Hai năm trước, khi quyết định từ bỏ cơ hội vào Đại học quốc gia Hà Nội vì gia đình khó khăn trong sự nuối tiếc, Hảng Thị Lỳ (2001) - cô gái dân tộc Mông sinh sống ở bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái không hề nghĩ có ngày mình bước tiếp con đường đại học bằng một học bổng lên tới... 1,5 tỷ đồng từ ĐH RMIT Việt Nam.
Email xác nhận cấp học bổng của trường đến khi Lỳ đang ở nhà một mình. Cô gái nhỏ đã giữ im lặng và dành tin tức tuyệt vời này làm món quà mừng thọ bà trước cả gia đình vào ngày hôm sau. Tin Lỳ được cấp học bổng khiến cả gia đình và ngôi làng nhỏ ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, rộn rã niềm vui. "Cả nhà em đều hết sức hạnh phúc", cô bạn chia sẻ. "Ai trong làng gặp em cũng đều chúc mừng em đã nhận học bổng và vào học ở một trường quốc tế", nữ sinh H'Mông nói trong sự vui mừng.
Với học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT, Lỳ sẽ được tài trợ 100% học phí chương trình tiếng Anh và đại học, cùng các khoản phí bắt buộc khác, sinh hoạt phí hàng tháng, chỗ ở... Tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo có năm anh chị em ở bản Trống Tông, thu nhập của gia đình Lỳ chủ yếu đến từ việc làm ruộng và chăn nuôi gia súc. Bản thân Lỳ cũng phải làm việc cật lực để giúp đỡ gia đình có đủ miếng ăn. Chị em Lỳ đều phải theo học ở những ngôi trường hay cơ sở giáo dục có hỗ trợ học phí.
Những năm cấp 2, Lỳ học trường gần nhà nên buổi sáng đi học, buổi chiều về tranh thủ ra đồng hoặc lên nương để giúp bố mẹ, buổi tối em sẽ dành thời gian để học bài. Lên cấp 3, Lỳ học ở trường Nội trú cách nhà 100km, ít khi được về nhà.
"Khoảng thời gian khó khăn với em là cuối năm lớp 9, khi chuẩn bị tốt nghiệp, lúc đó em đã phải đối diện với việc phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng niềm đam mê với việc học hành và mong muốn thay đổi cuộc sống hiện tại không cho phép em dừng lại, may mắn thay, em đã thi đỗ vào trường PTDT Nội trú THPT Miền Tây tiếp tục chặng đường học tập", Lỳ chia sẻ.
Suốt quãng thời gian đi học, cô gái H'Mông luôn có thành tích đáng nể. Chẳng hạn như 2 năm liền là học sinh giỏi (lớp 11, 12); là 1 trong 5 bạn học sinh có thành tích xuất sắc của trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Miền Tây nhận học bổng Odon Vallet năm lớp 11.
Biết con có ý định "học cao", bố mẹ Lỳ bỏ qua những lời "nói ra nói vào" để cố gắng hết sức tạo điều kiện cho con. Tuy nhiên, đôi khi thực tế không đẹp như mơ ước và "chiều" theo mơ ước. Tốt nghiệp cấp 3, Lỳ cuối cùng đành ngậm ngùi tạm dừng mục tiêu vào đại học vì khó khăn về kinh tế.
Lỗi hẹn với cơ hội theo học tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Lỳ chọn theo học một khóa về bán hàng và marketing tại REACH, tổ chức phi lợi nhuận chuyên đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam, để có thể đi làm ngay và hỗ trợ gia đình mình. Cô gái nhỏ không ngờ, chính ngả rẽ "bất đắc dĩ" này lại là duyên lành đưa mình đến với mục tiêu mơ ước.
Lỳ nói về quyết định "định mệnh" ngày đó: "Em rất trân trọng khoảng thời gian học tập tại REACH, các thầy cô và các bạn đều rất thân thiện, nhiệt tình và luôn giúp đỡ nhau như một gia đình vậy. Các kiến thức và kỹ năng mà em học được tại REACH đã giúp em tự tin tìm kiếm công việc và luôn hoàn thành tốt các công việc được giao. Đây cũng là nơi mang đến cơ hội để em được kết nối với ĐH RMIT và viết tiếp ước mơ học Đại học".
Là một trong sáu tân sinh viên nhận học bổng năm 2022, tuy nhiên ít ai biết, chỉ một năm trước đó, Lỳ còn chần chừ, không "dám" ứng tuyển vì nhận thấy tiếng Anh của mình còn kém. Đến năm nay, khi trau dồi thêm cho mình kỹ năng cũng như sự tự tin, cô gái H'Mông mới mạnh dạn nộp hồ sơ và nhận về quả ngọt.
"Quá trình chuẩn bị cho học bổng như viết luận, xin giấy giới thiệu cũng gặp khó khăn khi đây là lần đầu tiên xin học bổng và chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, em cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và ủng nhiệt tình từ gia đình, bạn bè, và những người xung quanh, nhờ đó đã vượt qua được những khó khăn nhất thời.
Em nghĩ rằng em không phải ứng viên quá xuất sắc hoặc nổi bật hơn so với các bạn khác. Lý do em nhận được học bổng này là những giá trị bên trong con người của em và những mục tiêu em đặt ra trong tương lai đồng điệu với những giá trị nhân văn mà nhà trường hướng tới", Lỳ chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Miền Tây, người đã đồng hành và chứng kiến quá trình trưởng thành của Lỳ trong nhiều năm qua nhận xét cựu học sinh của mình là "Một cô gái nhỏ bé người dân tộc thiểu số ở vùng cao Mù Cang Chải mang trong mình ý chí mạnh mẽ, một trái tim ấm áp, luôn tin tưởng vào bản thân và tìm mọi cơ hội để vươn lên, hoàn thiện bản thân". Cô Thùy tin rằng nếu ước mơ của Lỳ trở thành hiện thực, em sẽ là cô gái mang đến sự thay đổi lớn lao và là một tấm gương tích cực cho bao thế hệ trẻ nơi rẻo cao này.
Nói về dự định tương lai, Lỳ cho rằng muốn đem kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và vốn tiếng Anh trôi chảy mà cô sẽ thu thập được khi theo học Cử nhân Quản trị Du lịch và Khách sạn để về đóng góp cho sự chuyển mình và lớn mạnh của quê hương yêu dấu.
Em muốn xây dựng một căn nhà lưu trú du lịch và các tour du lịch gắn liền với văn hóa của người H'Mông, đồng thời tổ chức các lớp tiếng Anh cho học sinh nghèo và các phụ nữ đơn thân để họ có thêm cơ hội tìm việc làm".
Lần đầu tiên ngồi máy bay vượt hơn 1.700 cây số vào TP. Hồ Chí Minh để nhập học ở Đại học RMIT, Lỳ vừa hồi hộp vừa hào hứng với tương lai phía trước. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn vững tin: "Một trong những triết lý mà em luôn nhủ với lòng là em của ngày hôm nay không được giống em của ngày hôm qua. Vậy nên, hãy cố gắng mỗi ngày từng chút từng chút một hướng đến ước mơ của mình. Em tin rằng nỗ lực của bản thân nhất định sẽ được đền đáp xứng đáng".
Lỳ hiện đang học tiếng Anh để chuẩn bị học chính khóa vào năm sau.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn