Vấn nạn trọng nam khinh nữ trong giáo dục
Để xác định tác động của đợt bùng phát Covid-19 đối với vấn đề giáo dục của trẻ em gái, Room to Read đã tiến hành khảo sát 28.000 trẻ em gái ở Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Lào, Nepal, Sri Lanka, Tanzania và Việt Nam.
Một trong những hạn chế đầu tiên mà nhiều gia đình nghèo xem xét trong thời kỳ khó khăn dịch bệnh là chuyện ngăn cản trẻ em gái đến trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 42% số trẻ em gái được khảo sát cho biết thu nhập của gia đình các em bị giảm sút trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và cứ 2 trẻ em gái thì có 1 em được khảo sát phải đối mặt với nguy cơ bỏ học.
Lina, một nữ sinh lớp 11 ở Campuchia, từng mơ ước được học ngành kế toán ở trường đại học. Nhưng cha mẹ của Lina buộc em phải nghỉ học và kiếm việc làm để giúp gia đình trả nợ. Câu chuyện của Lina đã được Bloomberg chia sẻ với Room to Read. Nhóm đã đổi tên nữ sinh Campuchia này để tránh làm xáo trộn cuộc sống của em.
Ông John Wood, người sáng lập Room to Read, cho biết: "Khi các gia đình không đủ tiền cho con cái đi học và phải lựa chọn, họ thường sẽ gửi con trai tới trường. Khó khăn về tài chính và định kiến văn hóa "truyền thống" trọng nam khinh nữ đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn cản trẻ em gái ở các nước kém phát triển hoàn thành chương trình giáo dục".
Trong bối cảnh nhiều trường học ở châu Á vẫn đóng cửa vì Covid-19, các nhóm thúc đẩy giáo dục trẻ em gái bao gồm Ngân hàng Thế giới và cơ quan của Liên hợp quốc UNICEF vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
"Các gia đình phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là về vấn đề kinh tế vì dịch bệnh. Điều này sẽ khiến họ gặp khó khăn trong việc gửi con đến trường" ông Toby Linden, Giám đốc thực hành giáo dục của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết. "Một trong những bài học từ đại dịch Covid-19 là vai trò quan trọng của các gia đình trong việc hỗ trợ giáo dục đối với con cái họ".
Đại dịch Covid-19 đã làm giảm số lượng công ăn việc làm và giảm thu nhập của các hộ gia đình, đe dọa kéo khoảng 100 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.
Theo Quỹ Malala, một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy giáo dục trẻ em gái, ước tính sẽ có thêm 20 triệu trẻ em gái ở độ tuổi trung học nữa có thể phải nghỉ học trên toàn cầu vào năm nay. Ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, sẽ có thêm 35 triệu trẻ em (cả trai và gái) không có cơ hội đến trường vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt giáo dục đối với trẻ em gái ở các nước nghèo, nơi tỷ lệ các nữ sinh theo học bậc trung học cơ sở vốn đã rất thấp trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Sự thiếu hụt này cũng có nguy cơ gây cản trở nhiều năm tiến bộ đối với giáo dục trẻ em gái và bình đẳng giới ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới.
Phụ nữ bị hạn chế giáo dục, các quốc gia thiệt hại nặng nề
Đợt bùng phát dịch Ebola năm 2014 ở Tây Phi từng ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề giáo dục của trẻ em gái. Các gia đình nghèo cần con cái của họ, nhất là trẻ em gái, kiếm tiền thay vì đến trường. Và một khi những đứa trẻ khốn khổ này đã đi làm kiếm tiền rồi, thì hiếm khi được khuyến khích trở lại trường học sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Sự thâm hụt giáo dục đối với trẻ em gái cũng là một trong những yếu tố chính cản trở quá trình tham gia vào lực lượng lao động của phụ nữ và tiền lương của họ. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, trẻ em gái có thêm 1 năm học ở bậc phổ thông trung học có thể làm tăng thu nhập trong tương lai của họ lên tới 20%. Các rào cản ngăn cản trẻ em gái hoàn thành 12 năm giáo dục và hạn chế cơ hội học tập sẽ khiến các quốc gia thiệt hại tới 30 nghìn tỷ USD năng suất.
Tiến sĩ Francisco Benavides, cố vấn giáo dục Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: "Xu hướng đáng lo ngại là việc mở lại trường học sau dịch bệnh không có nghĩa là tất cả trẻ em sẽ quay lại trường học. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn về vấn đề kinh tế đối với khu vực này. Nếu trẻ em gái không được tiếp cận với các cơ hội học tập, rất có thể gia đình và xã hội sẽ khó thích nghi với cú sốc kinh tế".
Giáo dục dành trẻ em gái cũng góp phần tích cực đến vấn đề bình đẳng giới. Ví dụ, ở Thái Lan, phụ nữ nắm giữ 32% vai trò quản lý cấp cao, so với tỷ lệ trung bình 27% trên toàn cầu, theo số liệu Grant Thornton công bố năm 2020.
Tại Thái Lan, số lượng phụ nữ chiếm tới 24% con số giám đốc điều hành và 43% giám đốc tài chính. Mặc dù Thái Lan là một nước ngoại lệ so với các quốc gia ở khu vực lân cận, nhưng điều này cũng cho thấy những lợi thế về kinh tế và xã hội khi phụ nữ được học tập đầy đủ.
Trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia khác ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề giáo dục dành cho trẻ em gái. Nhưng đại dịch Covid-19 ập đến đã làm đảo lộn mọi chuyện và ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ.
Theo tiến sĩ Benavides, khu vực này "sẽ lạc hậu trong vài năm tới". Ông Benavides nhận định: "Covid-19 sẽ khiến chúng ta phải mất rất nhiều năm để trở lại như trước đây. Chắc chắn nền kinh tế châu Á sẽ bị ảnh hưởng lâu dài vì sự thâm hụt giáo dục đối với nữ giới".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn