Tại phiên chất vấn về các vấn đề văn hoá, giáo dục, y tế chiều 7/11, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Vương Quốc Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam - đề cập đến Báo cáo số 508 ngày 03/10/2023 của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội có nêu. Tình trạng bạo lực học đường diễn ra phức tạp. Vậy hướng khắc phục căn cơ của Bộ là thế nào?
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo thống kê, từ tháng 9/2021 - tháng 11/2023, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó có hơn 800 học sinh là nữ.
"Bạo lực học đường diễn biến phức tạp. Đặc biệt, số vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia xảy ra cả trong và ngoài trường học. Học sinh nữ tham gia ngày càng nhiều hơn khiến chúng tôi rất lo lắng và nỗ lực tìm giải pháp xử lý", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói.
Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó việc phát hiện và xử lý bạo lực học đường hiện giao cho giáo viên nhưng một số hiệu trưởng và giáo viên khi phát hiện và xử lý vụ việc còn lúng túng.
Ngoài ra, theo thống kê của TAND Tối cao, hằng năm có 70%-80% vụ ly hôn có liên quan đến bạo lực gia đình. Vì vậy, học sinh vừa chứng kiến bạo lực, vừa có thể là nạn nhân bị bạo lực. Hai việc này có liên quan đến nhau, nên cần ngăn chặn bạo lực từ gia đình. Thêm nữa, hiện phim ảnh bạo lực cũng ảnh hưởng đến giới trẻ với nhiều motyp bạo lực tập thể.
"Qua thời gian dịch bệnh, học sinh học trực tuyến lâu ngày nên có vấn đề về tâm lý, cộng với tâm sinh lý lứa tuổi trưởng thành, có thể là nguyên nhân nảy sinh bạo lực học đường", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định - cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, kiến thức phổ thông cơ bản được trang bị đến hết bậc trung học cơ sở. Trung học cơ sở là dấu mốc rất quan trọng để tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh. Nhưng hiện nay, khi kết thúc chương trình trung học cơ sở, các em học sinh không thi tốt nghiệp mà xét tốt nghiệp, trong đó khi kết thúc trung học phổ thông thì lại thi tốt nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có cần thay đổi lại việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở kết hợp với xét tuyển vào lớp 10 và xét tốt nghiệp trung học phổ thông không?
Đại biểu này cũng cho biết, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có gặp gỡ, trao đổi với khoảng 1 triệu giáo viên và đã nhận được trên 6.000 câu hỏi. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những trăn trở, vướng mắc lớn nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay? Đồng thời cho biết kế hoạch để giải quyết những vấn đề đó?
Phát biểu trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước thềm năm học vừa qua, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo có tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với hơn 1 triệu giáo viên, trong cuộc gặp gỡ có hơn 6.300 câu hỏi, ý kiến đã được gửi đến, bày tỏ sự đồng tình với xu hướng đổi mới giáo dục đào tạo do Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang dẫn dắt.
Bên cạnh đó, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư khi thách thức lớn hiện nay là đời sống và các điều kiện của nhà giáo còn hạn chế, khó khăn, nhất là với giáo viên trẻ mới và giáo viên ở vùng sâu, vùng xa; mong muốn xã hội, phụ huynh có sự chia sẻ với công việc mà lực lượng giáo viên đang làm, đồng thời cần có sự cải thiện về mức lương, điều kiện sống.
Đối với cơ cấu của các kỳ thi trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng cho biết, theo thiết kế chương trình, bậc Trung học cơ sở là nền tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông. Chương trình bậc trung học phổ thông sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, nếu trong 12 năm phổ thông có quá nhiều kỳ thi thì sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc trung học cơ sở để chuyển sang trung học phổ thông.
Còn việc kết thúc trung học phổ thông, dẫu đã là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, tuy nhiên vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông, và để kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019.
Tiếp đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng - cho biết, Nghị định số 116 năm 2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã có tác động tích cực tới việc thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với sinh viên nhập học. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ đặt hàng là 23/63 tỉnh, thành phố. Có thể nói, phương thức địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên chưa hiệu quả.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, Nghị định số 116 đào tạo giáo viên bộc lộ nhiều vướng mắc, trong đó có vướng mắc về việc đặt hàng của địa phương và đấu thầu của các trường đại học.
Bộ Giáo dục & Đào tạo đã sớm nhận thấy những vướng mắc này và đã đề xuất Chính phủ cho chỉnh sửa. Việc này đang hoàn tất và sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn