Nữ sinh viên nuôi ước mơ mở trung tâm đào tạo cho trẻ tự kỷ và khiếm thính

11:37 | 22/10/2024;
Trong một góc nhỏ yên tĩnh ở TPHCM, cô gái trẻ Vũ Ngọc Minh Châu từng chứng kiến bạn mình khổ sở chống chọi với chứng tăng động giảm chú ý.

Giữa mớ sách vở bị xé nát và những tiếng la hét, Châu chứng kiến một điều lạ thường - cô bạn nhỏ có vẻ điềm tĩnh và tập trung hơn khi đắm mình vào những trang giấy vẽ nhiều màu. Trải nghiệm thời thơ ấu gieo vào Châu một hạt giống mà sau này đã nảy mầm thành niềm đam mê, mong muốn dùng nghệ thuật để kết nối và hỗ trợ người khác. 

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Châu đã tốt nghiệp THPT với thành tích xuất sắc và trở thành một trong những sinh viên nhận Học bổng toàn phần của Đại học RMIT Việt Nam năm 2024. Hành trình của cô gái trẻ từ khoảnh khắc hằn sâu trong ký ức ấy đến việc trở thành một trong những chủ nhân của suất học bổng này là minh chứng cho thấy sức mạnh của sự cảm thông, sáng tạo và quyết tâm không gì lay chuyển. 

“Những ngày thơ ấu bên cô bạn nhỏ đã khiến em thay đổi hoàn toàn”, Châu nhớ lại, “Em nhận ra rằng nghệ thuật không chỉ là tạo ra những thứ đẹp đẽ, mà còn có thể là cầu nối, một phương thức truyền tải để những người cảm thấy bị cô lập hoặc hiểu lầm có thể cất lời”.

Một trong những cơ hội như vậy đã hiển hiện qua dự án stePets do Châu đồng sáng lập nhằm giúp đỡ động vật bị ngược đãi và bỏ rơi.

“Với từng thiết kế mà nhóm của em thực hiện, chúng em đã cố gắng đem đến tiếng nói cho những đối tượng không thể tự lên tiếng”, Châu chia sẻ.

Nỗ lực của nhóm đã giúp gây quỹ được hơn 10 triệu đồng cho mục tiêu tốt đẹp mà nhóm đề ra nhưng quan trọng hơn, kết quả đạt được đã cho cô gái trẻ nhận ra tác động hữu hình mà thiết kế giàu ý nghĩa có thể mang lại giúp giải quyết những vấn đề của thế giới thực. 

Nhận thức này đã trở thành kim chỉ nam dẫn lối Châu nỗ lực hòa quyện niềm đam mê cho nghệ thuật, thành tích học tập với cam kết tạo tác động lên cộng đồng. 

Nhiệt huyệt kiến tạo tác động xã hội của cô gái trẻ thể hiện rõ nét trong các hoạt động ngoại khóa mà Châu tích cực tham gia. Kỹ năng lãnh đạo của cô bạn tỏa sáng với tư cách Trưởng nhóm phụ trách Quan hệ công chúng cho Hội thảo TU(A), chịu trách nhiệm quản lý nhóm 50 thành viên tổ chức hội thảo về sức khỏe tinh thần thu hút 200 người tham gia. 

Một số thiết kế của Châu cho dự án stePets


Tại SUGAR Việt Nam, Châu là trưởng nhóm Thiết kế, giúp tăng đáng kể tương tác trên mạng xã hội. Tài năng sáng tạo của cô gái trẻ còn vươn tầm ra các hoạt động thiết kế ấn phẩm cho những sáng kiến về sức khỏe tinh thần của CLB The Psychealer cũng như đóng góp cho chuỗi podcast về văn hóa của dự án Miracle au Vietnam. Kinh nghiệm phong phú cho thấy năng lực của cô gái trẻ trong việc hòa quyện chất sáng tạo với năng lực lãnh đạo và trách nhiệm xã hội trên nhiều kênh truyền thông khác nhau. 

Trong những năm học tại trường Phổ thông năng khiếu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Châu không chỉ duy trì được điểm số xuất sắc mà còn tích cực đưa tài năng sáng tạo sắc nét của mình vào các hoạt động đem lại lợi ích cho xã hội.

Cô Trần Thị Cẩm Vân, giáo viên Văn thời THPT của Châu, không bất ngờ với thành công của cô học trò cũ. Cô chia sẻ rằng Châu có năng lực nhìn xa hơn những câu từ trên trang giấy và diễn giải các chủ đề xã hội phức tạp trong văn chương thành những ý tưởng hành động thực tế. 

Tầm nhìn của Châu trong việc xây dựng một trung tâm đào tạo là hoài bão mà cô gái trẻ đã bắt tay vào bồi đắp. Trong thời gian thực tập tại MiYork Education, doanh nghiệp xã hội chuyên về tư vấn giáo dục, Châu đã tạo ấn tượng với bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc điều hành, nhờ ý thức rõ ràng về mục tiêu của mình. 

“Dù còn trẻ, Châu đã cho thấy sự chín chắn và có mục tiêu sự nghiệp rõ ràng”, bà Tuyết nói, “Châu thường trao đổi với tôi về khát vọng của em, hỏi xin lời khuyên về hoạt động quản lý và lãnh đạo để có thể vươn tới thành công sau này. Chọn thực tập tại MiYork thay vì một công ty sáng tạo, Châu chọn không chỉ học về thiết kế đồ họa mà còn về tư duy kinh doanh, điều đóng vai trò quan trọng cho định hướng tương lai của em ấy”.

“Em ước mơ mở một trung tâm đào tạo cho trẻ tự kỷ và khiếm thính, dùng nghệ thuật thị giác làm công cụ giảng dạy. Ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo của RMIT dường như là bước tiếp theo hoàn hảo để em có thể biến ước mơ này thành hiện thực. Em hào hứng được chính thức hóa những kỹ năng từng tự học. Nhưng điều khiến em thực sự phấn khích là cơ hội được hợp tác với các bạn khác và với thầy cô, những người chia sẻ niềm tin của em vào việc thiết kế cho những điều tốt đẹp”, Châu bộc bạch.

Câu chuyện của Châu là một lời nhắc nhở rằng đôi khi, những thay đổi mạnh mẽ nhất khởi đầu từ một khoảnh khắc kết nối đơn giản cũng như việc sẵn sàng nhìn ngắm thế giới từ lăng kính của người khác. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn