Louise Gluck (67 tuổi) tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Colombia, giảng dạy ở các trường đại học, được phong hàm giáo sư chính của trường Williams ở Massachuset. Bà có trong tay nhiều tập thơ: Đầu lòng (Firstborn, 1968); Ngôi nhà trên đầm lầy (The House on Marshland, 1975); Mảnh vườn (The Garden, 1976); Hình hài hư hao (Descending Figure, 1980); Chiến thắng của Achilles (The Triumph of Achilles, 1985).
Bà được giới thi sĩ Mỹ đánh giá là một trong những tác giả thơ tài năng nhất còn đang viết của nước này. Bà đã nhận được hầu hết các giải thưởng quan trọng nhất về thi ca của Mỹ: giải William Carlos Williams năm 1992, giải Pulitzer cho thơ năm 1993, giải văn chương Lannan cho thơ năm 1999, giải Bollingen năm 2001 và giải Sách Quốc gia Mỹ cho thơ năm 2014. Louise Gluck đã xuất bản 12 tập thơ và 1 tập tiểu luận. Bà đã giành Huy chương Vàng về Thơ của Viện Hàn lâm Văn học Nghệ thuật Hoa Kỳ (AAAL) năm 2015.
Thơ Louise Gluck nhạy cảm và kiệm lời, thường bắt đầu với những cảm xúc nhức nhói về tình yêu, sự sinh nở và cái chết. Các hình ảnh của thơ bà hiện ra tự nhiên nhưng bất ngờ và dễ dàng đi từ một cảm nhận trực tiếp tới một từ trừu tượng. Thi ca của Gluck thường được mô tả là mang tính tự truyện; tác phẩm của bà đậm đặc cảm xúc và thường xuyên dựa vào những huyền tích, lịch sử, hay tự nhiên để truyền tải những trải nghiệm cá nhân và đời sống hiện đại. Thơ của Gluck còn mô tả những khía cạnh của sang chấn, khát khao và bản thể. Đặc trưng là cách biểu đạt thẳng thắng nỗi buồn và sự cô độc. Giới phê bình cũng nói nhiều về việc xây dựng "nhân cách thơ" và mối quan hệ giữa tiểu sử cá nhân và huyền tích cổ điển trong thi ca của Gluck.
Nobel Văn học là giải thưởng nổi tiếng và danh giá nhất thế giới. Theo nguyện ước của ông Alfred Nobel, Giải Nobel được trao cho người đã tạo ra một người đã tạo ra tác phẩm xuất sắc nhất trong lĩnh vực văn học theo một hướng lý tưởng. Cho đến năm 2019 đã có 116 giải thưởng được trao, 15 trong số đó trao cho các tác giả nữ. Tác giả nữ được chọn trao giải gần đây nhất là nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk năm 2018, song giải thưởng năm đó bị hoãn lại bởi bê bối.
Bà Louise Gluck là tác giả nữ thứ 16 đoạt giải Nobel Văn học và là người mang về cho nước Mỹ giải thưởng sau 27 năm, kể từ chiến thắng của bà Toni Morrison (năm 1993). Lựa chọn năm nay của Ủy ban Nobel là một lời nhắc nhở rằng giữa thời đại hoang mang của dịch bệnh, sự chia rẽ và phân cực có lẽ chưa từng thấy khắp thế giới hiện giờ, thi ca có thể sẽ là hy vọng cứu rỗi, thậm chí là hy vọng cho nhân sinh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn