Chiều 30/11, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cho biết, khoa Cấp cứu đang điều trị cho sinh viên T.V.H (18 tuổi, hiện tạm trú ở Ký túc xá Trung tâm Nhật Ngữ, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị viêm não mô cầu. Đây là trường hợp nhiễm não mô cầu thứ 2 BV tiếp nhận từ đầu năm đến nay.
Theo bác sĩ Cấp, ngày 28/11, bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng sốt cao, đau đầu, hôn mê. Những người bạn ở cùng cho biết, bệnh nhân đã bị sốt từ 3-4 ngày trước và tự điều trị nhưng không khỏi. Chỉ đến khi bệnh trở nặng, người thân mới đưa vào BV. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm não mô cầu. Ngay sau đó, BV đã tiến hành cách ly và điều trị tại khoa. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt.
Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm não mô cầu. Ảnh minh họa |
Hiện BV đã thông báo kết quả bệnh nhân mắc viêm não mô cầu để Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội có biện pháp khử khuẩn, giám sát, theo dõi.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), viêm não mô cầu là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Người bị mắc bệnh viêm não mô cầu có thể tỉ lệ tử vong rất cao, chiếm tới 70%. Nếu được chữa khỏi, nhiều bệnh nhân dễ bị di chứng nặng. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp và xuất hiện quanh năm.
Để phòng bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh. Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm, không để dịch bệnh lan rộng.
Ông Phu cũng cho biết, bệnh não mô cầu nguy hiểm và có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đi tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu nhóm A, B và C. Vaccine này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, với 1 liều duy nhất và tiêm mũi nhắc lại sau 3 năm. Ngoài ra, người dân cũng cần tránh tiếp xúc với người mắc bệnh não mô cầu, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người...