Ông Cao Xuân Long, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, chia sẻ: "Bản có 77 hộ dân, đều là đồng bào Rục. Từ xưa đến nay trong bản Mò O Ồ Ồ, học sinh học hết lớp 12 đã hiếm rồi. Nay cháu Hằng đỗ đại học là một sự kiện lớn".
Hay tin Hằng trúng tuyển đại học, bà con trong bản, thầy cô giáo và các chiến sĩ biên phòng, chính quyền địa phương đã đến chia vui và chúc mừng em.
Hằng nghẹn ngào tâm sự: "Thời khắc cầm giấy báo đỗ vào Đại học Sư phạm, nước mắt em cứ thế tuôn rơi vì hạnh phúc. Có được kết quả này, em và gia đình đã cố gắng rất nhiều. Em thực sự biết ơn các cô chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã giúp đỡ em trong suốt quá trình học tập".
Khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, Cao Thị Lệ Hằng mồ côi bố từ nhỏ, một mình mẹ gồng gánh nuôi 8 chị em Hằng, trong khi cả gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng. Gia đình Hằng thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Đã không ít lần, trên hành trình đi tìm con chữ của mình, Hằng từng có ý định bỏ cuộc.
"Bố em mất năm em mới hơn 1 tuổi, nhà đông con nên mẹ làm lụng quần quật cũng không đủ và nuôi các con ăn học. Trong những năm tháng khó khăn, có lúc em nghĩ, cứ cố học đến đâu hay đến đó, khi nào khó quá thì ở nhà phụ mẹ để nuôi các em của mình được tiếp tục đến trường", Hằng tâm sự.
Bà Hồ Thị Phây - mẹ của Hằng - chia sẻ, nhiều lần, bà định cho Hằng nghỉ học để phụ bà làm rẫy. Nhưng rồi thấy con ham học quá, bà lại không đành lòng. May mắn thay, chính quyền địa phương và các chiến sĩ biên phòng Đồn Cà Xèng đã giúp đỡ Hằng tiếp tục theo đuổi ước mơ của em.
Từ năm 2016, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã nhận chăm sóc em theo chương trình "Nâng bước em đến trường", mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Nhờ vậy, Hằng đã có điều kiện theo học đến hết cấp 3 và thi vào đại học.
Trong thời gian theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình, cô học trò Cao Thị Lệ Hằng cũng nhận được sự quan tâm, yêu thương rất lớn từ các thầy cô. Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: "Cao Thị Hằng là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng em đã biết nỗ lực vượt qua hoàn cảnh. Để hỗ trợ em, thầy cô giáo đã tạo nhiều điều kiện trong học tập và bán trú tại trường cho em. Trường cũng đã vận động được một số nhà hảo tâm tài trợ, ủng hộ em ít kinh phí trước ngày nhập học. Về lâu dài, cần thêm sự chia sẻ, trợ giúp của cộng đồng để nữ sinh đầu tiên người Rục đạt được nguyện vọng trở thành giáo viên trong tương lai".
Hằng cũng tâm sự, từ nhỏ, mong muốn của em là trở thành cô giáo mầm non, trở về bản làng tiếp tục ươm mầm trẻ thơ, do đó em đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế.
Tuy nhiên, với điều kiện gia đình hiện tại, việc theo học 4 năm đại học ở Huế đối với em là điều vô cùng khó khăn. Sau khi được các chú bộ đội rồi Ban Giám hiệu Trường Đại học Quảng Bình tư vấn, hướng dẫn, em đã quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Quảng Bình, để giảm gánh nặng về chi phí học tập, giúp em thực hiện ước mơ của mình.
Hằng cho biết: "Thời gian ngồi trên ghế giảng đường, em sẽ nỗ lực học tập để sau này ra trường có thể về với bản làng, dạy dỗ các em người Rục".
Trung tá Phạm Văn Phương, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cà Xèng (xã Thượng Hóa), cho biết: "Chương trình "Nâng bước em đến trường" chỉ hỗ trợ cho Hằng cùng các em khác đến năm 18 tuổi, tức là giờ Hằng đã quá tuổi. Tuy nhiên, Hằng là trường hợp đặc biệt, tạo dấu mốc quan trọng cho đồng bào Rục nói chung và những em học sinh được đồn hỗ trợ nói riêng, nên chúng tôi đang tìm nguồn tài trợ cho Hằng hoàn thành 4 năm học đại học".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn