Vừa kết thúc một cuốc khách, mồ hôi nhễ nhại, chị Nguyễn Thị Chín (50 tuổi) vội vàng quay về điểm đón khách trước bến xe nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đậu xe máy bên lề đường nghỉ ngơi, chờ khách.
Chị Chín cho biết, cách đây đúng 10 năm, một biến cố lớn xảy ra với gia đình chị. Thời điểm đó chị Chín vẫn đang đi làm công nhân, chồng chị bỗng phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Dù đã được cứu chữa bởi những bác sĩ tốt nhất nhưng người chồng bao năm má ấp môi kề cũng bỏ chị Chín ra đi, để lại 3 đứa con nhỏ dại đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Một nách nuôi 3 con, chị Chín đành phải bỏ nghề công nhân để ở nhà chăm sóc các con. Thế nhưng, ở nhà mãi lấy gì để nuôi các con? Số tiền dành dụm được chỉ đủ tiêu cầm chứng dù chị đã xoay đủ công việc để vừa có thể chăm mon con cái, vừa có thêm thu nhập cho gia đình. Công việc không ổn định cùng với mấy đứa trẻ sống ở Hà Nội khiến gia đình chị luôn trong cảnh giật gấu vá vai. 5 năm trước, lên mạng tìm kiếm công việc, chị Chín tình cờ đọc được thông tin thông tin tuyển dụng tài xế từ GoViệt (Gojek - một hãng xe công nghệ như Grabbike). Chị đăng ký và "trúng tuyển".
Chị Chín là dân Hà Nội chính hiệu nên đường xá Thủ đô chị gần như thuộc mọi ngõ ngách. Thế nhưng khi biết chị lựa chọn nghề này ai cũng phản đối với lý do vất vả và nguy hiểm. Tuy nhiên nhu cầu kiếm tiền trang trải cuộc sống thúc ép khiến chị Chín vẫn kiên định với lựa chọn của mình.
Lợi thế của chị Chín là thông thuộc đường phố Hà Nội nhưng khi mới bước vào nghề chị cũng gặp không ít khó khăn như chưa quen với việc chạy xe liên tục khiến người mỏi mệt. Hơn nữa, khi vào nghề, chị cũng đã U50 nên sức khỏe không được như khi còn trẻ.
Mỗi ngày, chị Chín bắt đầu công việc từ 5h giờ sáng, trưa về lo cơm nước cho các con, 1h giờ chiều lại bắt đầu "ca 2" đến 17h. Thời gian đầu chị Chín "thở không ra hơi". Phải mất nhiều tháng, chị mới quen với cường độ làm việc như vậy.
Chị Chín nói rằng: "Khách cũng có người này, người kia, đủ thành phần nhưng mình cứ nhiệt tình và không lơ là cảnh giác, đảm bảo an toàn cho bản thân là được. Trong hội nhóm các thành viên cũng luôn chia sẻ kinh nghiệm nên đã 5 năm chạy xe nhưng tôi chưa gặp "biến cố" nào".
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chị Chín cho biết, vì chị thường trực đón xe ở bến nước Ngầm nên biết được người từ các tỉnh về Hà Nội đi viện rất nhiều. Có trường hợp đi trên đường nghe họ tâm sự về hoàn cảnh, sau đó chị Chín chỉ lấy tiền xăng. Có người chị Chín chở miễn phí vì họ "quá khổ". Thậm chí, có người chị Chín còn đưa về nhà ăn ở, tắm rửa và kêu gọi những người hàng xóm giúp đỡ.
"Nghề này giờ là đam mê, vừa kiếm tiền vừa có những người đồng nghiệp thân thiết trong đội nhóm nên ngày nào đi làm cũng là một ngày vui. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, một khó khăn khác nhau và chúng tôi hiểu, sẻ chia, giúp đỡ nhau rất nhiều trong cuộc sống", chị Chín chia sẻ.
Thu nhập tương đối tốt, đó là lý do nhiều người lựa chọn chạy xe ôm công nghệ thuộc nhiều hãng khác nhau như Grab, Gojek, Be, Fastgo... Thậm chí, có thời điểm khi các hãng mới đi vào hoạt động dành nhiều ưu đãi thì "người người" đua nhau chuyển sang nghề này. Nhiều cử nhân mới ra trường, nhân viên văn phòng… cũng chẳng ngại bỏ việc để chạy xe ôm.
Tuy nhiên, sau khi bước vào nghề tất cả đều "ngã ngửa" khi biết rằng, đây chẳng hề là nghề dễ dàng khi số lượng tài xế ngày một đông đúc, số lượng cuốc xe ngày càng giảm xuống. Ngoài ra, để được công ty phát cuốc liên tục, tài xế phải chạy chuyên cần, thường tần suất số cuốc của ngày hôm sau sẽ tương đương với ngày hôm trước.
Theo các tài xế xe ôm công nghệ, để có được thu nhập ngày 500 nghìn, họ phải di chuyển quãng đường chờ khách khoảng 200km, chưa kể quãng đường đi đến điểm đón khách. Để đi được quãng đường đó trong nội đô Hà Nội thường xuyên tắc nghẽn là điều không hề đơn giản.
"Chúng tôi vẫn nói vui rằng, đây là nghề bán sức khỏe lấy tiền và bán xe ăn dần. Nếu chỉ nhìn vào con số thu nhập quả thật rất tốt nhưng mỗi lần sửa xe mất tiền triệu, ngồi xe liên tục cũng rất ảnh hưởng đến sức khỏe vì thế chọn nghề này chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài không thể trụ được", tài xế GrabBike Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.
Cũng theo chị Hoa, nhiều người chỉ trích "Cử nhân chạy xe ôm là không có ý chí" hay cảnh báo "bước vào thì khó bước ra thì dễ" vì sức hút về thu nhập… điều đó là nhận xét chủ quan và phiến diện.
"Thử hỏi cánh tài xế xe ôm công nghệ, họ có thật sự đam mê công việc đó không, hay chỉ vì phải bắt buộc chọn và câu trả lời chắc chắn là họ sẽ từ bỏ ngay lập tức nếu tìm được công việc khác đỡ vất vả và nguy hiểm dù thu nhập thấp hơn. Tính chất công việc ko ổn định, doanh thu giảm hàng năm, chưa nói đến nguy hiểm, bệnh tật nên chẳng có cử nhân nào coi chạy xe ôm là nghề nghiệp lâu dài cả", chị Hoa khẳng định.
Bản thân chị Hoa cũng cho biết, là giáo viên nhưng chẳng bao giờ chị so sánh giữa hai công việc vì tính chất mỗi nghề một khác. Chị chỉ xem chạy xe ôm là một cách để có thêm thu nhập nhưng vì quá vất vả nên chị khẳng định "chỉ là giải pháp" trong thời gian ngắn. Nhìn thấy những rủi ro, nhất là về sức khỏe nên thời gian tới chị Hoa chỉ duy trì App để "chạy túc tắc kiếm tiền sữa cho con" và sẽ nghỉ khi tìm được việc khác nhẹ nhàng hơn.
Ngoài vất vả và nguy hiểm cho bản thân thì tài xế làm công việc vận chuyển này còn đối mặt cả với những rủi ro về mặt pháp lý. Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học Bộ Công an) đánh giá nghề xe ôm công nghề đối diện với nhiều hiểm nguy, đặc biệt những shipper làm công việc chuyển các đơn hàng bởi nhiều khi vô tình họ có thể vận chuyển ma túy hoặc chất nổ, vũ khí...
Theo ông Hiếu, khi những shipper rơi vào tình huống trên và bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, họ sẽ gặp nhiều khó khăn để chứng minh sự vô can, ngoại phạm của mình.
Vị chuyên gia tội phạm học cho biết, để chứng minh bản thân trong sạch trong những trường hợp này, các shipper cần xuất trình được tài liệu, chứng cứ như thông tin liên hệ người gửi - nhận hàng; thông tin trao đổi về việc gửi hàng; chứng cứ chứng minh về việc nhận tiền công vận chuyển; chứng cứ xác định về việc đã kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyển; hóa đơn, chứng từ của hàng hóa...
Khi nhận một kiện hàng để vận chuyển, shipper cần làm rõ người gửi hàng là ai, chuyển cho ai; yêu cầu ghi rõ các thông tin như họ tên, số điện thoại, địa chỉ, số CCCD. Đối với trường hợp nhờ chuyển hộ, người được nhờ cần làm rõ lý do chuyển hàng hộ, làm rõ quan hệ các bên có đủ độ tin cậy, thân thiết để nhờ vả hay không.
Trong quá trình trao đổi, giao dịch cần ghi âm lại các cuộc gọi, nói chuyện; chụp ảnh điện thoại người gửi hàng; lưu lại các tin nhắn nhờ vả (nếu có), đặc biệt, cần kiểm tra tận mắt, tận tay xem hàng hóa được nhờ vận chuyển là gì? Với những hàng hóa mà bằng mắt thường khó có thể xác định chủng loại, chất lượng, vị chuyên gia gợi ý, có thể yêu cầu xuất trình tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
"Khi nhận đơn hàng, shipper nếu thấy không yên tâm thì nên từ chối vận chuyển, không nên vì tham chút lợi ích vật chất mà tự đẩy mình vào các rủi ro pháp lý. Với những lời đề nghị càng hấp dẫn, chẳng hạn như tiền công vận chuyển cao bất thường thì càng phải cảnh giác", Thượng tá Hiếu nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn