Được đi thực tập tại những tập đoàn lớn trên thế giới có lẽ là ước mơ của đại đa số sinh viên. Kết thúc kỳ thực tập, bạn không chỉ học được kiến thức cùng kỹ năng làm việc quý giá mà còn mở rộng được mối quan hệ và nhận mức tiền lương hấp dẫn. Vì vậy, để giành tấm vé thực tập tại các tập đoàn lớn rất khó, sinh viên phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn gắt gao.
Vậy mà Hiểu Đan – nữ sinh Việt Nam có ngoại hình xinh xắn, dễ thương đã chinh phục hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn như: DeepMind, Two Sigma, Google, Meta, Amazon, Linkedln,… Đặc biệt, em đã nhận được lời mời thực tập tại Google ngay từ khi kết thúc học kỳ I.
Cô bạn người Việt tài năng có cái tên rất hay là Lê Hiểu Đan, 22 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương. Hiện tại, em đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành Khoa học máy tính và Toán học tại Đại học Massachusetts (nước Mỹ). Đây là ngôi trường lọt top 20 nước Mỹ về chuyên ngành Khoa học máy tính và top 15 về nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo. Hãy cùng trò chuyện với Hiểu Đan để hiểu rõ hơn về quá trình học tập và làm việc của em!
- Hiểu Đan có ý định đi du học từ khi nào? Gia đình có ủng hộ quyết định của em không?
Học xong cấp 3, em vẫn nghĩ mình sẽ học Đại học Y Phạm Ngọc Thạch và trở thành bác sĩ. Tuy nhiên sau khi trúng tuyển, em cảm thấy ngành học đó không phù hợp với tính cách nên đã chuyển hướng. Em là người thích những thứ liên quan đến sự sáng tạo, đột phá.
Ngoài ra, em cũng rất thích Toán học và làm ứng dụng có ích cho cộng đồng. Sau nhiều tìm hiểu, em thấy Khoa học máy tính là ngành có sự kết hợp giữa hai yếu tố đó nên em đã quyết định theo ngành Khoa học máy tính và Toán học tại nước Mỹ. Dù thay đổi quyết định ở phút cuối nhưng em may mắn nhận được sự ủng hộ từ gia đình, đặc biệt là mẹ em.
- Việc chuyển ngành đột ngột khiến em gặp những khó khăn gì?
Về tiếng Anh, trước khi qua Mỹ học tập, em lấy chứng chỉ SAT 1510/1600 nên không gặp khó khăn khi giao tiếp. Tuy nhiên, một trở ngại em phải đối mặt là học lại rất nhiều kiến thức mới. Trước đây em học khối B gồm Toán – Hóa – Sinh; còn giờ chuyển sang Toán – Tin khiến em phải miệt mài tự trau dồi kiến thức trước khi chính thức nhập học.
Ban đầu, em lo lắng mình sẽ không theo kịp các bạn đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành. Sau đó, với tư duy "chưa biết thì học, chưa có kinh nghiệm thì làm" cùng sự nỗ lực không ngừng đã giúp em nhận được lời mời đi thực tập tại Google. Ngoài ra, em còn có bài xuất bản nghiên cứu đồng tác giả về trí tuệ nhân tạo tại hội nghị EMNLP uy tín sau kì học đầu tiên.
- Vậy quá trình đi thực tập của em diễn ra như thế nào? Lời khuyên hữu ích mà em muốn gửi đến các bạn trẻ khi phỏng vấn xin việc là gì?
Trong 4 năm học, em nhận được lời mời đi thực tập tại nhiều tập đoàn nổi tiếng như: Google, Meta, Amazon, Two Sigma, Linkedln, Flatiron Health. Và em có trải nghiệm 2 lần thực tập tại Google, 1 lần tại Meta và 1 lần tại Amazon.
Kì thực tập ở Google vào năm nhất:
Em thực tập trong 3 tháng, vào cuối năm 2020 - khi mới học hết năm thứ nhất Đại học. Khi nhận được lời mời thực tập này, em đã rất hạnh phúc. Tuy nhiên, vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên em phải làm việc online, không được tới trụ sở. Đó cũng là thiệt thòi lớn cho thế hệ của bọn em.
Đến với Google, mọi thứ đều bắt đầu ở con số 0. Em không có kinh nghiệm nên đối mặt với rất nhiều thách thức. Đề bài Google đưa ra khá rộng, họ yêu cầu giải quyết một vấn đề nào đó mà nhiều người đang gặp phải.
Team (đội nhóm) của em gồm 3 người, được quản lý bởi 2 kỹ sư phần mềm có trên 5 năm kinh nghiệm. Sản phẩm team tạo ra là website giúp những người đi du lịch có thể lên kế hoạch cho chuyến đi một cách dễ dàng và hiệu quả. Sản phẩm được 40 nhân viên trong Google trải nghiệm và họ đưa ra phản hồi rất tốt. Điều đó giúp em nhận được 1 suất thực tập cho năm tiếp theo.
Kì thực tập ở Amazon vào năm hai:
Em có trải nghiệm thực tập tại Amazon trong 10 tuần. Vì thời gian của kì thực tập khá ngắn, đồng thời dự án em làm yêu cầu phải đọc hiểu nhiều codebase (mã nguồn) và sử dụng nhiều công cụ mới. Điều này khiến em phải gấp rút học để hoàn thành dự án. Chính vì sự vội vã, em đã mắc một số lỗi sai do bất cẩn.
"Nếu không gặp bug (lỗi sai) thì không phải là kỹ sư", đó là câu nói mà quản lí đã nói để truyền động lực cho em. Thật may mắn khi đồng nghiệp ở Amazon đã giúp em nhận ra những thiếu sót và góp ý giúp em cải thiện. Bài học lớn của em sau kì thực tập của Amazon là sự cẩn thận, chú tâm đến từng chi tiết, thói quen dự tính những nguy cơ có thể xảy ra khi phát triển sản phẩm.
Kì thực tập ở Google năm 2:
Khác với năm thứ nhất được làm việc theo team, lần này ở Google, em đảm nhiệm 100% dự án, từ bước thiết kế đến bước thực hiện dưới sự chỉ dẫn của quản lí. Dự án em làm có tầm ảnh hưởng lớn, giúp các kĩ sư ở Google Cloud có thể tiết kiệm được từ 30 phút - 1 tiếng khi tìm bug (lỗi) nhanh và dễ dàng hơn. Từ đó, sản phẩm của em có thể giúp tiết kiệm đến 5 triệu đô mỗi tháng cho Google.
Trong lần thực tập này, em học được tư duy làm việc độc lập, chủ động đào sâu vấn đề và mạnh dạn đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề trước những kĩ sư kỳ cựu tại Google. Thời gian đầu, em khá rụt rè, ngại ngùng khi trình bày ý tưởng bởi em còn lo lắng rằng vốn kiến thức còn hạn hẹp và kinh nghiệm còn ít ỏi. May mắn là em luôn nhận được sự động viên, khích lệ từ mọi người trong team. Điều này giúp em rút ra 1 bài học quý giá: Khi tập trung vào 1 vấn đề đủ lâu thì bạn hoàn toàn có thể giải quyết được nó.
Kì thực tập ở Meta vào năm 3:
Meta là đơn vị em được tới trụ sở làm việc vì dịch COVID-19 đã khống chế được. Quãng thời gian này là mùa hè tuyệt vời nhất mà em đã trải qua. Meta cũng là nơi mà em được làm về trí tuệ nhân tạo. Em được nghiên cứu những công nghệ, mô hình mới và tốt nhất trong ngành. Những mô hình em thực hiện đã giúp cải thiện tính chính xác cho nhiều sản phẩm ở mảng Thương mại của Meta.
Không chỉ thực hiện các dự án chuyên sâu, em còn có cơ hội gặp nhiều người tài giỏi như giám đốc của bộ phận AI của Meta. Họ rất thân thiện, nhiệt tình và sẵn sàng chia sẻ cho em nhiều bài học quý như: Start-up như thế nào, định hướng sản phẩm, nghiên cứu thị trường ra sao,… Quá trình thực tập ở đây giúp em trưởng thành hơn rất nhiều về mặt kĩ thuật đến kĩ năng mềm.
Một vài lời khuyên em muốn gửi đến cho các bạn trẻ trước khi tham gia buổi tuyển dụng:
Quan trọng nhất là nắm vững chuyên môn kĩ thuật. Điều này có thể cải thiện bằng cách học kĩ những kiến thức được dạy ở những khóa nền tảng trên trường. Đồng thời mở rộng hiểu biết bằng cách đọc sách, học các khóa học ở ngoài như của MIT Opencourseware.
Ngoài ra, trong những kì học, em luôn cố gắng nắm bắt cơ hội hợp tác với giáo sư/nghiên cứu sinh. Em chủ động học hỏi thêm bằng cách làm những dự án cá nhân. Khi phỏng vấn, em thể hiện sự đam mê học hỏi, sẵn sàng giải quyết vấn đề khi gặp vướng mắc.
- Việc đi thực tập nhiều như vậy có ảnh hưởng đến kết quả học tập của em không?
Trong năm học, ngoài việc đi thực tập, em còn làm nhiều việc khác như nghiên cứu khoa học, thực hiện dự án riêng và giữ vững điểm số học tập. GPA của em luôn đạt 4.0/4.0. Vì là người hiếu học nên em luôn cố gắng học hỏi thêm mỗi ngày. Tuy vậy, điểm yếu của em là sự cầu toàn. Em thường xuyên tạo áp lực cho bản thân để làm tốt hơn. Chính vì vậy, đôi lúc em cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.
Để khắc phục điểm yếu, em luôn cố gắng sắp xếp thời gian thật khoa học. Việc nào quan trọng, cần được ưu tiên thì sẽ thực hiện trước và chú trọng nhiều hơn. Những việc không quan trọng sẽ chỉ làm trong một khoảng thời gian giới hạn và không cố gắng làm đến mức độ hoàn hảo. Từ đó, em có thời gian dư để chăm sóc sức khỏe cho bản thân, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Nhờ vậy, em đã giảm nhiều căng thẳng.
- Hiểu Đan đã áp dụng những mẹo nào trong quá trình học tập?
Em chẳng có mẹo gì cao siêu, lợi hại. Điều thứ nhất, em nghĩ để học tập hiệu quả thì chúng ta cần rèn luyện tư duy mỗi ngày. Kết thúc buổi học hay khi tiếp nhận bất cứ kiến thức nào, hãy suy nghĩ sâu hơn về nó. Đặt ra những câu hỏi và tự trả lời nó là một cách để phát triển tư duy. Tự mình kiểm chứng lại những thứ được học là một cách em thường dùng để hiểu kỹ kiến thức hơn.
Một mẹo học tập nữa là sau khi học xong, em sẽ dạy hoặc truyền đạt cho người khác lượng kiến thức đó. Điều này giúp em khắc sâu kiến thức bởi mỗi lần trao đổi là một lần kiểm duyệt tư duy. Qua đó, em biết được phần kiến thức nào đã nắm vững, phần kiến thức nào còn mông lung.
- Dự định trong tương lai của em là gì?
Trong 1 - 2 năm tới, em sẽ làm việc tại Mỹ để tích lũy kinh nghiệm. Sau đó, em về Việt Nam để giải quyết những vấn đề người Việt đang gặp phải. Nếu ở Mỹ làm việc, có thể em sẽ nhận được mức lương thưởng hậu hĩnh hơn nhưng em nghĩ sẽ không hạnh phúc bằng khi trở về và cống hiến cho quê hương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn