùng các bạn, có thể thi lấy điểm tổng kết các môn theo thời gian thỏa thuận với thầy cô.
 
Cô gái đã đọc số lượng sách khổng lồ, đặc biệt là những tài liệu khoa học. Nhà khoa học trẻ hết sức quan tâm đến tài liệu viết về tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng đơn bào, trong đó có ký sinh trùng gây bệnh sốt rét của hành tây.
 
Nhưng đó là công trình khoa học xuất bản bằng tiếng Nga. Sau 2 tháng, cô bé đã tự học, có thể đọc và hiểu nội dung công trình khoa học.  
 
Nữ sinh tài năng học tiếp bậc phổ thông trung học tại Trường chất lượng cao A. Witkowski, thành phố Krakow, phân ban Sinh-Hóa.  Ngay sau tháng đầu lớp 10, thầy dạy môn Sinh học khẳng định, Aleksandra không cần học tiếp lớp này, có thể học tự do theo sở thích.
 
tr10-a-snuzik.jpg
Nữ sinh Ba Lan Aleksandra (giữa) cùng các bạn ở Ghana

 

Công trình khoa học đầu tay
Trong thời gian chuẩn bị cho kỳ thi Olympic Sinh học dành cho học sinh phổ thông trung học, Aleksandra bắt đầu viết công trình khoa học đầu tiên.
 
Theo lời kể của thầy chủ nhiệm, Aleksandra không có kính hiển vi cũng như ký sinh trùng đơn bào cần thiết để tiến hành nghiên cứu. Bố mẹ đã mua cho con gái kính hiển vi, tự cô nuôi cấy mẻ ký sinh trùng đơn bào đầu tiên.
 
Aleksandra thực hiện thí nghiệm đầu tiên dựa trên thao tác đổ nước ép hành tây vào khay thủy tinh chứa ký sinh trùng đơn bào. Những gì xảy ra tiếp theo đã gây bất ngờ thú vị với nhà khoa học trẻ. Đàn ký sinh trùng đơn bào đồng loạt di chuyển giật lùi, sau đó giãy chết!
 
Suốt 2 tháng tiếp theo, Aleksandra tìm kiếm lời giải, tại sao xảy ra chuyện kỳ lạ. Lặp lại thí nghiệm nhiều lần, mô tả kết quả và phân tích, cô bé lý giải hiện tượng dựa vào kiến thức gom nhặt từ một số công trình nghiên cứu đã công bố. Và Aleksandra mang công trình của mình đến gặp cán bộ Phân viện, Viện hàn lâm Khoa học Ba Lan (PAN) tại Krakow. 
 
Tỏa sáng trên diễn đàn khoa học châu Âu
Các nhà khoa học thuộc PAN nồng nhiệt đón nhận nhà khoa học trẻ, đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu đầu tay, sau đó gửi công trình của Aleksandra tham dự cuộc thi quốc tế European Union Contest for Young Scientist (Cuộc thi dành cho Các nhà Khoa học trẻ Liên minh châu Âu) và đoạt giải cao.
 
Để có điều kiện tiếp tục công trình nghiên cứu của mình, Aleksandra được gia đình gửi lên thủ đô Warszawa, học tại Học viện High School uy tín nhất Ba Lan. Aleksandra nhanh chóng chứng minh không cần hàng ngày đến trường như các bạn. 
 
Công trình mang tầm thế giới và cuộc phiêu lưu đến Ghana
Tháng 7/2018, Aleksandra Snuzik đại diện Ba Lan tại Diễn đàn Khoa học trẻ Quốc tế London, sự kiện thu hút 465 nhà khoa học trẻ thuộc 67 quốc gia thế giới. Aleksandra được cử làm thuyết trình viên tại cuộc họp báo khoa học diễn ra tại giảng đường Đại học Imperial London.
 
Nữ sinh Ba Lan có cơ hội ghé thăm Viện Jenner, Đại học Oxford danh tiếng. Theo giới thiệu của các nhà khoa học Đại học Oxford, Aleksandra quan tâm đến vấn nạn “siêu sốt rét”, bệnh nhiệt đới đặc biệt, sát thủ là ký sinh trùng đơn bào biến thể mới.
 
Biết nữ sinh Ba Lan đã có công trình nghiên cứu tác dụng diệt ký sinh trùng đơn bào của hành tây, vị giáo sư người Anh chuyên nghiên cứu sản xuất vaccine phòng ngừa bệnh sốt rét khuyên Aleksandra nên tiếp tục công trình khoa học của mình song không phải ở Ba Lan, mà phải đến Ghana.
 
Quốc gia châu Phi này là địa bàn “siêu sốt rét” đang bùng phát. Ông đã viết thư giới thiệu Aleksandra Snuzik . Nữ sinh 17 tuổi một mình bay đến Ghana, trở thành thực tập sinh kiêm nữ tình nguyện viên tại Trung tâm điều trị bệnh sốt rét.
 
Tương lai hứa hẹn
Tại Ghana, Aleksandra cùng các bác sĩ sở tại tiến hành nghiên cứu  dạng bệnh sốt rét đặc biệt nguy hiểm. Bước đầu, nữ sinh đã chứng minh, dung dịch nước ép hành tây có thể làm thui chột ký sinh trùng đơn bào gây bệnh sốt rét Ghana. 
 
Với câu hỏi về kế hoạch cho tương lai sau thời gian “đi thực tế” ở Ghana, cô mong muốn trở thành chuyên gia nuôi cấy cơ quan nội tạng từ tế bào gốc vì “đây là tương lai của y học”, cô tin tưởng. 
 
Năm tới, Aleksandra sẽ tham dự kỳ thi tú tài Ba Lan, Anh và Mỹ. Sau đó phấn đấu giành suất học bổng của Đại học Harvard (Mỹ). “Trước đó, tôi cần kết thúc nghiên cứu về tác dụng của hành tây với ký sinh trùng đơn bào gây bệnh sốt rét, trong đó có ký sinh trùng dạng sát thủ”, Aleksandra chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn