Nữ thư ký của Thái hậu Từ Dũ

21:00 | 03/11/2016;
Đó là bà Nguyễn Nhược Thị Bích - một trong số những người phụ nữ có tài thơ văn, không chỉ là thư ký của Thái hậu Từ Dũ mà còn có công dạy học cho các hoàng tử triều Nguyễn.

Bà Nguyễn Nhược Thị Bích sinh năm 1830, quê làng Đông Giang, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận (nay thuộc tỉnh Ninh Thuận), con thứ tư của quan Bố chánh Thanh Hóa Nguyễn Nhược Sơn và bà Thục nhân họ Nguyễn.

Bà xinh đẹp, rất sáng dạ nên được cha yêu chiều, làm quan ở đâu cũng đưa theo, cho học kinh sử như con trai. Đến khi trưởng thành, bà hiểu biết, thông tuệ, giỏi thơ văn.

Năm 1848, bà được Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa dâng biểu tiến vào cung phụng hầu vua Tự Đức. Do có tài thơ văn nên bà được vua Tự  Đức chú ý, thường cho tham dự các cuộc xướng họa bình điểm thơ văn. Trong một lần xướng họa, vua Tự Đức làm bài thơ Tảo mai (Hoa mai nở sớm) cho mọi người họa lại. Bài họa của bà được vua khen, ban thưởng 20 nén bạc rồi cho sung vào chức Thượng nghi Viên sư. Năm 1850 bà được phong là Tài nhân, năm 1860 được phong Mỹ nhân, rồi Quý nhân, đến 1868 được tấn phong là Tiệp dư.

Thấy bà mẫn tiệp, vua Tự Đức giao cho bà việc dạy học cho các hoàng tử con nuôi vua là Chánh Mông (sau là vua Đồng Khánh) và Dưỡng Thiện (vua Kiến Phúc). Bà được mọi người trong cung gọi một cách kính trọng là Tiệp dư phu tử. Dùng chữ phu tử để tôn xưng phụ nữ là điều hiếm có trong xã hội phong kiến đề cao Nho học.

1.jpg
Hạnh Thục ca là tác phẩm ghi lại toàn bộ các sự kiện xảy ra chung quanh Thái hậu Từ Dũ trong cuộc tháo chạy năm 1885 khi kinh thành Huế thất thủ.

Thái hậu Từ Dũ rất quý mến bà bởi sự thông tuệ, có học thức, thường gọi bà đến hầu chuyện. Sau muốn bà ở hẳn với mình nên Thái hậu xin vua Tự Đức cho bà làm Bí thư (tức thư ký), cho ở cung Gia Thọ là cung riêng của Thái hậu. Từ đó bà luôn ở bên cạnh Thái hậu, làm nhiệm vụ ghi chép lại những lời nói, việc làm của Thái hậu. Nhờ vậy bà được chứng kiến và nghe biết rất nhiều chuyện trong triều đình, hoàng tộc, cùng Thái hậu chia sẻ những âu lo về vận mệnh của vương triều, của đất nước.

Khi vua Tự Đức qua đời, mọi ý chỉ sắc dụ của Thái hậu Từ Dũ và bà Chính phi Trang Ý (vợ vua Tự Đức) đều do một tay bà soạn thảo.

Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết  phò giá xuất bôn, bà theo xa giá Thái hậu và vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị nhưng nửa đường không đi tiếp được, bà cùng Thái hậu quay trở lại kinh đô Huế.

Từ sự kiện này, về sau bà đã dồn tâm sức viết một tác phẩm ký sự lịch sử mang tên Loan dư hạnh Thục quốc âm ca, gọi tắt là Hạnh Thục ca. Tác phẩm được viết theo thể thơ lục bát gồm 1036 câu.

Với vai trò một thư ký, trong Hạnh Thục ca, Nguyễn Nhược Thị Bích là người trung thành ghi lại toàn bộ các sự kiện xảy ra chung quanh Thái hậu Từ Dũ trong cuộc tháo chạy. Trong tác phẩm, tất cả những lời than phiền trách móc, những giận giữ ưu phiền, những đánh giá nhận xét về các sự kiện, tình huống, các nhân vật được ghi lại trong tác phẩm đều là ý nghĩ, tâm tư, tình cảm của Thái hậu Từ Dũ.

Hạnh Thục ca với lối viết mang tính ghi chép trung thực của ký sự, thực sự là những sử liệu giúp nghiên cứu về những sự kiện lịch sử quan trọng đương thời, đồng thời cũng là những tư liệu quý giá để nghiên cứu tư tưởng, tình cảm của một nhân vật nổi tiếng của vương triều cuối cùng ở Việt Nam - Thái hậu Từ Dũ.

Năm 1892, Thái hậu Từ Dũ cho tấn phong Nguyễn Nhược Thị Bích làm Tam phi Lễ tần. Năm 1909, bà qua đời tại Huế ở tuổi 79. Lăng mộ bà đặt tại làng Dương Xuân Thượng (nay thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn