Nhân Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), ngày 14/10, Chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên của AstraZeneca (YHP) tham gia chiến dịch Trao quyền cho trẻ em gái của Plan International trên toàn cầu nhằm kêu gọi giải quyết các vấn đề phụ nữ trẻ tại Việt Nam đang phải đối mặt, qua đó giúp họ tăng cường vị thế trong mọi lĩnh vực đời sống.
Trong sự kiện, 2 nữ sinh viên đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân đã được trao quyền nắm giữ vị trí lãnh đạo của AstraZeneca để điều phối buổi thảo luận trực tuyến và chia sẻ ý tưởng của mình để công ty tiếp tục thúc đẩy hơn nữa vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
2 nữ sinh này là Yến Nhi đến từ Hà Giang và Mỹ Hạnh đến từ Nam Định đã thảo luận về những trải nghiệm và thách thức mình gặp phải trong đại dịch Covid-19. Cụ thể là những tác động về kinh tế và sức khỏe tinh thần của các em khi phải đảm bảo cả công việc học tập lẫn việc gia đình trong thời gian giãn cách xã hội. Với trẻ em gái ở vùng sâu vùng xa, Covid-19 khiến nguy cơ bị bóc lột, lao động trẻ em và bạo lực trên cơ sở giới tăng cao.
"Dịch Covid-19 bùng phát không chỉ hạn chế cơ hội tham gia các hoạt động xã hội có ý nghĩa, mà còn tăng nguy cơ khiến các bạn gái trẻ tiếp xúc với thông tin sai lệch, rủi ro bị bắt nạt và quấy rối trên mạng. Em hy vọng sẽ có nhiều chương trình giúp trang bị cho các bạn gái kỹ năng tự bảo vệ mình, cũng như hướng các bạn tham gia vào các hoạt động trực tuyến tích cực. Bản thân em đã tham gia các cuộc thi trực tuyến có ý nghĩa giáo dục mà qua đó em có thể gặp gỡ những người bạn năng động, chia sẻ ý kiến về các vấn đề em quan tâm và rèn giũa các kỹ năng của mình", Mỹ Hạnh chia sẻ.
Mỹ Hạnh và Yến Nhi cũng có cơ hội tìm hiểu về các cơ hội cho giới nữ trong ngành khoa học qua nỗ lực ứng phó với đại dịch và các bệnh không lây nhiễm. Hai em chủ trì phiên thảo luận và chia sẻ ý tưởng để công ty tiếp tục hỗ trợ trao quyền cho phụ nữ ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam. "Các điển hình như Chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên thực sự rất hữu ích để giúp các bạn gái được trang bị kiến thức và kỹ năng lãnh đạo. Em nhận ra rằng mình đã học được rất nhiều từ các buổi tập huấn và các hoạt động nhóm. Ngoài ra, việc kết nối các bạn gái với các nữ lãnh đạo để phấn đấu noi gương cũng là phương pháp hiệu quả giúp truyền cảm hứng và tạo động lực cho cho các bạn gái, đặc biệt là các bạn ở vùng sâu vùng xa", Yến Nhi đưa ra đề xuất.
Từ năm 2016, hàng nghìn trẻ em gái trên toàn thế giới đã được trao cơ hội nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo trong các lĩnh vực như: chính trị, truyền thông, giải trí, kinh doanh… nhằm kêu gọi bình đẳng và quyền đại diện cho nữ giới thông qua chuỗi sự kiện Trao quyền cho trẻ em gái do Plan International khởi xướng. Tại Việt Nam, đã có 982 em gái tham gia sự kiện từ 2016 đến nay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn